|
Cụ Dương Từ Thức (giữa) và thầy Đỗ Quang Hạnh. Ảnh: H.A |
Miếu Ngọc Hoàng – cơ sở “Thờ tự văn minh” tọa lạc ở phường Phú Tân thuộc thành phố Bến Tre được chỉnh trang đẹp hơn, bà con tín ngưỡng đến cúng viếng nhiều hơn kể từ khi nhà ăn chay tình thương An Lạc hình thành trong khuôn viên của miếu.
Nhà ăn chay hoạt động trong quy tắc trật tự, vệ sinh, an toàn, ngày càng trở thành địa chỉ thân thiện của nhiều người.
Ngày khai trương nhà ăn chay không có băng-đơ-rol cổ động, không có diễn từ long trọng, không có phóng viên báo chí đưa tin, không có đại gia trong nước và tổ chức thiện nguyện nước ngoài tài trợ. Chỉ có sự chứng kiến ủng hộ của chính quyền địa phương, của Ban quản trị miếu Ngọc Hoàng, đông đảo thiện nguyện viên thuộc “gia đình An Lạc” và những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng xã hội.
Nhà ăn hoạt động liên tục đến nay tròn mười tháng nhờ nguồn đóng góp của những tấm lòng nhân ái.
Thành công lớn của nhà ăn chay tình thương không chỉ tồn tại bao nhiêu tháng, duy trì cung cấp bao nhiêu phần cơm đến với người nghèo, mà thành công chủ yếu vẫn là sự gieo mầm, nhân rộng lòng nhân ái trong cộng đồng xã hội. Ban đầu, hàng ngày nhà ăn cung cấp một trăm năm mươi suất cơm chay miễn phí, sau đó số lượng tăng dần. Hiện nay, mỗi ngày nhà ăn chay cung cấp bốn trăm năm mươi suất cơm cho một trăm bốn mươi người già, bệnh, tàn tật, tám mươi sinh viên học sinh, sáu mươi người lao động vãng lai và một trăm bảy mươi bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
Nhà ăn chay tình thương An Lạc không của riêng ai, thầy trò của ông Đỗ Quang Hạnh khéo công tác tổ chức điều hành (từ tâm, dân chủ, công khai, minh bạch), học sinh sinh viên tham gia tự quản, các tổ “thợ nấu” ở nhiều địa phương tự nguyện đến với “gia đình An Lạc”, thay phiên nấu ăn hàng ngày trong niềm vui để những bữa cơm ngon đến với mọi người.
Sẽ mất hết ý nghĩa nhân văn nếu xem công sức của thiện nguyện viên là “công quả” và những chén cơm đến với người nghèo là “của bố thí”. Ý nghĩa nhân văn sẽ vẹn nguyên khi tâm niệm tình thương trải đều trên mỗi hạt cơm, để rồi gợi mở, gieo mầm lòng nhân ái.
Băng chữ đẹp, to rõ được trân trọng treo trong nhà ăn, mọi người đều nhìn thấy: “Hãy tưới tẩm cho nhau hạt giống thương yêu”, “Hãy đến với nhau bằng nụ cười thân thiện, lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương, chuyển hóa cho nhau mọi khổ đau, phiền muộn thành An Lạc” đã trở thành mục đích, ý nghĩa của nhà ăn chay làm cho tất cả tha nhân đến nhà ăn dùng bữa cơm trong không khí thân thiện, ấm áp tình thương như ở chính ngôi nhà của mình.
Nhà ăn chay tình thương không thể tồn tại đủ một tuần, chớ đừng nói chi một tháng nếu hoạt động không xuất phát từ cái tâm thương người thật sự, không có sự hậu thuẫn của những tấm lòng nhân ái và tài chính của nhà ăn không thực hiện quản lý thu, chi chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng.
“Gia đình An Lạc” mà nòng cốt là Ban điều hành (Trưởng ban Đỗ Quang Hạnh, Phó ban Nguyễn Văn Vị, nhân sự Nguyễn Văn Dũng, kế toán Ngô Ngọc Tuyết, thủ quỹ Lê Thị Nguyệt Hồng, thủ kho – tổng hợp Nguyễn Mỹ Dung, bếp trưởng Nguyễn Thị Hạnh và kiểm soát viên Nguyễn Thị Cẩm Tuyết) cùng các cộng sự tích cực như các tổ nấu ăn tự nguyện, tổ tiếp phẩm, tổ chất đốt, tổ chuyển cơm đến bệnh viện, tổ phát cơm cho người nghèo, tổ sinh viên học sinh tự quản trong nhà ăn… Tất cả thấm nhuần, noi theo tấm gương đạo đức, lòng nhân ái của Bác Hồ để rồi làm việc đều tay trên tinh thần tự giác, vô tư, đoàn kết hỗ trợ nhau và không ai nhận bất kỳ thù lao nào.
Đặc biệt, tài chính đảm bảo cho nhà ăn hoạt động được giữ vững nguyên tắc đầy đủ sổ sách thu, chi công khai, minh bạch hàng ngày, hàng tuần và kết toán hàng tháng có sự chứng thực của ban điều hành. Tất cả các ân nhân đóng góp bằng tiền hay hiện vật dù nhiều hay ít cũng đều được Ban điều hành nhà ăn ghi vào sổ vàng và cấp biên nhận làm bằng chứng.
Hàng tháng có bản công khai thu, chi tài chính, lương thực thực phẩm và được trưng bày ở vị trí thuận lợi để mọi người dễ quan sát. Bản công khai ghi đầy đủ các khoản:
- Bảo tồn quỹ dự phòng an toàn trong tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng.
- Quỹ thu, chi thường xuyên hàng tháng (tiền và lương thực thực phẩm):
Mang tồn kỳ trước sang.
Nhập trong tháng.
Xuất trong tháng.
Tồn kho.
Ban điều hành khuyến khích mọi thành viên trong “gia đình An Lạc” đều có quyền giám sát, chất vấn bộ phận liên quan khi phát hiện thu, chi chưa hợp lý. Mọi sự giám sát và góp ý trên cơ sở quy tắc bất thành văn là vui vẻ tiếp thu, kịp thời chấn chỉnh, không tự ái để bụng, thật tâm vì công việc chung. Tất cả thành viên thiện nguyện đều có “nghĩa vụ” và “quyền lợi” như nhau, đó là niềm vui tự nguyện phục vụ và cùng nhau gieo lòng nhân ái trong cộng đồng xã hội.
Nền nếp hoạt động của tập thể thiện nguyện viên thuộc “gia đình An Lạc” và việc dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính của nhà ăn chay đã tạo niềm tin cho những tấm lòng nhân ái trong mọi tầng lớp của cộng đồng xã hội luôn đồng hành, chia sẻ chén cơm tình thương đến với người nghèo.
Cụ Dương Từ Thức 90 tuổi – cựu vô địch quần vợt Đông Nam Á đến tham quan, dùng cơm chay ở nhà ăn, xúc động nói: “Tôi đã từng đến 25 quốc gia và đi khắp mọi miền ở Việt Nam, vẫn chưa thấy đâu có mô hình nhà ăn từ thiện như thế này: trật tự, sạch, đẹp, vệ sinh, chu đáo và thân thiện. Chỉ có những tấm lòng nhân ái thật sự của cộng đồng xã hội và đội ngũ thiện nguyện viên của “gia đình An Lạc” làm việc vô tư, minh bạch, mới có thể góp sức cho nhà ăn chay tình thương có sức sống, để tham gia vào việc xóa đói giảm nghèo và gieo lòng nhân ái trong cộng đồng xã hội”.
Một khi lòng nhân ái của mọi tầng lớp trong cộng đồng được đánh thức và lan tỏa thì nhà ăn chay tình thương sẽ tồn tại dài lâu, phát triển bền vững trên cơ sở hoạt động dân chủ tập thể, cộng đồng trách nhiệm, công khai, minh bạch.
Khi “gia đình An Lạc” được tăng cường năng lực phục vụ, có thêm phương tiện đi lại tốt hơn thì những phần cơm chay sẽ có điều kiện từ thành phố Bến Tre vượt đường xa đến với người già cô đơn, người lao động và bệnh nhân nghèo ở các huyện lân cận như Bệnh viện Châu Thành, Bệnh viện Đa khoa Cù Lao Minh, Bệnh viện Giồng Trôm… trong tương lai không xa.