Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thảo luận tổ

06/06/2022 - 18:54

BDK.VN - Ngày 6-6-2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về chủ trương đầu tư các dự án: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Tham gia thảo luận tại Tổ số 10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre có 2 đại biểu phát biểu gồm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn; Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong.

Đại biểu đều thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư các dự án. Đại biểu cho rằng việc đầu tư xây dựng 5 công trình quan trọng này có cơ sở chính trị và cơ sở pháp ý đầy đủ. Cơ sở chính trị là Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư dự án, về phát triển các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương.

Cơ sở pháp lý là pháp luật về giao thông đường bộ, xây dựng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đất đai, bảo vệ môi trường....và các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường này sẽ có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm và của cả nước.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng: Để triển khai thực hiện các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, cần lưu ý các vấn đề sau:

Một là, về nguồn vốn, các địa phương cần bố trí, phân bổ đủ vốn từ nguồn đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt cho việc thực hiện dự án giai đoạn 2021 - 2025. Đối với nguồn tăng thu ngân sách, đại biểu đề nghị cân nhắc tính khả thi vì khả năng tăng thu ngân sách còn phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế của các địa phương, trong khi hiện nay tình hình kinh tế - xã hội mặc dù đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn.

Hai là, Trung ương cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và đồng bộ, đảm bảo chính quyền các địa phương có dự án đi qua đủ thẩm quyền và nguồn lực để triển khai thực hiện dự án.

Ba là, vấn đề khối lượng, giá cả vật liệu xây dựng cần thiết để triển khai cùng lúc nhiều dự án là vấn đề hết sức quan trọng. Đại biểu đề nghị cần chuẩn bị kỹ về nguồn cung và kiểm soát tốt giá cả vật liệu xây dựng, tránh tình trạng đội giá, phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.

Bốn là, việc triển khai thực hiện các dự án cần phải thu hồi diện tích lớn đất lúa, đại biểu đề nghị Quốc hội nên trao cơ chế đặc thù cho Thủ tướng Chính phủ và HĐND các tỉnh, thành phố có dự án được thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa như cơ chế đặc thù phát triển một số tỉnh, thành phố đã được Quốc hội thông qua. Vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa theo quy định hiện hành tốn nhiều thời gian, thủ tục, khó đảm bảo tiến độ triển khai.

Năm là, về cơ chế thu phí để hoàn vốn, đại biểu đề nghị đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, cần phải tuyên truyền, giải thích rõ cho người dân hiểu về mục đích, cơ chế thu phí để hoàn vốn, tránh tình trạng sau này khi đặt các trạm thu phí thì người dân phản ứng như đã từng xảy ra trước đây. Ngoài nguồn đầu tư công, cần huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án.

Sáu là, hình thức chỉ định thầu có ưu điểm là tiết kiệm thời gian, giúp triển khai nhanh nhưng đại biểu đề nghị phải hết sức cân nhắc, đảm bảo chọn được nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án và không nên lạm dụng hình thức chỉ định thầu.

Bảy là, đối với công tác giải phóng mặt bằng, đây là giai đoạn rất quan trọng nhưng thường gặp khó khăn, vướng mắc do không được sự đồng thuận của người dân, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cũng như ý nghĩa của công trình. Do đó, đại biểu đề nghị trong triển khai thực hiện cần hài hòa lợi ích của các bên, đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân trong vùng dự án hiểu về ý nghĩa của công trình, ủng hộ, sớm bàn giao mặt bằng để Nhà nước triển khai dự án.

Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Đặng Thuần Phong bày tỏ băn khoăn vì theo tờ trình của Chính phủ, tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có quy mô 6 làn xe, đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe (nền = 17 m, bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục). Vì công trình còn sử dụng lâu dài, đại biểu đề nghị cân nhắc, nghiên cứu để độ rộng của đường sau khi xây dựng xong phải đáp ứng được nhu cầu lưu lượng lưu thông ngày càng gia tăng, tránh tình trạng đường xây xong sớm bị quá tải, không theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, với nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của khu vực và cả nước trong tương lai.

Đối với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, theo tờ trình của Chính phủ thì dự án khả thi về tài chính và đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Dự án nhận được sự quan tâm của một liên danh nhà đầu tư, nhưng hiện tại Chính phủ trình Quốc hội cho chuyển đổi dự án sang hình thức đầu tư công. Đại biểu đề nghị giải trình thêm lý do vì sao phương thức đối tác công tư không thực hiện được mà phải chuyển sang đầu tư công để đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Đại biểu Đặng Thuần Phong phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, đại biểu Đặng Thuần Phong đề nghị việc thu phí đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, tức là từ tiền thuế của dân, cần giải thích rõ về mục đích, ý nghĩa của việc thu phí để người dân hiểu. Đại biểu đề nghị các thông tin về suất đầu tư một km đường, các công nghệ sử dụng, các phương án thu phí…cần được công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện và để đại biểu, Nhân dân giám sát trong quá trình triển khai dự án.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN