|
Hàng hóa trưng bày tại chợ khá phong phú. |
Nhuận Phú Tân là một trong 2 xã của huyện Mỏ Cày Bắc phấn đấu lên đô thị loại V vào năm 2015. Theo đó, chợ Bang Tra của xã được đầu tư xây dựng mới, chia kiốt, phân lô, xây dựng đường bê-tông dẫn vào chợ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình trao đổi hàng hóa.
Chợ Bang Tra có từ lâu đời. Hiện chợ là nơi tập hợp của thương lái với 2 mặt hàng chính: trái cây và rau màu. Theo anh Huỳnh Văn Sửu, Phó ban quản lý chợ, chợ Bang Tra là nơi luân chuyển hàng hóa từ các xã của huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) đi TP. Hồ Chí Minh.
Thuận lợi của chợ Bang Tra là nằm cạnh sông Cổ Chiên, lại có phà nối liền giữa Nhuận Phú Tân với xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) nên chỉ cần 20 phút là người dân có thể dễ dàng đi lại, mua bán hàng hóa giữa Vũng Liêm và Nhuận Phú Tân. Theo anh Nguyễn Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND xã thì Thanh Bình, Quới Thiện là 2 xã cù lao thuộc huyện Vũng Liêm có lượng trái cây khá lớn. Mỗi ngày có thể đi phà hoặc ghe nhà vườn từ 2 xã này chở sang và tiêu thụ cho thương lái khoảng trên 100 tấn trái cây. Mặt hàng rau màu thì nhà vườn từ các xã lân cận mang đến. Do đó, chợ gần như hoạt động cả ngày, nhất là những ngày giáp Tết như hiện nay. Do thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ nên dân tại địa phương hay thương lái từ các tỉnh đến có thể lấy hàng bằng xe tải hay đi đò. Tại chợ Bang Tra, thương lái lấy hàng trực tiếp của nhà vườn, đóng giỏ rồi chuyển đi khắp các tỉnh như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, bởi đoạn đường từ đây đi các tỉnh ngắn hơn, ít tốn chi phí hơn nên lợi nhuận sẽ tăng. Mỗi ngày có ít nhất 5 xe tải lớn và 2 đò đóng hàng trái cây và rau màu đi TP. Hồ Chí Minh. Dù là chợ quê nhưng Bang Tra lại là nơi phân phối các mặt hàng như vải sợi, đồ may sẵn, giày dép cho các chợ xung quanh như Ba Vát, Tân Thanh Tây, Khánh Thạnh Tân. Vì lấy hàng trực tiếp và giao tận nơi cho tiểu thương nên giá hàng hóa lúc nào cũng rẻ, vừa túi tiền người dân vùng quê.
Anh Phước cho biết thêm, những năm gần đây, chợ còn nổi lên 2 mặt hàng mới rất thu hút khách hàng là lúa gạo và vật liệu xây dựng. Nhờ thuận lợi về đường thủy nên tàu chở lúa gạo từ các tỉnh Long An, Đồng Tháp đem trực tiếp xuống phân phối cho các chợ và các huyện lân cận với số lượng lớn, giá lại khá rẻ. Vật liệu xây dựng được xem là mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất hiện nay. Khi tiểu thương cần lấy hàng, chỉ cần liên hệ với nhân viên tiếp thị báo số lượng, mặt hàng, địa điểm thì sẽ có xe chở đến giao tận nơi. Đây là một trong những lợi thế của tiểu thương tại địa phương vì giao hàng trực tiếp nên giá bán hàng hóa tại chợ tương đối phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.
Theo chân anh Huỳnh Văn Sửu - Phó Ban quản lý chợ, chúng tôi dạo một vòng để tham quan hoạt động mua bán của người dân nơi đây. Chị Lê Thị Bé Một, tiểu thương có thâm niên 19 năm tại chợ với mặt hàng quần áo may sẵn cho biết, so với nhiều năm về trước thì nay lượng khách mua sắm tại chợ giảm khoảng 80%. Trước đây, chợ Thanh Bình của huyện Vũng Liêm chưa hoạt động nên đa số người dân 2 xã Quới Thiện, Thanh Bình đều qua mua sắm tại chợ Bang Tra. Ngoài ra, còn một nguyên nhân ế hàng nữa là hiện tượng chạy chợ của những người bán “xổ”. Tiểu thương bán “xổ” chỉ cần một chiếc xe tải nhỏ hay một chiếc xe honda thì có thể bày bán rất nhiều mặt hàng. Hàng hóa bán “xổ” cũng khá phong phú về kiểu dáng lẫn chủng loại, giá lại rẻ nên thu hút được người tiêu dùng. Vào dịp giáp Tết, trước đây, mỗi ngày chị bán khoảng 50 bộ đồ đủ loại. “Em nhìn đi, chợ vắng lắm, từ sáng đến giờ chị bán được có 2 món đồ thôi, ế lắm”, chị Một than phiền về tình trạng mua bán hiện tại của mình.
Anh Bùi Văn Út là người có thâm niên bán đồ “xổ” tại các chợ quê. Đã quá 9 giờ sáng nhưng “gian hàng” của anh vẫn còn rất đông khách, phải chờ khá lâu tôi mới trò chuyện được với anh. Anh Út cho biết, nói là hàng “xổ” vì không có lô, không có kiốt, không có địa điểm bán cố định nhưng hàng hóa vẫn là hàng tốt được lấy từ TP. Hồ Chí Minh về. Để minh chứng cho lời nói của mình, anh chào hàng với chúng tôi đủ loại quần áo: áo khoác nữ, quần kaki, Jeans và nhiều loại áo thun khác có kiểu dáng khá đẹp với giá từ 80 đến 120.000 đồng, cái giá khá mềm đối với bà con nông dân.
Để đạt được các tiêu chí đô thị loại V, Bang Tra đang được tập trung đầu tư nâng cấp khá nhiều. Vừa qua, ngày 28-12-2012, nhà lồng mới của chợ đã được đưa vào sử dụng với 10 kiốt dành cho các tiểu thương bán vải sợi và hàng may mặc. Sắp tới, Ban quản lý chợ sẽ phân lô, đo đạc để chuẩn bị cho các tiểu thương bán hoa và dưa hấu trong dịp Tết.