Công an tỉnh tích cực tham gia tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU

03/05/2023 - 06:27

BDK - Ngày 23-10-2017, thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) gắn cảnh báo “thẻ vàng” do khai thác hải sản (KTHS) bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Từ đó đến nay, ngành thủy sản đã chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng, kim ngạch, giá trị xuất khẩu hải sản giảm mạnh, nhất là vào thị trường châu Âu. Để tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đáp ứng các khuyến nghị của EC.

Lực lượng An ninh kinh tế phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, nhắc nhở chủ tàu tại cảng cá An Thủy trước khi ra khơi.

Ngăn chặn vi phạm IUU

Bến Tre có 3 huyện giáp biển, với chiều dài bờ biển trên 65km. Theo thống kê, hiện tỉnh có 3.442 tàu KTHS đang hoạt động, trong đó có 2.062 tàu đánh bắt xa bờ. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng công an các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, đề cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, tinh thần trách nhiệm của ngư dân trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam và cam kết không KTHS vi phạm vùng biển nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Dũng, ngư dân thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri bày tỏ: “Bản thân tôi luôn chấp hành các quy định về khai thác thủy sản theo khuyến cáo của chính quyền và các ngành chức năng. Bởi vì nếu chúng ta cứ vi phạm thì “thẻ vàng” không được dỡ bỏ, sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho ngành thủy sản, trong đó có lợi ích của chính mình”.

Theo quy định, những tàu đánh bắt xa bờ thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để theo dõi quá trình di chuyển, khai thác của phương tiện. Thông qua thiết bị này, lực lượng an ninh kinh tế, Công an tỉnh đã kịp thời phát hiện nhiều phương tiện vượt qua ranh giới, đi vào vùng biển nước ngoài, kêu gọi quay trở về vùng biển Việt Nam, không để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác, đánh bắt và liên lạc với những phương tiện bị mất tín hiệu yêu cầu mở lại kết nối để đảm bảo quá trình giám sát liên tục.

Qua theo dõi từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.224 tàu với 3.955 lần mất tín hiệu, trong đó có 571 tàu mất tín hiệu trên 10 ngày. Phần lớn những trường hợp được nhắc nhở đã khắc phục, tuy nhiên còn một số trường hợp tránh né, cố tình vi phạm đã bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Cùng với biện pháp tuyên truyền, vận động, lực lượng công an đã tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin, phối hợp xác minh, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về KTHS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định với những lỗi phổ biến như không gắn thiết bị giám sát hành trình, mất tín hiệu giám sát hành trình trên 10 ngày, để tàu vượt ranh giới vùng biển Việt Nam hoặc chuyển thiết bị giám sát hành trình sang tàu khác… cũng như những trường hợp sai phạm trong quá trình thực hiện các khuyến nghị của EC.

Góp phần tháo gỡ “thẻ vàng”

Quá trình đấu tranh phòng chống IUU, lực lượng công an làm tốt vai trò tham mưu cho Ban Chỉ đạo 689 tỉnh và UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp góp phần tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU. Phối hợp với các ngành chức năng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thủy sản; thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý tàu cá hoạt động KTHS trên biển với các tỉnh trong khu vực và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 3, vùng 4. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và hướng dẫn các cơ quan chức năng chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời, xử lý có hiệu quả các vấn đề phức tạp nổi lên liên quan đến an ninh trật tự.

Thượng tá Trần Thanh Thanh Hoàng - Phó trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh cho biết: “Chúng tôi thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống IUU trong thời gian qua nhằm mục tiêu nâng cao ý thức tự giác chấp hành của ngư dân đối với các quy định pháp luật về KTHS và tuân thủ các khuyến nghị của EC. Chúng tôi và các ngành chức năng ở địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo từ đây đến khi đoàn kiểm tra của EC đến Việt Nam kiểm tra lần thứ tư sẽ không có trường hợp tàu cá tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài”.

Sự nỗ lực của lực lượng công an và các ngành chức năng đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, trong đó quan trọng nhất là ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật về KTHS của đại bộ phận chủ tàu và ngư dân từng bước được nâng cao, thể hiện qua việc các trường hợp vi phạm khi được nhắc nhở đã nhanh chóng khắc phục, đảm bảo đủ điều kiện hoạt động và trong quý I-2023 không có tàu đánh cá của tỉnh KTHS vùng biển nước ngoài.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội  đánh giá: “Qua 5 năm triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống IUU, ngành công an, đặc biệt là lực lượng an ninh kinh tế đã có sự chủ động, chặt chẽ, đồng bộ trong công tác phối hợp với ngành nông nghiệp để ngăn chặn, giảm thiểu và đi đến chấm dứt tình trạng tàu cá KTHS vi phạm vùng biển nước ngoài cũng như các vi phạm khác liên quan đến lĩnh vực IUU, góp phần tích cực vào công tác phòng chống IUU của địa phương trong thời gian qua”.

Dự kiến, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu sẽ đến Việt Nam để kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các khuyến nghị liên quan đến hoạt động KTHS vào cuối tháng 5-2023. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, mong rằng cảnh báo “thẻ vàng” IUU sẽ được tháo gỡ, mở đường cho ngành thủy sản Việt Nam hội nhập và phát triển trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN