Cân nhắc lùi thời gian thông qua
Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội là một đạo luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu lao động đã và đang làm việc, kể cả những người đã mất và gia đình họ. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét các quy định của dự án Luật là đặc biệt quan trọng đối với Quốc hội, được cử tri cả nước quan tâm. Qua nghiên cứu dự thảo Luật và báo cáo tiếp thu, giải trình, đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Ma Thị Thúy cũng cho rằng, cần lùi thời điểm xem xét, thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sang Kỳ họp 8 để đảm bảo thận trọng, đánh giá đầy đủ tác động chính sách tiền lương mới đối với các quy định luật bảo hiểm xã hội và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động là đông đảo người lao động.
“Chúng ta không thể quyết định chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động dựa trên tiền của người lao động và người sử dụng lao động đóng góp trực tiếp, mà bản thân họ lại không được tham gia ý kiến. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo Chính phủ thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến người lao động để bảo đảm chính sách ban hành được khả thi, hiệu quả với nhiều chính sách tốt hơn, tiến bộ hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014”, Đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, cân nhắc nghiên cứu, trình thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8.
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, đây là dự thảo Luật khó, tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội, đồng thời đánh giá cao Ban soạn thảo đã đề xuất nhiều chính sách liên quan dự án Luật sửa đổi lần này; thống nhất với nhiều nội dung của Báo cáo thẩm tra đã nêu ra, nhiều vấn đề cần phải được xử lý một cách thấu đáo.
Cho rằng dự án Luật cần phải rà soát rất kỹ từng nội dung chính sách, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhận thấy, với các vấn đề đang tồn tại, nên cân nhắc tiếp tục nghiên cứu, trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8, không nên vội vàng thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.
Về việc rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu cho rằng, hai phương án đưa ra đều có những mặt được và chưa được, hoàn toàn chưa chắc chắn khi quyết định hai phương án đó khi có hiệu lực ban hành thì có gây ra hệ lụy xã hội hay không? Do đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề xuất một phương án vẫn bảo đảm quyền lợi của người lao động (được quyền rút bảo hiểm xã hội một lần) nhưng vẫn đảm bảo chính sách của Nhà nước là hạn chế rút để đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, nhóm 1 là đối tượng bệnh hiểm nghèo, đối tượng đi nước ngoài… được rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhóm 2 là các đối tượng còn lại, chỉ được rút khoản thực đóng của người lao động là 8%, còn lại 14% được xem là trách nhiệm của Nhà nước và doanh nghiệp, người sử dụng lao động để đảm bảo lâu dài cho an sinh xã hội sau này.
Đại biểu cho rằng, nếu quy định như vậy thì rất rõ ràng, đảm bảo nguyên tắc kinh tế, đóng - hưởng, chia sẻ và đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội. Thiết kế như vậy sẽ có sức thuyết phục hơn và đảm bảo được các mục tiêu.
Bổ sung cơ chế có tính chất đặc thù để bảo vệ người lao động
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) bày tỏ thống nhất và đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Việc rà soát, sửa đổi căn bản, toàn diện các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật hiện hành trong thời gian qua sẽ góp phần quan trọng trong việc hướng đến mục tiêu an sinh xã hội bền vững, thể hiện rõ hơn tính nhân dân sâu sắc của Đảng và Nhà nước.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho rằng, cần bổ sung cơ chế có tính chất đặc thù để bảo vệ người lao động.
Quan tâm tới cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu nêu rõ, thực tiễn cho thấy rất cần thiết bổ sung thêm một điều, khoản quy định về cơ chế có tính chất đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vì vậy, đại biểu bày tỏ thống nhất các nội dung được quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 41 dự thảo Luật.
Theo đại biểu, thông qua ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và tính toán các phương thức giải quyết, sẽ giúp cho người lao động có điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trong một số trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, việc xác định đối tượng đặc thù quy định tại khoản 5 Điều 41 là vấn đề liên quan đến chính sách, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện hơn, từ đó có văn bản quy định hướng dẫn riêng, không nên đưa trực tiếp vào luật để vừa đảm bảo chủ động điều chỉnh, bổ sung đối tượng phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho biết, về chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội, tại Điều 7, khoản 5 quy định, Nhà nước có chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mục tiêu đề ra là bao phủ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đúng theo tinh thần Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương. Do vậy, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị xem xét chính sách hỗ trợ của Nhà nước không chỉ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà còn hỗ trợ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong một số trường hợp nhất định.
Đối với hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, khoản 2 quy định hành vi bị nghiêm cấm chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội. Quy định cấm này theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh là chưa đầy đủ, nên đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật nên giữ nguyên hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 3, Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đó là chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Vì thực tế hiện nay, tình trạng các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động nhưng vẫn trích từ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương diễn ra phổ biến. Do đó, Luật cần thiết phải quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn để có căn cứ xử lý vi phạm đối với hành vi này.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức