COVID-19 tới 6h sáng 8-7-2020 Thế giới gần 12 triệu ca bệnh, Mỹ chính thức rút khỏi WHO

08/07/2020 - 07:19

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 193.186 trường hợp mắc COVID-19 và 5.216 ca tử vong. Dịch bệnh lây lan mạnh tại Mỹ khiến ít nhất 24 tiểu bang ngừng mở cửa, trong khi nước này chính thức khởi động tiến trình rút WHO.

Bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở Manaus, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 11.925.767 ca, trong đó có 545.356 người thiệt mạng.

Các nước cũng ghi nhận 6.837.174 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 58.041 và 4.543.110 ca đang điều trị tích cực.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (47.974 ca), Brazil (42.518) và Ấn Độ (23.135 ca); trong khi Brazil đứng đầu về số ca tử vong (với 1.185 người chết), tiếp theo là Mỹ (853 ca) và Ấn Độ (479 ca).

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 4/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Mỹ khởi động tiến trình rút khỏi WHO

Thượng Nghị sĩ Robert Menendez ngày 7/7 thông báo Nhà Trắng đã bắt đầu tiến trình chính thức rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cắt đứt mối quan hệ với tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan mạnh. Quyết định rút khỏi WHO có hiệu lực kể từ ngày 6/7 và thông báo đã được gửi tới Tổng Thư ký Liên hợp Quốc (LHQ).

Ngày 29/5, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ chấm dứt quan hệ với WHO với cáo buộc tổ chức này không thực hiện các cải cách mà Mỹ cho là rất cần thiết. Trước đó, ông Trump đã tuyên bố Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra về phản ứng của WHO mà ông cho là "đáng thất bại" đối với dịch COVID-19. Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Tính riêng trong năm 2019, Washington đã đóng góp cho tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO.

Trong khi đó, số ca mắc mới tiếp tục gia tăng tại 39 bang của Mỹ, trong đó 16 bang ghi nhận những ngày cao điểm nhất kể từ khi bùng dịch, dẫn tới tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Tới ngày 7/7, ít nhất 24 tiểu bang đã ngừng hoặc rút các kế hoạch mở cửa lại. 

Một tiệm làm móng mở cửa phục vụ khách hàng tại New York, Mỹ ngày 6/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đảng Cộng hoà "rất linh hoạt" với sự kiện tổ chức Đại hội đảng tại Florida, theo kế hoạch là vào tháng 8. Trước đó, trả lời phỏng vấn, ông cho biết sẽ cân nhắc không tổ chức hội nghị với quy mô lớn trong bối cảnh dịch lây lan mạnh tại Florida.

Thống kê của worldometers.info tới 6h sáng 8/7 (giờ VN), nước Mỹ ghi nhận 3.088.166 ca COVID-19, tăng 47.974 ca trong 24 giờ qua, và 133.844 ca tử vong, tăng 855 ca.

Brazil: Tổng thống Bolsonaro mắc COVID-19

Ngày 7/7, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết mình đã dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thông tin này được ông xác nhận khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình.

Đây là lần thứ 4 ông Bolsonaro tiến hành xét nghiệm COVID-19 sau khi có những triệu chứng mắc bệnh như sốt cao. Trước đó, Tổng thống Bolsonaro đã nhiều lần hạ thấp nguy cơ do dịch COVID-19, đồng thời hối thúc chính quyền các địa phương nới lỏng lệnh phong tỏa mà ông cho là đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Brazil.

Ông Jair Bolsonaro phát biểu tại Dinh Tổng thống ở Brasilia, Brazil ngày 17/6. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, nhiều nhà hàng, quán bar và thẩm mỹ viện tại trung tâm kinh tế Sao Paulo đã mở cửa trở lại vào ngày 6/7 sau hơn 100 ngày đóng cửa do dịch COVID-19. Trong giai đoạn mới về nới lỏng biện pháp phòng dịch này, các cơ sở kinh doanh có thể mở cửa tối đa 6 giờ/ngày, nhưng không được phép hoạt động quá 40% công suất và phải tuân thủ các biện pháp vệ sinh và giãn cách xã hội.

Brazil hiện là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao thứ hai thế giới, với hơn 1.668.589 người mắc và 66.741 ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang và mặt nạ bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại một tiệm cắt tóc ở Winchester, Anh, ngày 4/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Âu, thống kê của hãng tin Pháp AFP cho thấy hơn 200.000 người đã tử vong do COVID-19 tại khu vực này. Anh và Italy là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất trong khu vực với số ca tử vong lần lượt ở mức 44.391 ca và 34.899 ca, trong khi tổng số ca nhiễm tại lục địa này đã lên tới 2.751.606 ca.

Tại Italy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo sẽ giảm 11,2% trong năm 2020, mức giảm tồi tệ nhất trong Liên minh châu Âu (EU), sau đó sẽ tăng 6,1% trong năm 2021. Đây là ước tính tăng trưởng mới được đưa ra trong dự báo mùa hè do Ủy ban châu Âu (EC) công bố trong ngày 7/7. 

EC dự báo Tổng sản phẩm của Khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ giảm 8,7% trong năm 2020 và tăng 6,1% vào năm 2021, trong đó Italy hứng chịu sự sụt giảm GDP tồi tệ nhất với 11,2%, sau đó là Tây Ban Nha (giảm 10,9%) và Pháp (giảm 10,6%). EC cho rằng dịch COVID-19 cùng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã khiến nền kinh tế Italy bị thiệt hại nghiêm trọng và biện pháp phong tỏa hoạt động sản xuất sẽ tác động mạnh tới hoạt động kinh tế trong quý II. Trong trường hợp làn sóng dịch bệnh lần hai không bùng phát trở lại, nền kinh tế Italy sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các chính sách của chính phủ. Sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi nhanh hơn, song du lịch và các hoạt động, dịch vụ liên quan sẽ cần nhiều thời gian hơn để khôi phục. 

Du khách thăm bảo tàng Louvre tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 6/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Iran: Số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục

Ngày 7/7, Iran thông báo có thêm 200 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Trung Đông này hồi tháng Hai.  Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Iran hiện lên tới 11.931 ca và số ca bệnh là 245.688.

Trong khi đó, Iraq đã mở lại một phần cửa khẩu Shalamcheh ở phía Nam giáp với Iran, sau 3 tháng đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tháng 3 vừa qua, Iraq đã đóng cửa biên giới trong và ngoài nước, chỉ cho phép lưu thông hàng hóa nhu yếu phẩm nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan. Iran là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Iraq. Trong khi Iran từng là tâm dịch tại Trung Đông, thì tình hình dịch bệnh tại Iraq cũng đang diễn biến phức tạp, với gần 2.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Iraq hiện ghi nhận tổng cộng 64.701 ca nhiễm, trong đó có 2.685 ca tử vong do COVID-19.  

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran, ngày 5/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cùng ngày, Bangladesh thông báo có thêm 3.027 ca nhiễm mới và 55 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên tới 168.645 ca và 2.151 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi đến nay ở nước này là 78.102 người. 

Ấn Độ: Số ca tử vong lên trên 20.000

Ngày 7/7, Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong do bệnh COVID-19 tại nước này đã vượt 20.000 ca và số ca mắc bệnh tăng mạnh, trong bối cảnh nước này xúc tiến nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng dịch để nối lại hoạt động kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, số ca tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ đã lên tới 20.618 ca trong tổng số 739.646 ca nhiễm. Giới chức y tế Ấn Độ lo ngại số ca tử vong có nguy cơ tăng đáng kể trong tuần tới. Hiện số ca tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ cao thứ 7 trên thế giới, sau Mỹ, Brazil, Anh, Italy, Pháp và Tây Ban Nha. 

Cùng ngày, thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ đã mở 4 bệnh viện dã chiến do số ca tử vong ở khu vực này chiếm 1/4 trong tổng số 20.100 ca tử vong trên toàn quốc và các bệnh viện trong thành phố đang trong tình trạng quá tải khi phải tiếp nhận tới hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày.

Chôn cất các bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 6/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Sri Lanka ngày 7/7 đã bắt đầu mở cửa lại một phần các trường học sau gần 3 tháng đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 nhờ nước này đã kiểm soát được dịch bệnh. Theo Bộ giáo dục Sri Lanka, các trường học mở cửa trở lại cho học sinh lớp 13, lớp 11 và lớp 5, tức là gần 800.000 học sinh trên toàn quốc đi học trở lại. Trong giai đoạn thứ ba, các trường học sẽ mở cửa cho học sinh lớp 10 và lớp 12 vào ngày 20/7 và trong giai đoạn thứ tư, trường sẽ mở cửa cho các lớp học còn lại (trừ lớp 1 và lớp 2).

Trong khi đó, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục đã có thêm 8 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 7/7 và đều là công dân từ nước ngoài về. Trong ngày 7/7, Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19. Tính đến hết ngày 6/7, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 83.565 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.528 bệnh nhân được chữa khỏi.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cùng ngày 7/7 cho biết đã ghi nhận thêm 44 ca mắc mới, trong đó có 20 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 13.181 ca. Số ca mắc mới giảm nhẹ so với ngày 6/7 với 48 ca, ngày 5/7 với 61 ca và các ngày 3/4/7 mỗi ngày 63 ca. 

Trong số ca lây nhiễm trong cộng đồng, 7 ca được ghi nhận tại tỉnh Gyeonggi (Kiêng-ki) gần Seoul, 6 ca tại thành phố Gwangju (Quang-chu) và 3 ca tại Seoul. Hàn Quốc cũng thông báo thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại nước này lên 285 ca. Trong khi đó, số ca bình phục và xuất viện tại Hàn Quốc tăng thêm 66 người lên 11.914 người.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi chờ xe buýt tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 3/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Triều Tiên siết chặt kiểm soát biên giới phòng chống dịch 

Tờ Minju Joson, tờ báo chính thức của Chính phủ Triều Tiên, ngày 7/7 đưa tin Triều Tiên đang tăng cường kiểm soát biên giới để ngăn chặn sự bùng phát dịch COVID-19, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi "cảnh giác tối đa" đối với đại dịch này.

Theo báo trên, Triều Tiên "đã đóng hoàn toàn biên giới, không phận và lãnh hải, đồng thời tiếp tục tăng cường nỗ lực ngăn chặn triệt để làn sóng dịch bệnh. Bài báo nêu rõ Triều Tiên "đang triển khai các biện pháp đề phòng, theo đó tăng cường giám sát biên giới và dọc bờ biển".

Tuần trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chủ trì một cuộc họp bộ chính trị và hối thúc người dân không được lơ là với dịch COVID-19, nhấn mạnh rằng việc vội vàng nới lỏng các biện pháp phòng dịch sẽ dẫn tới "một cuộc khủng hoảng không thể tưởng tượng và không cứu vãn được".

Tại Philippines, chính phủ ngày 7/7 thông báo đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại nước ngoài với người dân. Theo quy định mới, những người ra nước ngoài bằng thị thực du lịch cần nộp vé khứ hồi, có bảo hiểm y tế du lịch phù hợp để trang trải chi phí đặt vé lại và lưu trú, trong trường hợp họ bị mắc kẹt ở nước ngoài. Theo thống kê, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.540 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh lên 47.873 người. Số ca tử vong là 1.309 ca.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một nhà hàng ở Manila, Philippines, ngày 18/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cùng ngày, Indonesia thông báo ghi nhận thêm 1.268 ca mới. Như vậy, tổng số người mắc COVID-19 tại quốc đảo này hiện đã lên tới 66.226 người, trong đó có 3.309 ca tử vong.

Tại Australia, bang Victoria đã ghi nhận thêm 191 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức tăng hằng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở Australia. Chính quyền thành phố Melbourne thông báo sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa thành phố lớn nhất bang Victoria với hơn 5 triệu dân này trong 6 tuần từ nửa đêm 8/7 sau khi số ca mắc tại đây đang tăng nhanh trở lại.

Tại nước láng giềng New Zealand, chính phủ bắt đầu hạn chế công dân trở về nước trong bối cảnh các công dân ồ ạt hồi hương để tránh dịch bệnh tại nước ngoài khiến các trung tâm cách ly trở nên quá tải. Trong 3 tuần tới, hãng hàng không quốc gia New Zealand sẽ tạm dừng nhận đặt chỗ. Chính phủ cũng đang đàm phán với một số hãng hàng không khác để hạn chế số lượng hành khách.

Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 2/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Israel thông qua luật mới chống COVID-19

Ngày 7/7, Quốc hội Israel đã thông qua luật mới, cho phép chính phủ bỏ qua quyết định của cơ quan lập pháp liên quan đến cuộc chiến chống dịch COVID-19. Theo luật mới, chính phủ có thể ban bố tình trạng khẩn cấp và thay đổi các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19, mà không cần phải chờ vấn đề này được đem ra tranh luận tại Quốc hội. Luật mới được thông qua một ngày sau khi Israel tái áp đặt một loạt biện pháp hạn chế, như đóng cửa các quán rượu, câu lạc bộ đêm, bể bơi công cộng, hủy các buổi hòa nhạc và sự kiện văn hóa.

Theo trang thống kê worldometers.info, tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại Israel hiện là 32.222 ca nhiễm và 342 ca tử vong.

Thi thể người chết vì COVID-19 ở thành phố Hebron, Bờ Tây hôm 29/6. Ảnh: AFP/Getty Images

Kenya: Năm 2021 mới mở lại  trường học 

Tại Kenya, chính phủ xác nhận năm học 2020 đã không thể tiếp tục do dịch COVID-19, đồng thời tuyên bố các học sinh tiểu học và trung học sẽ quay trở lại trường vào tháng 1 năm sau. Năm học của Kenya kéo dài từ tháng 1 đến tháng 11 hàng năm và kết thúc bằng các kỳ thi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục Kenya George Magoha nhận định nhiều khả năng dịch bệnh sẽ chỉ hạ nhiệt vào tháng 12 tới. Do đó, không có kỳ thi nào của cấp tiểu học và trung học được tổ chức, khiến năm học 2020 xem như bị hủy bỏ do các biện pháp hạn chế dịch bệnh.

Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh tại một trường học ở Tembisa, Ekurhuleni, Nam Phi ngày 8/6/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo thống kê, Kenya đã ghi nhận tổng cộng hơn 8.000 ca nhiễm và 164 ca tử vong do COVID-19.

Nguồn: Báo Tin tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN