|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cử tri quận 4, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN) |
Ngày 6-12, tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân quận 4 đã sôi nổi chất vấn và kiến nghị với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu Quốc hội nhiều vấn đề lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự củng cố, phát triển của Nhà nước và nâng cao đời sống nhân dân.
Trước đó,
sau khi nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại biểu Trần Du Lịch trình bày
báo cáo tự đánh giá về thực hiện chương trình hành động và thực hiện nhiệm vụ của
người đại biểu nhân dân, người dân quận 4 thay mặt cho cử tri của Thành phố Hồ
Chí Minh bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao hoạt động sâu sát và trách nhiệm của tổ
đại biểu Quốc hội và Chủ tịch nước; không chỉ giúp cho Quốc hội thực hiện quyền
lập pháp, giám sát, xây dựng đường lối phát triển đất nước mà còn chuyển tải được
hầu hết những kiến nghị dù lớn hay nhỏ của bà con đến đúng những địa chỉ cần tiếp
nhận và xử lý.
Thông qua
đó, những yếu kém trong quản lý đô thị được khắc phục, nhiều vụ việc bức xúc cụ
thể trong cuộc sống dân sinh được giải quyết, tâm tư nguyện vọng của cử tri được
lắng nghe, quyền dân chủ của dân được phát huy.
Các cử
tri cho rằng với lịch trình tiếp xúc dày, thậm chí cả vào những ngày nghỉ cuối
tuần, Chủ tịch nước cùng tổ đại biểu đã "mang lại không chỉ niềm vui cho từng
cá nhân mà cả niềm tin cho dân." Cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội
làm việc năng nổ, nếu tái cử sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước,
tiếp tục lên tiếng giúp dân.
Bằng tấm
lòng của người dân Việt, các cử tri bức xúc vì chủ quyền quốc gia tại Biển Đông
đang bị đe dọa, mong muốn Đảng, Nhà nước có cách đấu tranh kiên quyết và hiệu
quả hơn với các hành xâm lấn.
Trước thời
điểm Tết Bính Thân cận kề, cử tri đề nghị Thành phố làm tốt việc bình ổn giá,
giảm khó khăn đời sống sản xuất.
Xúc động
trước tình cảm của cử tri dành cho tổ đại biểu, Chủ tịch nước chân thành cảm ơn
sự tín nhiệm và cho rằng bên cạnh những việc làm được, những chuyện tồn tại
cũng còn nhiều. Trong 7 tháng sắp tới của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Chủ tịch
nước cùng các đại biểu gắng sức tối đa, tiếp tục chăm lo công việc, rà soát những
nội dung còn hạn chế, có kế hoạch thực hiện để phát huy vai trò người đại diện
của nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Chủ tịch
nước cho rằng nhờ cố gắng của người dân và cả hệ thống chính trị mà kinh tế nước
nhà được phục hồi, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, vị thế của Việt Nam được
coi trọng.
Trước lo
ngại của cử tri, Chủ tịch nước chia sẻ tốc độ tăng nợ công hiện đang nhanh, ở mức
18% là gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Chính vì vậy khi nợ đến hạn,
Nhà nước đã phải vay để trả nợ. Nguyên nhân sâu xa dẫn tới hệ lụy là đầu tư
không hiệu quả.
"Nói
điều này là thấy lỗi của chúng tôi, nhưng mong bà con giám sát chi tiêu của các
cơ quan trên địa bàn và có kiến nghị để nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn vay,
cải thiện cán cân nợ. Mua sắm gì phải hết sức cân nhắc, tiết kiệm. Đảng, Nhà nước
đã thấy hết và phải thực hiện cho đúng quy định. Tình hình sẽ được ổn định
trong vài năm tới," Chủ tịch nước nêu rõ.
Cho rằng
thành tựu 30 năm đổi mới là đáng tự hào, nhưng vị trí xếp hạng kinh tế trong
ASEAN của Việt Nam vẫn chưa cải thiện được, nhìn ra thế giới vẫn còn khoảng
cách chênh lệch. Do vậy trong thời gian tới phải chấp nhận cạnh tranh để cải
thiện thứ hạng. Về giải pháp, Chủ tịch cho rằng có nhiều, nhưng tập trung vào
việc tìm được người có đức có tài để giao trọng trách.
Xử lý nợ
xấu, theo Chủ tịch nước đã có tiến bộ, nhưng quy mô còn lớn, cần có thêm thời hạn
để khắc phục.
Với kiến
nghị khuyến khích sản xuất doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch khẳng định Quốc hội
đã ban hành luật doanh nghiệp mới, nêu rõ chủ trương giải phóng triệt để nội lực
doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hy vọng khi luật có hiệu lực,
môi trường đầu tư khu vực tư nhân sẽ khởi sắc hơn, thoát bẫy thu nhập trung
bình đáp ứng các tiêu chí mới của thời hội nhập.
Khi hội
nhập TPP, Nhà nước sẽ ban hành các chính sách cụ thể, nhưng các doanh nghiệp cần
đổi mới tư duy, cách làm; không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Bên cạnh đó, Chủ
tịch nước cũng lưu ý về thực trạng chi phí đầu tư để tăng trưởng hiệu suất vẫn
cao, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh so với các nước trong khu vực. Nếu
không cải thiện, chính các doanh nghiệp trong nước sẽ đầu tư ra nước ngoài, tìm
nơi thuận lợi hơn trong nước để kinh doanh.
Chủ tịch
phân tích nền kinh tế muốn độc lập tự chủ phải dựa vào công dân nước mình. Nếu
dựa nhiều vào đầu tư FDI, sẽ bị phụ thuộc. Phải tạo điều kiện hết sức cho doanh
nghiệp trong nước phát triển cao trong thời gian tới. Doanh nghiệp trong nước
có mạnh, kinh tế mới không phụ thuộc vào nước ngoài.
Trả lời
câu hỏi về biện pháp chống oan sai, Chủ tịch nước cho rằng cần ghi nhận tinh thần
dám công khai khuyết điểm của các cơ quan xét xử để sửa chữa. Đây là một trong
những hoạt động để giảm oan sai đang được tập trung thực thi. Bên cạnh đó, Nhà
nước cũng đang đẩy mạnh các hoạt động cải cách tư pháp, trong đó có sửa luật,
nâng cao trình độ cán bộ điều tra, thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên; thực hiện
tranh tụng tại tòa án.
Nhờ đó,
nhiều vụ việc oan sai trước khi tuyên án được phanh phui, thủ phạm gây án được
phát hiện. Đối với các trường hợp cá nhân điều tra, xét xử sai, Chủ tịch khẳng
định sẽ xử lý theo luật định.
Chủ tịch
mong muốn trong các kỳ gặp gỡ tiếp xúc sắp tới, người dân cần tiếp tục chất vấn,
phản ánh, góp ý, giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước xử lý tồn đọng, chỉ đạo điều hành
đạt kết quả./.