Gặp gỡ những doanh nhân Cựu chiến binh xứ Dừa, bài 3

Cựu chiến binh khởi nghiệp, đồng hành cùng nhà nông

02/08/2023 - 05:21

BDK - Cựu chiến binh (CCB) Phạm Hoàng Phong, ngụ xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, hiện là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh. Anh được đồng đội yêu quý gọi với tên khác là Tuyên Phong. Ngày rời quân ngũ trở về, anh vừa lập nghiệp mưu sinh bằng cách lặn lội buôn bán nhỏ khắp nơi, vừa kết hợp tìm kiếm những đồng đội cùng sống chết có nhau trên mặt trận năm xưa để tiếp tục sẻ chia, động viên nhau vượt qua những mất mát, khó khăn trong cuộc sống.

Cựu chiến binh Phạm Hoàng Phong chăm sóc vườn bưởi của gia đình.

Lập nghiệp với chiếc xe đạp cũ kỹ

Chàng trai Phạm Hoàng Phong tham gia chiến trường biên giới Tây Nam  (năm 18 tuổi), tại Đại đội Trinh sát, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330. Là một y tá phục vụ cho đơn vị chiến đấu, anh đã chứng kiến tất cả những đau thương, mất mát tột cùng của đồng đội và cùng tự hào với những hy sinh, đóng góp cao cả của từng chiến sĩ vì mục tiêu hòa bình.

Sau 3 năm tham gia chiến trường, về với cuộc sống đời thường nhưng vẫn mang trong mình ý chí người lính, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, anh đã trăn trở phải làm gì để lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp cho quê hương. Khi đó mới 21, 22 tuổi nhưng anh đã có ý nghĩ đến quê mình chủ yếu làm nông nghiệp, nếu kinh doanh phân bón sẽ phục vụ cho nông nghiệp phát triển, góp phần tạo màu xanh quê hương. Vậy là anh lính trẻ dấn thân khởi nghiệp với nghề mua bán phân bón cho cây trồng. Lúc đó, gia tài chỉ có chiếc xe đạp nhỏ. Hàng ngày, anh không quản ngại đường xa, vất vả đạp xe đến tỉnh Long An để chở phân về Bến Tre bán lại. Ban đầu, anh bán số lượng nhỏ lẻ, xe đủ chở mỗi lần vài túi nhỏ. Cứ như thế đều đặn, anh đi - về 2 chuyến mỗi ngày và chăm chỉ suốt nhiều năm ròng. Dần dần có được chiếc xe máy, anh chở hàng đi bán, với số lượng nhiều hơn. “Được sống, học tập và chiến đấu trong môi trường quân đội đã dạy tôi cách sống vượt qua gian khổ, thắng không kiêu, bại không nản, lòng vững bền…”, anh Phong tâm tình.

Lập trường vững vàng đã giúp anh từng bước gặt hái thành công. Từ kinh doanh nhỏ, anh phát triển thành đại lý, rồi nhà phân phối cho các hãng phân bón lớn. Sau này, do nắm bắt nhu cầu của nhà nông, anh mở rộng ngành nghề sản xuất phân bón đáp ứng yêu cầu phù hợp với thổ nhưỡng và cây trồng tại địa phương. Trong quá trình sản xuất, anh mạnh dạn kết hợp với các trường đại học, Trung tâm Khuyến nông tỉnh để nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Lợi thế của anh là tìm được nguồn hàng chính hãng chất lượng, giá phù hợp nên rất thuận lợi cho việc phối trộn, sản xuất ra các loại phân hỗn hợp chất lượng phù hợp nhất cho cây trồng tại quê nhà.

Công ty Phân bón Tuyên Phong với khẩu hiệu “Chất lượng thay lời muốn nói” đã được xem là những doanh nghiệp cung cấp phân bón đầu tiên và có tầm vóc của tỉnh nói riêng và của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Chia sẻ về thành công hôm nay, người CCB khiêm tốn, đúc kết ngắn gọn: “Đó là sống và làm việc tuân thủ theo pháp luật. Từng lúc doanh nghiệp sẽ phát triển cùng với những chính sách phù hợp của Nhà nước”. 

Sẻ chia cùng đồng đội

Sau gần 10 năm lập nghiệp, khi kinh tế ổn định, anh bắt đầu thực hiện tâm huyết tìm lại tất cả những đồng đội, đồng chí, với ý nghĩ sẻ chia, giúp đỡ bằng hết khả năng của mình và vận động nhiều đồng đội có kinh tế khá hơn để cùng với anh chăm lo cho đồng đội còn khó khăn, hay gia đình của những đồng đội đã hy sinh.

Mùa hạn mặn khốc liệt cách đây vài năm, thấy người dân ở khắp các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh thiếu nước ngọt để dùng, anh là một trong những người tiên phong dùng xe tải của doanh nghiệp (3 ngàn lít/xe) chở nước ngọt (từ giếng nước khoan trên đất nhà) đến tận các địa phương để hỗ trợ người dân. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa mô hình chở nước ngọt đến với người dân nông thôn. Anh liên tục thực hiện nghĩa cử ấy hơn 1 năm, đến khi tình hình thiếu nước ngọt đã giảm bớt.

Hay đợt dịch Covid-19, anh cũng là mạnh thường quân tiên phong đồng hành cùng với lực lượng thanh niên, phụ nữ, chính quyền địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những hộ dân trong khu vực cách ly dịch bệnh, cũng như hỗ trợ tiền mặt và các điều kiện vật chất để phục vụ công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Trong buổi họp mặt kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, CCB Tuyên Phong cùng các đồng đội là thương, bệnh binh cùng đơn vị năm xưa đã bồi hồi xúc động, hy vọng mỗi lần gặp lại đều hội đủ các đồng đội và còn duy trì như thế nhiều lần, nhiều năm nữa… là điều hạnh phúc nhất. Thời gian chiến đấu gian khổ ác liệt đã qua, đồng đội hôm nay tiếp tục bàn cách sẻ chia, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau để có cuộc sống tốt hơn. Các anh vẫn tin tưởng rằng: Linh hồn của đồng đội đã ngã xuống vẫn quấn quýt, hội tụ bên những anh em may mắn còn sống hôm nay và đang ngày một sống tốt hơn, ý nghĩa hơn.

CCB Trần Văn Nhẫn xúc động nhớ người đồng đội của mình đã từng nói: Trên thế giới này không có quân đội nào thương nhau như quân đội Việt Nam và không có bộ đội nào thương nhau hơn “Bộ đội Cụ Hồ”. Việc làm hôm nay của chúng tôi, của Hội đồng đội Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 330 mà chính anh Tuyên Phong là Chủ tịch hội đã góp phần làm sáng mãi ý nghĩa của câu nói ấy. Vì sao từ ngày khoác áo lính đến khi trở về vẫn thương nhau, xem nhau như là anh em ruột thịt một nhà? Vì xưa kia từng sống chết có nhau ở chiến trường nước bạn thì hôm nay càng phải thương yêu giúp đỡ nhau lúc ốm đau, khó khăn trong cuộc sống.

CCB Trương Văn Minh cảm phục: “Với vai trò Chủ tịch Hội đồng đội Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 330, anh Tuyên Phong đã tập hợp đầy đủ những đồng đội còn sống. Đồng đội nào khó khăn, cần gì, anh sẵn sàng hỗ trợ…”.

Có những bài ca không bao giờ quên và những người lính ngày xưa hôm nay sẽ càng không bao giờ quên đồng đội của mình. Thời gian qua, CCB Tuyên Phong đã tích cực tìm kiếm, thăm nom. Anh luôn sẵn sàng giúp đỡ tất cả những anh em còn gặp khó khăn, tạo việc làm cho các anh có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Sư đoàn 330 là một Sư đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sư đoàn được thành lập ngày 21-9-1976, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng thủ biên giới Tây Nam. Hội đồng đội Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 330 thành lập nay hơn 20 năm, tập hợp hơn 60 đồng đội, với ý nghĩa thăm hỏi, động viên nhau vượt qua khó khăn, ai thiếu gạo giúp gạo, thiếu chăn giúp chăn, thiếu nhà ở thì giúp nhà ở... Đồng thời, với vai trò Chủ tịch hội và là chủ doanh nghiệp, CCB Tuyên Phong đã tạo điều kiện việc làm cho đồng đội tại địa phương.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN