Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam thảo luận việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

05/06/2022 - 10:55

BDK.VN - Ngày 3-6-2022, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Trần Thị Thanh Lam phát biểu tại buổi thảo luận.nh: Kim Hoa

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: Việc thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là nội dung lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực thi hành án, phạt tù và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận nội dung của dự án Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và cho ý kiến về điều khoản tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Kết quả chỉ có 48,35% tỷ lệ đại biểu Quốc hội đồng thuận nên không đưa nội dung này vào dự án luật. Lần này, Chính phủ tiếp tục trình nội dung thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vì đây là Nghị quyết thí điểm của Quốc hội đang trong quá trình bàn bạc, thảo luận, cho ý kiến. Đại biểu Trần Thị Thanh Lam bày tỏ băn khoăn về một số vấn đề.

Thứ nhất, về cơ sở chính trị pháp lý, từ sau Luật Thi hành án hình sự ban hành năm 2019 đến nay chưa có văn bản nào có tính pháp lý cao hơn luật cho chủ trương nghiên cứu nội dung này. Theo liệt kê của Chính phủ thì chỉ là các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thi hành án hình sự ban hành năm 2019 mà luật thì không có quy định.

Thứ hai, về cơ sở thực tiễn. Chính phủ nêu 3 nội dung: Một là, việc mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tạo việc làm bên trong trại giam là khó khăn.

Hai là, hình thức lao động trong trại giam chủ yếu là ngành, nghề đơn giản, yêu cầu lao động thấp, thời gian hợp tác ngắn hạn, từng năm, không mang tính lâu dài, làm hạn chế hình thành kỹ năng lao động trong thời gian chấp hành án, khó đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động khi phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Ba là, công tác giáo dục, cải tạo lao động, dạy nghề đối với phạm nhân là trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thi hành án. Việc bố trí, sắp xếp cho lao động thường xuyên là trách nhiệm của trại giam, trong khi một số trại giam không hoặc khó có điều kiện liên kết hợp tác với doanh nghiệp để thực hiện nội dung này. Trong khi đó, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng có một số điều khoản cho ý kiến về tổ chức lao động cho phạm nhân. Kết quả đã làm được tới đâu, như thế nào, bất cập ra sao và còn những tồn tại, vướng mắc nào thì chưa thấy Chính phủ đề cập đến. Đại biểu đề nghị cung cấp thêm thông tin để làm rõ nội dung này.

Mục đích của cải tạo hình phạt là kết hợp trừng trị những hành vi của cá nhân đó gây ra cho xã hội và giáo dục cải tạo điều chỉnh nhận thức hành vi đó, chứ không đơn thuần là cải tạo môi trường lao động, tạo kỹ năng nghề cho việc tái hòa nhập cộng đồng, đây chỉ là một trong những mục tiêu. Do đó, việc tổ chức hình thức lao động cho phạm nhân cần phải đảm bảo tính nhất quán của Nhà nước. Các bản án quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành. Mặt khác, họ là phạm nhân, là người có hành vi đe dọa, gây tổn hại đến lợi ích vật chất, tinh thần của người khác. Trong khi hiện nay tình hình an ninh, trật tự theo báo cáo của ngành công an thì mặc dù có quản lý chặt chẽ nhưng qua các cuộc tiếp xúc cử tri đều nghe phản ánh về tình hình trật tự, an ninh và cần phải được quan tâm nhiều hơn. Việc đưa phạm nhân ra ngoài trại tạm giam lao động ít nhiều làm người dân lo lắng, hoang mang, chưa kể đến việc các chiến sĩ quản lý lao động, việc bố trí phương thức quản lý và công cụ hỗ trợ ra sao. Đối với phạm nhân nữ lao động trong điều kiện lao động như thế nào, điều kiện sinh hoạt ra sao, báo cáo đánh giá tác động chưa thể hiện rõ.

Theo báo cáo có khoảng 7.200 phạm nhân tham gia lao động tại 18 cơ sở, dự kiến 288 chiến sĩ quản lý. Tạm tính mỗi cơ sở 400 lao động là phạm nhân, mỗi điểm sẽ có từ 13 đến 14 chiến sĩ để quản lý, theo dõi. Có chia ca trực hay không, nếu có thì con số này chỉ bằng một nửa. Liệu có yên tâm hay không. Việc bố trí cơ chế quy định nào để trả một phần tiền công cho người lao động trong tổng số 12% theo giải trình của Bộ Công an.

Thứ hai, cơ chế nào để tách bạch ưu đãi phần thuế mà doanh nghiệp nhận ưu đãi trong việc tổ chức lao động cho phạm nhân và phần thuế nào là phần doanh nghiệp phải trả trong việc thực hiện kinh doanh của mình. Trường hợp vì nhu cầu cấp bách, sắp xếp, bố trí lao động cho phạm nhân cho phù hợp với tình hình hiện nay, đại biểu đề nghị rà soát xem lại Nghị quyết 132/2020/QH14 ngày 17-11-2020 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quá trình quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tiếp tục tháo gỡ những bất cập, điều kiện cho cơ chế lao động tại các trại tạm giam mở rộng diện tích, cơ chế đặc thù, liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để tổ chức lao động cho phạm nhân.

Mặt khác, tại Điều 33, 34 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã quy định rõ hơn về điều kiện tổ chức lao động cho phạm nhân. Nội dung này tương thích với các quy định của Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đại biểu kiến nghị Chính phủ nghiên cứu một cách thấu đáo và quan tâm hơn trong việc rà soát, tập trung cải thiện các cơ sở tạm giam, đầu tư cơ sở vật chất khi đủ điều kiện thì tổ chức thực hiện lao động cho phạm nhân theo quy định mà Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã nêu, vừa giải quyết vấn đề bất cập hiện nay, vừa đảm bảo tính nghiêm minh, đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa phát sinh tội phạm trong tình hình mới.

Tin, ảnh: Kim Hoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN