Đại biểu Trần Thị Thanh Lam phát biểu tại hội trường Kỳ họp bất thường lần thứ 2 sáng ngày 7-1-2023.
Tham gia thảo luận tại hội trường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Trần Thị Thanh Lam thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về dự thảo quy hoạch.
Quan tâm vấn đề năng suất lao động, đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho rằng: Năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp. Để trở thành nước có thu nhập cao, Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động, trong đó, không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo mà cần có định hướng phát triển nguồn nhân lực.
Theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, người lao động là lực lượng trực tiếp sản xuất, tạo ra của cải vật chất và đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành để thúc đẩy tạo sự chuyển biến về thể chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề năng suất và chất lượng lao động ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thật sự đột phá. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Năng suất Châu Á thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Nhật Bản 11 lần, thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước trong khu vực thì Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan.
Để thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã hướng đến, đòi hỏi phải nâng cao năng suất lao động ở mức cao hơn và tốc độ tăng bình quân ở mức tiệm cận 7% năm, trong khi mức tăng cao nhất thời gian qua chỉ khoảng 5,3%/năm. Theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, riêng năm 2022, 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao và đây là chỉ tiêu còn lại không đạt được mục tiêu của kế hoạch (khoảng 4,7 đến 5,2 % trong khi kế hoạch là 5,5%).
Thực tế, nguồn nhân lực lao động ở nước ta trong bối cảnh hiện nay thì tỷ lệ tham gia lao động và tỷ lệ có việc làm không thể tăng nhiều so với giai đoạn trước đây. Mặc dù, Việt Nam đang tận dụng thời kỳ dân số vàng và phải đối mặt với việc già hóa dân số theo dự báo. Mặt khác, những vấn đề tồn tại về kỹ năng nghề, kỹ năng số, cơ sở dữ liệu, kết nối các thông tin vẫn chưa được cải thiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 27%, cho thấy các yếu tố hỗ trợ tăng năng suất lao động cũng có tăng nhưng rất chậm.
Dự thảo Nghị quyết có đề cập về chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030 khoảng 6,5%. Tuy nhiên, nội dung này trong quy hoạch tổng thể của quốc gia rất mờ nhạt. Do vậy, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị Chính phủ cần quan tâm cân nhắc thấu đáo cho nội dung này trong quy hoạch tổng thể quốc gia và có giải pháp căn cơ hơn để định hướng trong tổ chức thực hiện. Trong đó, cần chú ý không chỉ là vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, thay đổi mô hình đào tạo, phương thức đào tạo mà cần có một chiến lược đột phá, cải thiện năng suất lao động mang tính quốc gia để kinh tế thực sự tăng trưởng, phát triển, nâng cao hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Thanh Lam còn quan tâm vấn đề quy hoạch đất lúa. Trong dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia có đặt ra nguyên tắc định hướng sử dụng đất, định hướng sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030, đất nông nghiệp của cả nước chiếm 83,7% diện tích đất tự nhiên của cả nước, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho rằng: Giải pháp cốt lõi để thực hiện cho định hướng này chưa thể hiện rõ trong dự thảo quy hoạch. Do đó, đại biểu Trần Thị Thanh Lam kiến nghị Chính phủ quan tâm bổ sung giải pháp cho phù hợp. Đồng thời, từ thực tiễn ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị Chính phủ phải có quy hoạch chặt chẽ, chính xác, khoa học về diện tích đất lúa, tránh trường hợp chỉ là quy hoạch trên giấy, chưa sát với thực tiễn đời sống của người dân. Mặt khác, quy hoạch về đất đai phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, điều kiện phát triển hạ tầng, phát triển xã hội, đặc biệt là cập nhật quy hoạch theo thực tế đô thị hóa của từng vùng, từng địa phương và kết nối liên vùng cần được tính toán cho phù hợp.
Để người nông dân sống được từ sản xuất lúa, từ đó có động lực bảo vệ đất lúa, không tự ý chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác vi phạm quy hoạch của nhà nước, đại biểu Trần Thị Thanh Lam kiến nghị trong quy hoạch tổng thể quốc gia cần có quy định rõ về giải pháp và cơ chế chính sách theo hướng có lợi trực tiếp cho người sản xuất lúa, phù hợp với từng vùng miền để động viên người nông dân không bỏ cây lúa, thậm chí diện tích đất lúa có thể tăng lên trong tương lai, từ đó mục tiêu đề ra trong quy hoạch về diện tích đất lúa mới khả thi.
Tin, ảnh: Ái Thi