Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021

01/11/2022 - 05:44

BDK.VN - Chiều 31-10-2022, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Nguyễn Thị Lệ Thủy tham gia thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH, đại biểu QH đơn vị tỉnh Bến Tre đánh giá cao Báo cáo giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đại biểu quan tâm đến những vướng mắc, bất cập trong việc ban hành và thực hiện pháp luật về đầu tư công đó là nguyên nhân khách quan, gây lãng phí, như:

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng tỉnh Nghệ An, Dự án được xây dựng trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay đã qua 3 nhiệm kỳ Thủ tướng, 3 nhiệm kỳ Bộ trưởng nhưng vẫn chưa hoàn thành, có 119 hộ dân vùng ngập lòng hồ của dự án thuộc bản Thanh Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã không thể tách hộ, không thể giao dịch bất động sản, phát triển sản xuất. Hàng năm, lãng phí khoảng 17 tỷ đồng từ nhà máy thủy điện trong lòng hồ do không thể tích nước phát điện. Nguyên nhân do dự án phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia phải mất nhiều thời gian, bố trí không đủ vốn, không kịp thời và những thay đổi của pháp luật làm chậm tiến độ, làm tăng vốn đầu tư, đến nay vẫn còn tiếp tục vướng mắc về pháp luật đầu tư công.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét tỉnh Bình Thuận chỉ là dự án nhóm B, công trình cấp 2 nhưng phát sinh tiêu chí diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của QH nên phải mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục. Đến năm 2019 mới được QH phê duyệt chủ trương đầu tư, sau đó phải chờ phân bổ vốn, đến khi được phân bổ vốn đầu tư công thì đơn giá xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi rừng và trồng rừng thay thế đã tăng rất cao, lại phải xin điều chỉnh chủ trương, Chính phủ gần như đứng vai trò trung gian, làm thủ tục xin QH điều chỉnh chủ trương đầu tư. Do đó, dự án đến nay vẫn chưa triển khai được.

Đã gọi là hệ thống thủy lợi nhưng không được đầu tư đồng bộ, điển hình là dự án thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre, dự án JICA 3 của Nhật Bản bố trí vốn kéo dài hơn 10 năm nên chưa thể khép kín, gây lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ thực tiễn trên, đại biểu đề nghị bổ sung phụ lục những vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật và những nội dung cần hoàn thiện, sửa đổi cũng như thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan có liên quan đối với từng nội dung vướng mắc phải sửa đổi. Đồng thời, đại biểu kiến nghị xem xét sửa đổi quy định pháp luật có liên quan cho phép những dự án phát sinh tiêu chí thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của QH khi có phát sinh tăng đúng tiêu chí đó thì mới được xin điều chỉnh chủ trương đầu tư của QH, còn phát sinh giảm hoặc phát sinh tăng nhưng ở tiêu chí khác thì ủy quyền cho Chính phủ được điều chỉnh để rút ngắn thời gian, hạn chế nguy cơ tăng đơn giá và chi phí đầu tư do kéo dài thời gian làm thủ tục. Đối với những dự án có quy mô thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của cấp tỉnh có phát sinh tiêu chí thuộc thẩm quyền của QH thì sau khi được QH điều chỉnh chủ trương đầu tư do thay đổi tiêu chí đó thì cho phép Chính phủ được ủy quyền cho địa phương quyết định đầu tư dự án để hạn chế qua trung gian và đảm bảo trách nhiệm của địa phương.

Chính phủ nên ưu tiên bố trí vốn cho những dự án mang tính hệ thống, đồng bộ, liên vùng, mang tính lưỡng dụng, hiệu quả kép và những địa bàn khó khăn, vùng bãi ngang, an toàn khu để gia tăng hiệu quả sử dụng ngân sách.

Đối với danh mục dự án, cụm dự án đầu tư công không hiệu quả tại một số bộ ngành, địa phương giai đoạn 2016 - 2021, đại biểu đề nghị cần phân tích chi tiết từng dự án, xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến dự án không hiệu quả. Căn cứ theo các khái niệm lãng phí và tiết kiệm đã được quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để làm cơ sở kiến nghị Chính phủ giải quyết kịp thời, cũng như xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Đối với kiến nghị QH phát động Cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu đề nghị báo cáo bổ sung, dẫn chứng những lĩnh vực dự án đầu tư công hiệu quả. Tuyên dương những dự án đầu tư công vượt tiến độ, vượt định mức, tiết kiệm ngân sách để nhấn mạnh thêm những thành tựu đã đạt được trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và làm cơ sở để phát động phong trào.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN