COVID-19 tới 6h sáng 12-7-2020: Thế giới gần 577.000 ca tử vong, các bang Mỹ tăng kỷ lục ca nhiễm

12/07/2020 - 08:05

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 209.797 trường hợp mắc COVID-19 và 4.915 ca tử vong. Hàng loạt tiểu bang tại Mỹ đã chứng kiến số ca lây nhiễm tăng kỷ lục và phải áp đặt các quy định hạn chế, trong khi Ấn Độ, điểm nóng tại châu Á, cũng tiếp tục trải qua một ngày lây nhiễm kỷ lục.

Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Cape Town, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 12/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 12.828.600 ca, trong đó có 566.954 người thiệt mạng.

Các nước cũng ghi nhận 7.470.399 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 58.758 và 4.791.163 ca đang điều trị tích cực.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (59.471 ca), Brazil (35.512) và Ấn Độ (27.755 ca); trong khi Brazil đứng đầu về số ca tử vong (với 845 người chết), tiếp theo là Mỹ (713 ca) và Ấn Độ (543 ca).

Một cửa hàng làm móng ở Manhattan, New York (Mỹ) khi thành phố tiến hành mở cửa giai đoạn ba sau gần 4 tháng hạn chế do dịch COVID-19, ngày 6/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ: Tổng thống Trump đeo khẩu trang thăm thương binh 

Tổng thống Donald Trump ngày 11/7 (theo giờ địa phương) đã đến thăm các thương binh đang điều trị tại Trung tâm Quân y quốc gia Walter Reed, với một chiếc khẩu trang màu xanh thẫm trên mặt, sau nhiều tháng từ chối xuất hiện như vậy ở nơi công cộng.

"Có lẽ tôi sẽ đeo khẩu trang. Tôi nghĩ khi bạn ở trong bệnh viện, nhất là ở một nơi đặc biệt như vậy, nơi bạn đang nói chuyện với rất nhiều binh lính, những người mà có khi vừa rời khỏi bàn phẫu thuật. Tôi nghĩ rằng việc đeo khẩu trang là điều tuyệt vời. Tôi chưa bao giờ chống đeo khẩu trang nhưng tôi tin rằng cần đúng thời gian và đúng chỗ", ông Trump nói với các phóng viên trước chuyến thăm.

Quyết định đeo khẩu trang của ông Trump trong chuyến đi tới trung tâm quân y ở Bethesda, bang Maryland, được đưa ra sau nhiều tháng ông từ chối đeo khẩu trang công khai, bất chấp các khuyến nghị của các chuyên gia y tế công cộng trong chính quyền.

Trong khi đó, hàng loạt bang tại Mỹ đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất như Georgia, Utah, Montana, Bắc Carolina, Iowa và Ohio. Giới chức thành phố Atlanta đang để ngỏ việc quay lại "Giai đoạn 1" theo hướng dẫn về lộ trình mở cửa lại nền kinh tế. Điều này sẽ khiến phần lớn người dân buộc phải ở nhà. Trước đó, thị trưởng thành phố Atlanta Keisha Lance Bottoms đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-29 tại trung tâm y tế ở Houston, Texas, Mỹ, ngày 2/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thống đốc bang Texas Greg Abbott đã cho đóng cửa các quán bar và yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tuy nhiên, ông vẫn cảnh báo sẽ có thêm các biện pháp hạn chế mới do tình hình có khả năng diễn biến xấu hơn. Ông cho biết nếu không thể khống chế dịch bệnh, bước tiếp theo sẽ là áp đặt lệnh phong tỏa.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h (theo giờ Việt Nam ngày 12/7), Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 3.353.556 ca nhiễm và 137.380 ca tử vong do COVID-19.

Người dân đòi mở cửa lại nhà hàng ở Miami, bang Flordia ngày 10/7. Ảnh: Getty Images

Mỹ Latinh vẫn là điểm nóng

Ngày 11/7, Bộ Y tế Brazil cho biết nước này ghi nhận trên 1.000 ca tử vong do COVID-19. Cụ thể số ca tử vong mới là 1.071 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong tại Brazil lên 71.469, trong khi có thêm 39.023 ca nhiễm mới và tổng số ca bệnh trên toàn quốc là 1.839.850.

Tại Bolivia, Chủ tịch Thượng viện Monica Eva Copa ngày 10/7 cho biết bà đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Bà Monica Eva Copa khẳng định đang tuân thủ phác đồ điều trị và sẽ duy trì cách ly trong thời gian cần thiết. Bolivia hiện ghi nhận hơn 44.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1.600 ca tử vong.

Trong khi đó, Chính phủ Venezuela ngày 11/7 thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng. Đây là lần thứ 4 liên tiếp Venezuela gia hạn tình trạng khẩn cấp do COVID-19. Venezuela hiện ghi nhận 8.803 ca nhiễm và 83 ca tử vong do COVID-19, ít hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng Mỹ Latinh khác, trong đó có có Brazil. Tuy nhiên, số ca nhiễm tại nước này đang tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một tiệm cắt tóc ở Sao Paulo, Brazil, ngày 6/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cùng ngày 11/7, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết Brazil và các nước Mỹ Latinh khác, vốn có tỷ lệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 cao, sẽ là những nước đầu tiên nhận được thuốc Avifavir điều trị bệnh này do Nga điều chế.

Avifavir, loại thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên của Nga, đã được Bộ Y tế nước này cấp phép hồi cuối tháng 5. Thuốc đã chứng minh hiệu quả điều trị COVID-19 trong 90% các cuộc thử nghiệm. Đầu tuần này, Bộ Công thương Nga đã nhận được yêu cầu cung cấp Avifavir từ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), các nước Mỹ Latinh, châu Âu và Đông Nam Á.

Kinh tế các nước Eurozone trên bờ vực tan vỡ

Tại châu Âu, Ủy viên kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni tuyên bố tình trạng suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trở nên tồi tệ hơn và đe dọa có thể phá vỡ Eurozone. Theo ông Gentiloni, các nền kinh tế thuộc Eurozone đang ở bờ vực tan vỡ do Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang bị co lại tại các quốc gia như Italy, Pháp và Tây Ban Nha, hiện đang chứng kiến chỉ số này giảm từ 10-11%.

Ông Gentiloni cũng nhấn mạnh các quốc gia EU cần nhất trí một kế hoạch hồi phục kinh tế sớm nhất có thể khi mà việc này sẽ xây dựng lòng tin vào nền kinh tế của mỗi quốc gia và góp phần vào một sự phục hồi nhanh chóng hơn. 

Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nước thành viên EU vẫn cần đạt được sự đồng thuận về quỹ hồi phục COVID-19 trị giá 750 tỷ euro (843 triệu USD) mới được Ủy ban châu Âu đưa ra để thảo luận. Các nhà lãnh đạo EU dự kiến nhóm họp vào ngày 17 và 18/7, song nhóm 4 nước được coi là chặt chẽ về tài chính của châu Âu gồm Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển đã từ chối đề xuất.

Ấn Độ: Số ca bệnh vượt 850.000 người

Tại châu Á, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ ngày 11/7 đã lên tới 850.358 người, trong đó có hơn 22.100 ca tử vong. Cụ thể, trang mạng thống kê worldometers.info cho biết Ấn Độ đã ghi nhận 830.763 ca nhiễm và 22.687ca tử vong. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 543 ca tử vong, 27.755 ca nhiễm mới. Đây tiếp tục là số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày ở Ấn Độ.

Chuyển bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 10/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc tuyên bố tình hình dịch bệnh tại Bắc Kinh được kiểm soát

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc đã công bố một báo cáo trong đó nói rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 liên quan tới chợ đầu mối Tân Phát Địa ở thủ đô Bắc Kinh đã được kiểm soát hiệu quả. 

Theo báo cáo trên, các ca lây nhiễm liên quan tới chợ Tân Phát Địa, bùng phát tại các địa điểm khác như tỉnh Hà Bắc, Liêu Ninh và Chiết Giang đều đã được kiểm soát. Báo cáo cũng chỉ rõ rằng, có tất cả 29 ổ dịch liên quan tới chợ Tân Phát Địa, trong đó có 10 địa điểm công cộng và 13 ổ dịch lây lan giữa các thành viên trong gia đình.  Báo cáo cho biết, các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát mà Bắc Kinh đưa ra chống lại dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy tính hiệu quả, đồng thời nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan giữa những người từng tiếp xúc với khu chợ về cơ bản đã được loại bỏ. 

Người dân rời khỏi một cơ sở cách ly COVID-19 sau khi hoàn thành thời gian cách ly tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 7/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 10/7, Bắc Kinh không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, điều này đồng nghĩa với việc thành phố không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 5 ngày liên tiếp.

Tại Nhật Bản, chính quyền tỉnh Okinawa, thông báo đã áp lệnh phong tỏa đối với 2 căn cứ Hải quân Mỹ tại tỉnh này sau khi ghi nhận 61 ca nhiễm trong quân đội Mỹ vào tuần này. Hiện Nhật Bản có tổng cộng 20.719 ca nhiễm và 982 ca tử vong do COVID-19.

Chỗ ngủ của người dân sơ tán do ngập lụt tại Hitoyoshi, tỉnh Kumamoto, Nhật Bản được ngăn cách để phòng lây nhiễm dịch COVID-19, ngày 6/7/2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia thông báo nước này có thêm 1.671 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 74.018 người. Số ca tử vong cũng tăng lên 3.535 trường hợp sau khi có thêm 66 người tử vong vì bệnh COVID-19. Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với các quân nhân, sau khi phát hiện một ổ dịch lớn tại Trường Sĩ quan Lục quân ở thành phố Bandung, tỉnh Tây Java.

Cử tri đeo khẩu trang và găng tay bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ở Singapore ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan cho biết nước này ghi nhận thêm 14 ca bệnh mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong nhiều tuần qua. Tuy nhiên, tất cả đều là công dân Thái Lan trở về từ nước ngoài và hiện đang được cách ly. Hiện tổng số ca bệnh tại Thái Lan tăng lên 3.216 người và tổng số ca tử vong là 58 trường hợp. Thái Lan không có ca nhiễm mới nào trong cộng đồng trong 50 ngày liên tiếp vừa qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 2, giới chức Thái Lan cho rằng nước này cần duy trì quan điểm cấm các chuyến bay về nước đối với toàn bộ du khách.

Học sinh và giáo viên đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Philippines, Bộ Y tế ngày 11/7 cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng lên 54.222 người sau khi có thêm 1.387 ca bệnh mới. Số ca tử vong cũng tăng thêm 12 trường hợp, nâng tổng số người chết lên 1.372 ca.

Tại Malaysia, giới chức cho biết nước này đã ghi nhận thêm 8 người mắc bệnh, đưa tổng số ca nhiễm lên 8.704 người. Trong số các ca bệnh mới có 4 ca "nhập khẩu", số còn lại là lây nhiễm cộng đồng. Không có ca tử vong nào được ghi nhận trong ngày, hiện tổng số người chết duy trì ở mức 121 trường hợp.

Tại Lào, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 Lào ngày 11/7 cho biết tính tới 17h ngày 10/7, nước này không phát hiện trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ngày không có ca nhiễm mới lên 90 ngày liên tiếp. Hiện Lào ghi nhận tổng cộng 19 ca bệnh và tất cả đều đã được chữa khỏi và xuất viện.

Lực lượng cứu hỏa được huy động phân phát thực phẩm cho người dân tại một khu vực cách ly do COVID-19 ở Melbourne, Australia, ngày 9/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Australia, với 216 ca nhiễm mới, ngày 11/7 là một trong những ngày có số ca nhiễm cao nhất ở bang Victoria đông dân thứ hai của Australia.  Thống đốc bang Daniel Andrews cảnh báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng trước khi tình hình có thể được cải thiện khi bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa. Chính quyền bang Victoria đã quyết định phong tỏa thành phố Melbourne tuần này do lo ngại lây nhiễm trong cộng đồng có thể gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai. Đây cũng là bang đầu tiên ở Australi yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra đường. Tuy nhiên, các bang khác ở Australia đã bắt đầu nới lỏng đi lại, dù vẫn đóng cửa với bang Victoria.

 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 2/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nguồn: Báo Tin tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN