Theo mục tiêu kế hoạch thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ (PN) khởi nghiệp (KN) giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh, từ năm 2018 - 2021 có khoảng 170 PN khởi sự kinh doanh và KN; xây dựng được 5 mô hình kinh tế tập thể, phối hợp hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) riêng do PN quản lý… Với mục tiêu cụ thể, lộ trình thực hiện rõ ràng, sau một năm thực hiện đề án hỗ trợ PN KN đạt những kết quả bước đầu.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền Thu hoạch nấm.
Tạo thu nhập ổn định
So với nhiều địa phương khác, PN huyện Ba Tri bắt đầu KN hơi muộn nhưng rất quyết liệt. Bà Tống Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã An Hòa Tây cho biết: An Hòa Tây là xã thuần nông, bà con chủ yếu trồng hoa màu nhưng do giá cả bấp bênh nên kinh tế ít chuyển biến. Mặc khác, hộ nghèo do PN làm chủ đa số không có đất sản xuất. Được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN xã đã vận động bà con chuyển đổi hình thức sản xuất hộ gia đình sang kinh tế tập thể. “An Hòa Tây chọn mô hình trồng nấm bào ngư để hỗ trợ bà con KN thoát nghèo. Hơn 6 tháng thực hiện, mô hình đã thực sự mang lại hiệu quả. Số hộ tham gia trồng nấm kinh tế bắt đầu ổn định và có chiều hướng phát triển. Sắp tới, Hội LHPN xã nhân rộng mô hình sang các ấp khác, tăng thêm tổ viên” - bà Anh Thư cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền ở ấp An Bình 1, xã An Hòa Tây được xem là trường hợp điển hình, đi đầu khi Hội LHPN xã phát động phong trào KN thoát nghèo theo mô hình THT. Chị Tuyền cho biết: “Hội PN tỉnh hỗ trợ nhà xưởng, tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật, quy trình chăm sóc và cung cấp phôi nấm cho tổ viên. Sau khi có thu hoạch, Hội LHPN xã kết nối doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của bà con. Nhờ đó, sau 4 tháng tham gia mô hình, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định mỗi tháng trên 4,5 triệu đồng”.
Không chọn hướng chuyển đổi hình thức sản xuất, chị Nguyễn Thị Thủy, xã Phú Vang, huyện Bình Đại chọn con đường thoát nghèo bằng xuất khẩu lao động. Là xã biển, gia đình đông con, lại thuộc diện hộ nghèo, sau khi được Hội LHPN tỉnh cùng Trung tâm Dạy nghề tư vấn, chị Thủy quyết định cho con tham gia xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản. “Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh liên kết với công ty tư vấn lao động mở lớp đào tạo tiếng Nhật miễn phí tại tỉnh, hỗ trợ vay vốn. Được lãnh đạo công ty tư vấn xuất khẩu định hướng công việc trước khi lên đường sang Nhật, nhờ vậy gia đình yên tâm”, chị Thủy bày tỏ.
Được biết đến nay, sau 6 tháng sang Nhật làm việc với nghề làm mỹ nghệ, gạch nội thất, con chị Thủy - cháu Kiều Mỹ Trinh có thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng. Trừ đi chi phí sinh hoạt, mỗi tháng Mỹ Trinh gửi về gia đình 20 triệu đồng.
Hỗ trợ bằng nhiều hình thức
Chia sẻ về giải pháp đã làm thời gian qua, bà Huỳnh Thị Thùy Dao - Trưởng ban Kinh tế Hội LHPN tỉnh cho biết: Ngay sau khi kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ PN KN” được phê duyệt, các cấp hội đã chủ động đưa chủ trương này đến hội viên PN qua các cuộc sinh hoạt tại chi, tổ nhóm. Song song đó, hội đã lồng ghép tuyên truyền những nội dung cơ bản về chủ trương KN và phát triển doanh nghiệp nữ, Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững. Quan tâm nắm chắc nhu cầu KN của PN tại cơ sở để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp. Đặc biệt, giúp đỡ và hỗ trợ các hộ PN nghèo, cận nghèo, PN mới thoát nghèo và PN có hoàn cảnh kinh tế khó khăn xây dựng mô hình KN phù hợp với điều kiện từng hộ gia đình và phát triển kinh tế của địa phương.
Tập trung công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên PN chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ kinh doanh cá thể, phát huy hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ PN phát triển kinh tế, kịp thời hỗ trợ vốn vay, nhất là các mô hình THX, THT, vốn vay KN và phát triển doanh nghiệp.
Đến nay, Hội LHPN tỉnh đưa vào hoạt động 2 HTX dịch vụ thương mại Hương Dừa Xanh và nông sản an toàn. Trung tâm Dạy nghề tổ chức 6 lớp đào tạo tiếng Nhật cho 40 lao động tham gia thị trường lao động Nhật Bản. Tổ chức 5 điểm tư vấn xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản tại các huyện. Ngoài ra, trung tâm còn tham gia tư vấn, hướng nghiệp tại 9 huyện, thành phố với 654 thanh niên vừa xuất ngũ trở về địa phương về cơ hội việc làm trong và ngoài nước.
Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ thành lập 3 THT sản xuất nấm và 2 THT làm khô, có 100 hộ PN nghèo, cận nghèo và phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tham gia. Hội tranh thủ các nguồn vốn vay từ các ngân hàng, Quỹ hỗ trợ PN phát triển kinh tế, các chương trình dự án tiếp tục hỗ trợ các mô hình chắp cánh KN áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có 346 PN KN được tiếp cận vốn qua hệ thống hội, số tiền gần 7 tỷ đồng.
“Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với Quỹ Unilever - Việt Nam xây dựng chuỗi kế hoạch hoạt động hưởng ứng Ngày PN KN. Mở 1 lớp tập huấn kỹ năng bán hàng tư vấn phương pháp kinh doanh hiệu quả cho 58 PN có sản phẩm KN nhưng chưa thành công. Phối hợp với Co.op Mart Bến Tre tổ chức hội chợ “Chắp cánh đam mê” cho PN, có 19 gian hàng do PN KN tham gia phiên chợ. Từ hoạt động trên đã hỗ trợ cho PN KN kết nối được các nơi tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho các mặt hàng KN có điều kiện phát triển trong thời gian tới”, bà Huỳnh Thị Thùy Dao nhấn mạnh.
Bài, ảnh: P.Tuyết