Cộng đồng liên kết phát triển du lịch homestay

18/06/2018 - 07:27

Du khách tham quan vườn cây ăn trái.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, con người thân thiện, mến khách, Chợ Lách có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch miệt vườn, du lịch cộng đồng, homestay. Nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng thế mạnh đó, buổi tọa đàm phát triển tiềm năng du lịch cộng đồng homestay vừa được UBND huyện Chợ Lách tổ chức nhân ngày hội cây - trái ngon, an toàn tỉnh năm 2018. Đây là cơ hội kết nối giữa chính quyền, các công ty lữ hành du lịch, các cơ sở du lịch và người dân trên địa bàn huyện.

Đa dạng sản phẩm du lịch

Trên địa bàn huyện Chợ Lách hiện có 1 công ty kinh doanh lữ hành du lịch và 10 điểm kinh doanh khai thác du lịch, 31 làng nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng, 25 vườn trái cây, hoa kiểng “xanh - sạch - đẹp” để phục vụ du khách. “So với tiềm năng thuận lợi về điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người thì công tác khai thác du lịch trên địa bàn huyện trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả”, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Nguyễn Minh Đức nhận định.

Theo đánh giá của huyện, hiện nay, cách làm du lịch ở địa phương mỗi người mỗi khác, chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp lữ hành. Có người tập tành làm du lịch nhưng lại vội nản, không kiên trì chăm chút, đầu tư thêm dẫn đến hoạt động nửa vời, cầm chừng. Cũng có trường hợp đầu tư quá nhiều về cơ sở hạ tầng nhưng chưa có định hướng nên hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, khâu tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch cũng còn yếu, chưa được nhiều người biết đến. Những điều này tác động đến tâm lý chung của những người có ý định muốn làm du lịch cộng đồng homestay.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc lữ hành Công ty du lịch Hàm Luông cho rằng: “Khi làm du lịch, cần xác định rõ phân khúc khách hàng mà mình muốn khai thác để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch cho phù hợp. Từ đó xây dựng hướng hoạt động phù hợp cho điểm du lịch của mình và làm tới nơi tới chốn”.

Để phát huy thế mạnh là xứ sở cây giống, hoa kiểng, có vườn cây ăn trái đặc sản của Chợ Lách, các nhà hoạt động du lịch có kinh nghiệm cũng góp ý rằng, các điểm du lịch ở huyện nên tổ chức vườn cây trái đa dạng chủng loại để phục vụ du khách. Có thể nâng cấp vườn theo hướng organic, GAP hoặc xử lý trái vụ để đảm bảo chất lượng cây ăn trái cho du khách.

Đánh giá những hạn chế hiện tại của du lịch huyện, các đại biểu cho rằng cần thiết kế đa dạng hơn các hoạt động, dịch vụ đi kèm với homestay, chú trọng các hoạt động cho du khách trải nghiệm. Ông Trần Văn Nghiệp - Công ty du lịch Nam Bộ góp ý: “Nhà vườn hoa kiểng, cây giống nếu làm du lịch homestay có thể thiết kế hoạt động theo hướng cho khách cùng tham gia trải nghiệm cắt tỉa cây kiểng, chiết, ghép cây, tưới, chăm sóc cây hoa trong vườn nhà mình”.

“Du lịch homestay cần phải có sự giao lưu giữa chủ và khách chứ không phải là để khách đến thuê phòng nghỉ rồi thôi. Du khách đến với mình để được trải nghiệm, được giao lưu về văn hóa, ẩm thực, lối sống của cư dân địa phương. Đây chính là yếu tố quan trọng để khách yêu thích và muốn quay trở lại với cơ sở của mình”, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Liên kết để cùng phát triển

Trong 6 tháng năm 2018, tổng lượt khách đến Chợ Lách đạt trên 25 ngàn lượt, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khách quốc tế đạt 2.500 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ; khách nội địa đạt trên 22,5 ngàn lượt, tăng 18% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch đạt trên 15 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Để có thể tổ chức khai thác có hiệu quả du lịch cộng đồng với những yêu cầu đặc thù như thế, cần thiết phải có sự liên kết với nhau để cùng phát triển. Trước tiên đó là sự liên kết trong cộng đồng dân cư.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Duy Phương cho biết: Muốn phát triển du lịch cộng đồng thì trước hết phải làm sao cho môi trường sạch sẽ, con người làm du lịch phải thân thiện, đảm bảo an toàn trong mọi hoạt động để phục vụ du khách từ ăn uống đến vui chơi, lưu trú, di chuyển. Như vậy thì cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đẹp, hoàn thiện, cảnh quan môi trường xung quanh cũng phải sạch đẹp, cộng đồng dân cư phải liên kết với nhau để làm du lịch.

Thanh niên địa phương phải làm sao trở thành “hướng dẫn viên du lịch” để khi gặp khách đến địa phương có thể niềm nở, tự tin hướng dẫn họ tham quan địa phương mình. Phụ nữ có thể tham gia  làm nội trợ, chế biến các món ăn địa phương, dân dã. Người nông dân cũng có vai trò quan trọng nếu làm đầu tàu trong phát triển du lịch địa phương, góp phần tăng giá trị sử dụng đất.

Cùng với đó là liên kết giữa công ty lữ hành với cơ sở du lịch. Ông Trần Văn Nghiệp góp ý, các cơ sở kinh doanh du lịch ở địa phương cần có sự phối hợp, kết nối với các công ty lữ hành du lịch để có lượng khách đến tại cơ sở. Ngoài ra, điểm du lịch homestay có thể tự giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm du lịch của cơ sở mình trên các trang web về du lịch, hoặc thiết lập website riêng để tự quảng bá.

Giữa các điểm kinh doanh du lịch cũng cần liên kết với nhau để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ lượng khách, xây dựng tour tuyến, lộ trình tham quan cụ thể để dễ dàng kết hợp với các công ty lữ hành, đáp ứng phục vụ du khách nhiều hơn. Ngoài ra, hiện tại, Chợ Lách chưa có các sản phẩm lưu niệm để du khách mua về làm quà. Huyện có thể phát triển các cơ sở làm trái cây sấy hoặc hình thành địa điểm bán trái cây sạch, đảm bảo chất lượng, làm điểm đầu mối để du khách đến mua trái cây, nông sản về làm quà.

Ông Trần Duy Phương cũng lưu ý, cần phải thay đổi lối nghĩ “cho người lạ vào vườn thì cây không cho trái, thu hoạch kém” ở một bộ phận người nông dân địa phương. Muốn làm được điều này cần có sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể địa phương, trong vận động, hỗ trợ.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN