Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi kiến nghị Chính phủ tạm hoãn thời gian tăng học phí

05/06/2022 - 10:55

BDK.VN - Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Kim Hoa

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đánh giá cao sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã góp phần giúp cho nền kinh tế dần hồi phục, từ đó đời sống của người dân dần thoát khỏi những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi,  hiện nay người dân, đặc biệt là bà con nông dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Giá cả các mặt hàng nông sản không ổn định, đầu ra bấp bênh, khi bán được, khi không. Trong khi giá vật tư nông nghiệp đầu vào như: Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn…tăng rất cao dẫn đến tình trạng nhiều hộ nông dân phải “treo chuồng, treo ao”, tạm dừng canh tác. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, lạm phát đang hiện hữu, các chi phí phải trả cho các dịch vụ thiết yếu như: Y tế, giáo dục cũng tăng theo, đặc biệt là học phí đã gia tăng qua các năm và đang chuẩn bị có bước tăng vọt cho năm học sắp tới.

Ngày 27-8-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để thay thế các nghị định trước về nội dung này và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-10-2021, áp dụng cho năm học 2021-2022 trở đi. Theo đó, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đặc biệt là học phí tăng lên rất nhiều, gấp từ 3 - 5 lần so với giai đoạn trước năm học 2015-2016.

Hiện nay, các địa phương, trường học đang chuẩn bị cho việc ban hành, công bố mức thu học phí cho năm học 2022-2023 sắp tới, qua theo dõi thấy rằng đều tăng rất nhiều so với năm học trước. Có trường đại học học phí tăng khoảng 50%, các trường phổ thông tăng lên gấp mấy lần. Đã có nhiều em trúng tuyển vào đại học nhưng phải từ bỏ ước mơ của mình vì học phí của trường quá cao, đành phải học một trường khác có học phí thấp hơn mặc dù đó không phải là chuyên ngành yêu thích.

Các em học sinh phổ thông ở vùng nông thôn nếu như trước đây chỉ đóng học phí từ 30 ngàn đến 120 ngàn đồng/tháng thì sắp tới có thể phải đóng từ 100 ngàn đồng đến 330 ngàn đồng, tức tăng khoảng 3 lần. Trong khi hiện tại đời sống, thu nhập của người dân còn rất khó khăn, nhất là chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19 mà chưa thể phục hồi. Do vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có chỉ đạo thống nhất trên phạm vi cả nước là tạm hoãn một thời gian, mà ít nhất là một năm việc tăng học phí theo Nghị định số 81/202/ND-CP nhằm tạo điều kiện cho các em được đến trường, cho các gia đình giảm bớt gánh nặng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo đại biểu, vấn đề thứ hai đáng được quan tâm, đó là tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi hiện nay diễn ra phức tạp và ngày càng nhiều khi mà đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Để có ít tiền làm vốn kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ hoặc tiêu dùng, người dân vì những lý do nào đó không thể tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng thì họ phải vay ở bên ngoài với lãi suất rất cao. Thủ tục có khi rất đơn giản như chỉ cần cung cấp họ tên, danh bạ điện thoại thì họ có thể vay qua app trong vòng vài phút. Hoặc phức tạp hơn một chút thì phải giao các giấy tờ như: Hóa đơn tiền điện, tiền nước, chứng minh nhân dân, căn cước công dân. Và đỉnh điểm hơn nữa là cầm cố sổ bảo hiểm xã hội hay phải làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất dù rằng chỉ là vay mượn chứ không phải chuyển nhượng.

Từ hệ lụy này, nhiều người dân gặp rất nhiều khó khăn với đà lãi mẹ đẻ lãi con, vay một nhưng trả tới mấy trăm phần trăm, thậm chí bị mất luôn quyền sử dụng đất của mình.

Trước thực trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, hiểu được thủ đoạn của những cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi để tránh vướng vào. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân khi có nhu cầu chính đáng dễ tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thống. Đề nghị ngành ngân hàng nên xem xét thực tế phổ biến hiện nay là khi đến hạn làm thủ tục đáo hạn vay, người dân thường phải đi vay nóng ở bên ngoài với lãi suất rất cao, nên chăng để giảm bớt thủ tục đưa tiền vào vài hôm sẽ được lấy ra này hay không, hay là chỉ cần làm các thủ tục giấy tờ cần thiết.

Tin, ảnh: Kim Hoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN