Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thảo luận tổ về về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

07/01/2023 - 12:24

BDK.VN - Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu thảo luận tại tổ.

Tham gia thảo luận tại Tổ số 17, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thống nhất cao về tầm quan trọng của việc ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời, đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo, đã tổng hợp nguồn thông tin đồ sộ từ tất cả các ngành, các lĩnh vực, địa phương để xây dựng dự thảo quy hoạch. Theo đại biểu, quy hoạch tổng thể quốc gia nên được xây dựng theo hướng khung phát triển mang tính chất bao trùm, không nên quá chi tiết sẽ khó cho các địa phương khi triển khai thực hiện và cần phải ban hành sớm để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng các quy hoạch cấp thấp hơn được thuận lợi.

 Góp ý cho dự thảo quy hoạch, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn quan tâm các vấn đề: Thứ nhất, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải xác định được vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, vị thế hiện tại đang ở đâu và mục tiêu phấn đấu trong tương lai như thế nào. Vị thế này phải dựa trên sự phân tích thấu đáo các tiềm năng, lợi thế so sánh của quốc gia mình, đặt trong tương quan với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, từ đó xác định đúng các ngành kinh tế quan trọng để đạt được mục tiêu vị thế đã đề ra. Vị thế của Việt Nam cần phải được khẳng định rõ ngay ở những phần đầu tiên của quy hoạch.

Thứ hai, về các đột phá kinh tế, đại biểu đề nghị phải xem kinh tế biển là động lực phát triển của quốc gia và các địa phương, phát triển kinh tế biển phải gắn với quốc phòng, an ninh, chống biến đổi khí hậu và gắn với sắp xếp, bố trí lại dân cư. Đặc biệt, trong điều kiện diện tích tự nhiên của nước ta không lớn, trong khi dân số ngày càng tăng, đại biểu đề nghị trong quy hoạch tổng thể quốc gia cần cho chủ trương về lấn biển để mở rộng không gian phát triển ở những nơi có điều kiện phù hợp. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về kinh tế biển, đặc biệt có ưu thế phát triển năng lượng tái tạo, nên cần có định hướng để phát triển không gian biển gắn liền với sắp xếp, bố trí lại dân cư và phát triển đô thị hướng biển.

Thứ ba, về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 2021 - 2025, phải chọn phương án tăng trưởng cũng như thu nhập ở mức thấp. Giai đoạn 2021 - 2030, chỉ tiêu đề ra là tăng trưởng 7%/năm, đại biểu cho rằng đây vừa là khát vọng nhưng cũng là thách thức nên cần phải phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội để có giải pháp phù hợp. Đại biểu đề nghị cần làm rõ nguồn lực để thực hiện 38 dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ cần làm rõ tổng nhu cầu đầu tư cũng như giải pháp huy động vốn xã hội để có đủ nguồn lực hiện thực hóa quy hoạch.

Đại biểu Võ Văn Hội phát biểu thảo luận tại tổ.

Cùng tham gia thảo luận nội dung này, đại biểu Võ Văn Hội - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thống nhất cao với việc thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 theo Nghị quyết (NQ) Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đại biểu đề nghị trong quy hoạch, các quan điểm, mục tiêu cũng như định hướng phát triển phải phù hợp với NQ số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới và NQ Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình  hình mới.

Trong phát triển kinh tế cần quan tâm xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các vùng, miền, các địa phương trong huy động, phân bổ các nguồn lực phát triển, hạn chế khoảng cách giữa các vùng miền. Trong phát triển các dự án kinh tế, đề nghị phải xem xét, tính toán kỹ những yếu tố tác động đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh môi trường, an ninh nông thôn.

Về quy hoạch sử dụng đất, đề nghị quan tâm tạo quỹ đất để xây dựng các công trình thao trường phục vụ cho việc huấn luyện của lực lượng vũ trang để đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu cho quân đội. Trong quy hoạch, cần tính toán việc phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển, hàng không được kết nối, có tính chất lưỡng dụng để có thể chuyển hóa, cơ động lực lượng Nhân dân, doanh nghiệp trong các tình huống khẩn cấp về quốc phòng an ninh cũng như phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN