Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Bến Tre

Công tác xã hội hóa xây dựng giao thông nông thôn

25/12/2019 - 09:17

BDK - Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường (KHKTCĐ) tỉnh ra đời năm 2001. Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp mang tính chất tự nguyện, tự lực về kinh phí. Lúc mới thành lập chỉ có 43 hội viên, đến nay đã phát triển 577 hội viên, sinh hoạt ở 15 chi hội trực thuộc và 16 hội viên tập thể. Đây không chỉ là cán bộ kỹ thuật ngành giao thông mà còn có nhiều cán bộ kỹ thuật ngành hữu quan tham gia vào hội. Đặc biệt, có những hội viên là bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch xã, trưởng ấp...

Đại biểu dự Hội nghị chuyên đề toàn quốc về vai trò Hội KHKTCĐ trong công tác xây dựng giao thông nông thôn bằng nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: H-C-Đ

Vận động xây dựng giao thông nông thôn

Xuất phát từ thực tế Bến Tre là một tỉnh ốc đảo, bốn bề sông nước, kênh rạch chằng chịt; trong chiến tranh là vùng căn cứ cách mạng chịu nhiều tổn thất về người và của. Cách đây khoảng 20 năm, giao thông nông thôn (GTNT) trong tỉnh chủ yếu là đường đất, cầu tre, cầu tạm và bến đò ngang không an toàn. Năm nào cũng có những cái chết thương tâm bởi “té cầu, chìm đò”... nhưng vì ngân sách địa phương và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên không thể đầu tư xây mới được. Từ đó, Hội KHKTCĐ tỉnh đã có sáng kiến đưa ra “Chương trình vận động hỗ trợ GTNT” để góp phần xây dựng cầu, đường cho dân, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân vùng sâu vùng xa và đã được chính quyền các cấp, nhân dân và nhà tài trợ nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, chương trình ý nghĩa này tiếp tục được phát huy, nhân rộng.

Trong công tác vận động, tùy theo tình hình kinh tế đời sống dân cư nơi công trình (thống nhất với lãnh đạo xã, huyện), hội xin tài trợ từ 50 - 90% giá trị xây dựng, còn lại nhân dân đóng góp. Khi nhận tiền có biên bản xác nhận tài trợ. Công trình hoàn thành có biên bản nghiệm thu (có sự chứng kiến của nhà tài trợ). Công tác công khai minh bạch tiền, vật tư do dân đóng góp và mạnh thường quân tài trợ được thực hiện đầy đủ. Mỗi công trình hoàn thành đều gắn bảng lưu niệm, nêu rõ nguồn kinh phí xây dựng, tên nhà tài trợ...

Đặc biệt, hội không có lập quỹ, 100% số tiền vận động tập trung xây dựng công trình. Tiền chuyển đến hội (tiền mặt hoặc chuyển khoản), hội thay nhà tài trợ giao lại: dưới 200 triệu đồng giao cho xã, trên 200 triệu đồng giao cho huyện để tổ chức xây dựng.

Để công trình thi công đảm bảo chất lượng, xã, huyện đều thành lập Ban Quản lý công trình có nhân dân tham gia, chọn đơn vị thi công. Hội phân công cán bộ kỹ thuật kiểm tra xây dựng đến hoàn thành. Đồng thời, Hội KHKTCĐ tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải mời giảng viên ở các viện, trường tổ chức nhiều cuộc hội thảo với đề tài “xây dựng cầu, đường trên nền đất yếu” và hướng dẫn bảo trì giao thông theo sổ tay của Bộ Giao thông vận tải, trao đổi kinh nghiệm với các thợ xây cầu... có hàng trăm đơn vị xây dựng cầu, đường nông thôn tham gia.

Xóa trên 2.000 cây cầu khỉ, cầu tạm

Với cách làm trên, trong giai đoạn 2015 - 2019 (tính đến tháng 6-2019), Hội KHKTCĐ tỉnh đã vận động hỗ trợ xây dựng và đưa vào sử dụng 679 cây cầu nông thôn bằng bê-tông cốt thép và 84,8km đường bê-tông. Tổng kinh phí xây dựng 260,34 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí được tài trợ là 201,65 tỷ đồng, nhân dân địa phương đóng góp và ngân sách xã, huyện đối ứng 58,69 tỷ đồng.

Nếu tính từ khi có chương vận động hỗ trợ GTNT (năm 2003) đến tháng 6-2019, tổng số công trình mà hội và các chi hội trực thuộc đã vận động xây dựng và đưa vào sử dụng được 2.120 cây cầu, 241km đường bê-tông, 6 trường học, 12 nhà tình nghĩa, 13 nhà tình thương, 27 cây nước sinh hoạt, 40 xe đạp, 88 suất học bổng và hàng chục ngàn phần quà cho các hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tổng kinh phí xây cầu, đường là 493 tỷ đồng. Trong đó, mạnh thường quân hỗ trợ 383,9 tỷ đồng; nhân dân đóng góp (bằng tiền, đất đai, vật tư, công lao động, di dời nhà cửa, cây trái hoa màu…) và đối ứng của địa phương trị giá 109,1 tỷ đồng.

Hội KHKTCĐ tỉnh đã phối hợp với Ban Nghiên cứu hành động chính sách nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo (PARU) và Trung tâm Môi trường và Phát triển giao thông vận tải (CETD) nghiên cứu chính sách bảo trì GTNT và thực hiện thí điểm bảo trì GTNT dựa vào cộng đồng dân cư ở xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam và xã Tiên Long, huyện Châu Thành đạt kết quả. Hội đã trao đổi, hướng dẫn thực hiện bảo trì cho các xã trong tỉnh.

Từ năm 2015 - 2019, Hội KHKTCĐ tỉnh tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ thuật bảo trì GTNT (theo sổ tay hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải) và hội đã vận động hỗ trợ 1,3 tỷ đồng “vốn mồi” để phát động đóng góp của người dân (tiền, vật tư, công lao động) trên 15 tỷ đồng; đã duy tu sửa chữa, khôi phục được hàng trăm km đường nông thôn (trong đó có 45 cây cầu) bị xuống cấp, hư hỏng, đảm bảo an toàn cho sự đi lại của người dân.

Từ các hoạt động trên đã góp phần cùng địa phương xóa trên 2.000 cây cầu khỉ, cầu tạm, cầu xuống cấp, hàng trăm bến đò ngang và hàng trăm km đường đất trơn trợt.

Gắn liền với hoạt động hỗ trợ GTNT của hội, cán bộ của Trung tâm Tư vấn cầu đường và các chi hội rất nhiệt tình, không quản ngày nghỉ, ngày lễ theo sát với lãnh đạo hội đến những vùng sâu, vùng xa để khảo sát, kiểm tra, nghiệm thu các công trình cầu đường do mạnh thường quân tài trợ. Ngoài ra, Trung tâm Tư vấn cầu đường và chi hội các huyện, thành phố còn tích cực phối hợp cùng với ban, ngành của huyện, thành phố trong việc hỗ trợ các xã lập hồ sơ thiết kế - dự toán, giám sát xây dựng miễn phí trên 2.000 công trình cầu, đường; tổng giá trị tư vấn không thu khoảng 26 tỷ đồng, góp phần cùng với nhân dân xây dựng GTNT.

Bên cạnh các nhà tài trợ truyền thống, ngày càng có thêm nhiều mạnh thường quân mới tham gia như: Tổng Lãnh sự quán Úc, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh... Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này là tiếp tục vận động xây dựng các cây cầu có quy mô ngày càng lớn hơn, mặt cầu rộng, tải trọng tương đối lớn (8 tấn) đáp ứng tiêu chí số 2 (giao thông) trong xây dựng xã nông thôn mới.

Trịnh Văn Y - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN