Có đảm bảo chất lượng khi mở rộng ồ ạt diện tích cacao?

15/01/2013 - 17:02
Vườn cacao của ông Hồ Văn Thành ở xã Phú Đức (Châu Thành) luôn cho năng suất cao.

Tính đến nay, Dự án Phát triển 10.000ha cacao đã đầu tư trồng được 10.687ha. Trong đó, giai đoạn I của Dự án do ACDI/VOCA tài trợ và của tỉnh đầu tư là 4.525ha; Giai đoạn II do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư điều hành, thực hiện được 6.160,67ha. Đặc biệt, trong năm 2012, ngân sách tỉnh hỗ trợ 80%, nhà cung ứng giống hỗ trợ 20% giá cây giống nên người dân đầu tư cây trồng mới cacao mạnh.

Năm nay, giá thu mua cacao tương đối ổn định và dễ tiêu thụ, đã tạo sự an tâm cho người sản xuất. Dự án cacao chứng nhận UTZ được mở rộng trên các vùng trồng cacao trọng điểm trong tỉnh với mục tiêu là áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và liên kết hợp tác chặt giữa bốn nhà trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đã tác động tích cực đến nhận thức người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ cacao. Các cơ sở cung ứng giống đã chủ động, đảm bảo giao giống đạt yêu cầu. Tuy nhiên, theo quy định chung của Dự án, khi đăng ký tham gia, nông dân phải đóng góp 60% vốn mua cây giống, Nhà nước chỉ hỗ trợ 40%. Từ tháng 5 đến tháng 8 - 2012, lúc giá dừa xuống thấp, đa số nông dân thiếu tiền và không tích cực đăng ký tham gia nhận cây giống, làm cho chỉ tiêu năm 2012 có khả năng không đạt, cơ sở cung ứng giống tồn đọng cây giống không bán được. Việc triển khai cơ chế hỗ trợ mới khá chậm (cuối tháng 8 - 2012 mới có Công văn của tỉnh về việc Nhà nước hỗ trợ 80% giá giống, các cơ sở cung ứng giống hỗ trợ 20%), đã gây lúng túng cho các địa phương, nhà cung ứng giống trong quá trình thực hiện. Tiến độ triển khai trồng mới ở các địa phương giai đoạn đầu rất chậm (đầu tháng 8 chỉ đạt 11%, đầu tháng 9 đạt 16% kế hoạch), chỉ tập trung từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, điều này gây ít nhiều khó khăn cho Ban điều hành (BĐH) trong việc điều phối, giao nhận cây giống, kiểm tra, giám sát. Một số địa phương, cacao bị chết do ảnh hưởng mặn năm 2009 đã gây hoang mang cho nông hộ có ý định trồng. Mặt khác, không ít vườn dừa mật độ quá dày nên không thuận lợi cho việc trồng xen. Một số nơi, do thổ nhưỡng, đất đai bị phèn, nguồn nước thường nhiễm mặn, trồng phát triển chậm. Hơn nữa, cacao chưa được chú trọng như các loại cây trồng xen khác. Việc một số nơi thiếu lao động và không ít nông hộ chưa am hiểu ứng dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc, chưa có điều kiện đầu tư đồng bộ nên cacao chậm phát triển, khó ra hoa kết trái... Nguồn vốn được giao ban đầu 1,8 tỷ đồng theo tỷ lệ 40-60%. Khi có chủ trương mới của UBND tỉnh, theo đó năm 2012, Dự án hỗ trợ 80% giá giống, các cơ sở cung ứng giống hỗ trợ 20%. Trong năm 2012, Dự án đã được bổ sung vốn, nâng tổng số là 3,65 tỷ đồng để đầu tư hỗ trợ giống (chưa kể quản lý phí), đảm bảo cho việc đầu tư hỗ trợ trồng mới 1.500ha và chuyển giao kỹ thuật cho các hộ đã, đang và sẽ trồng cacao trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức triển khai thực hiện giao nhận cây giống theo đúng trình tự quy định, trong đó đặc biệt chú ý khâu kiểm tra giám sát nhằm đảm bảo chỉ tiêu số lượng, vừa đạt chất lượng theo yêu cầu. BĐH Dự án cũng đã tổ chức 100 lớp tập huấn cho nông dân trồng mới cacao với 3.780 lượt người tham gia, tổ chức sinh hoạt CLB nông dân gần 300 cuộc với hơn 6.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, BĐH Dự án cũng đã phối hợp với một số công ty tổ chức 5 hội thảo chuyên đề về cacao với trên 600 người tham dự.

Nhằm hướng người trồng cacao sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao, đảm bảo môi trường sản xuất an toàn, bền vững và nâng cao chuỗi giá trị sản xuất thông qua việc gắn kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, được sự hỗ trợ của Tổ chức Helvetas (Thụy Sĩ), trong năm 2012, Chương trình sản xuất cacao chứng nhận đã thu hút sự tham gia của gần 1.300 nông dân trồng cacao (tương đương diện tích 400ha) và 4 doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh; hình thành 65 CLB sản xuất cacao chứng nhận, trong đó 4 CLB sản xuất cacao hữu cơ. Đây là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nên định hướng tích cực cho Chương trình phát triển cacao tỉnh nhà. Chất lượng cây giống, qua theo dõi quá trình giao nhận cây giống tại các địa phương cho thấy đa số cây giống đã đạt yêu cầu kỹ thuật, đúng chủng loại hợp đồng với các huyện. Tuy nhiên, một số ít trường hợp chưa đảm bảo đúng quy cách về nhãn hàng hóa, chưa đồng đều về chất lượng.

BĐH Dự án cũng vừa tổ chức đánh giá thực trạng và đề ra các giải pháp sẽ tiếp tục phát triển diện tích trồng mới 2013. Theo đó, năm nay sẽ trồng mới  1.500ha, phân bổ diện tích cho các huyện như sau: Giồng Trôm 350ha; Mỏ Cày Nam 300ha; Mỏ Cày Bắc 350ha; Bình Đại 100ha; Thạnh Phú 50ha; Ba Tri 50ha; Châu Thành 150ha; Thành phố 30ha. Để đảm bảo diện tích trồng mới đạt chất lượng cao, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư cần tập trung hỗ trợ nhà vườn các giải pháp kỹ thuật không chỉ đối với các hộ mới nhận giống mà cả các hộ trồng nhiều năm rồi nhưng hiệu quả không cao.

Bài, ảnh: THU HUYỀN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN