Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận tại tổ về một số dự án luật sửa đổi

29/05/2023 - 13:42

BDK.VN - Ngày 27-5-2023, ngày làm việc thứ sáu của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại Tổ về: (1) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; (2) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thảo luận tại Tổ số 9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Bến Tre có 3 đại biểu tham gia phát biểu gồm: Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre Võ Văn Hội; Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều ngày 27-5-2023.

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết phải ban hành các Luật sửa đổi, bổ sung nêu trên nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các quy định của Luật Công an nhân dân, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, để phù hợp với các quy định mới của các luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý một số vấn đề cụ thể.

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành nhưng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của Luật có liên quan như: Luật Căn cước công dân, Luật Nhà ở, Luật Giao dịch điện tử… để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đối với quy định các loại giấy tờ xuất nhập cảnh, đại biểu đề nghị cần quy định rõ “Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” là những loại giấy tờ nào để dễ thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch và đảm bảo quyền công dân được Hiến pháp bảo hộ.

Đại biểu thống nhất cao với việc bổ sung “nơi sinh” vào thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc nhập cảnh của công dân Việt Nam vào một số quốc gia thời gian qua do thiếu thông tin về nơi sinh trên hộ chiếu. Đối với quy định về các loại giấy tờ có liên quan mà người dân phải nộp để cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước, đại biểu cho rằng theo quy định của Luật Căn cước công dân thì hệ thống thông tin dữ liệu cá nhân và các hệ thống dữ liệu chuyên ngành phải có sự liên thông với nhau, vì vậy, đề nghị các loại giấy tờ, thông tin cá nhân nào đã có dữ liệu lưu trữ, dữ liệu liên thông rồi thì không nên yêu cầu công dân phải nộp nữa để giảm phiền hà cho người dân.

Đối với quy định “Hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất hoặc đối với trường hợp quá 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn nhận hộ chiếu mà không đến nhận hộ chiếu”, đại biểu đề nghị nếu quá 6 tháng mà công dân không đến nhận theo phiếu hẹn thì hộ chiếu sẽ bị hủy, vì thời gian 12 tháng là khá dài, diện mạo hoặc nhân thân của người xin cấp hộ chiếu có thể đã thay đổi.

Cùng quan tâm thảo luận dự thảo Luật này, đại biểu Võ Văn Hội cho rằng: Đối với các quy định về khai báo tạm trú của người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam, trong dự thảo Luật chỉ yêu cầu khai báo cho công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm công an nơi có cơ sở lưu trú là chưa đầy đủ. Đối với các khu vực biên giới, hải đảo, đại biểu đề nghị việc tạm trú của người nước ngoài phải khai báo cho cả công an và biên phòng trên địa bàn để hai lực lượng này phối hợp quản lý chặt chẽ.

Đại biểu Võ Văn Hội phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều ngày 27-5-2023.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đại biểu Võ Văn Hội góp ý các nội dung sau: Dự thảo Luật có quy định “Thượng tá: Trưởng phòng và tương đương; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…”, đại biểu cho rằng, nếu quy định như vậy thì chỉ có cấp trưởng phòng, trưởng công an huyện được phong Thượng tá, còn cấp phó của những người này thì không được, đề nghị chỉnh sửa lại “Thượng tá: lãnh đạo phòng và tương đương; ban chỉ huy công an huyện, quận, thị xã…”. Về quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan công an là 47 tuổi, đại biểu cho rằng, quy định này chưa phù hợp vì theo Luật Dân quân tự vệ thì hạn tuổi phục vụ cao nhất của dân quân tự vệ là 45 tuổi, theo Luật Dự bị động viên thì hạn tuổi phục vụ cao nhất cũng là 45 tuổi. Do đó, đề nghị điều chỉnh hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan công an cũng là 45 tuổi cho đồng bộ, tương thích về độ tuổi phục vụ giữa các lực lượng.

Đại biểu Đặng Thuần Phong phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều ngày 27-5-2023.

Cùng quan tâm góp ý dự thảo Luật này, đại biểu Đặng Thuần Phong đề nghị cần cân nhắc quy định “Thượng tướng không quá 7, gồm: Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6; sĩ quan công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội”. Đại biểu cho rằng đối với chức vụ Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội phải thực hiện theo Luật Tổ chức Quốc hội, con người cụ thể do công tác cán bộ của Đảng và kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của từng nhiệm kỳ, do đó, nên cân nhắc diễn đạt lại để tránh gây hiểu nhầm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội đương nhiên là người của lực lượng công an nhân dân.

Đối với quy định Sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định”, đại biểu cho rằng nếu quy định như trên thì “trường hợp không đủ 3 năm công tác” có thể hiểu là còn 1 tháng nữa sẽ nghỉ hưu hoặc còn 2 năm 10 tháng sẽ nghỉ hưu đều được, như vậy sẽ tạo ra sự không công bằng và Chủ tịch nước cũng khó quyết định. Do đó, đề nghị nên nghiên cứu quy định theo hướng trường hợp không đủ 3 năm công tác thì phải lập thành tích đặc biệt gì hoặc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện như thế nào thì mới được Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp Tướng.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN