Bưởi da xanh là một trong những loại nông sản thích ứng biến đổi khí hậu và có thị trường đầu ra tương đối ổn định. Ảnh: Thu Hiền
Khuyến khích sản xuất theo chuỗi
Trước ảnh hưởng (BĐKH) ngày càng gay gắt, nhiều hộ dân ở tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất nhằm thích ứng với điều kiện ngày càng khắc nghiệt của khí hậu. Tuy nhiên, tỉnh xác định khuyến khích người dân cùng liên kết sản xuất thay vì sản xuất tự phát, riêng lẻ như trước kia.
Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 1 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phù hợp với điều kiện BĐKH hiện nay thì ở tỉnh nổi lên 2 loại nông sản: dừa và bưởi da xanh, được đánh giá vừa có sức chống chịu với BĐKH, vừa có đầu ra ổn định.
Bến Tre được biết đến là vựa dừa của cả nước. Do đó, cây dừa được người dân lựa chọn để chuyển đổi vì có khả năng chống chịu hạn mặn. Theo anh Nguyễn Văn Hưng, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, thay vì chuyển đổi trồng dừa rồi đến lúc thu hoạch sẽ bán cho thương lái, anh Hưng đã chọn cách liên kết với công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Công ty cung cấp dừa giống, anh Hưng chỉ có việc trồng và chăm sóc, không lo lắng về đầu ra như trước kia.
Anh Hưng cho biết, hơn 8.000m2 đất của gia đình trước đây trồng lúa đều bị ảnh hưởng hạn mặn năm 2016. Vì thế, gia đình anh Hưng cải tạo đất, lên liếp trồng nhiều loại cây nhưng vẫn cho hiệu quả kinh tế thấp. Đầu năm 2019, anh Hưng mạnh dạn phá bỏ vườn cây tạp liên kết với Công ty TNHH dừa Ba Đốt (Châu Thành) trồng dừa xiêm đỏ Malaysia (dừa uống nước). Nguồn giống của công ty cung cấp. Sau khi cho trái công ty sẽ bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Theo ông Trần Văn Phong - Giám đốc Công ty TNHH dừa Ba Đốt, hiện công ty đã ký kết thu mua bao tiêu sản phẩm cho hơn 30ha dừa của người nông dân, thu mua các loại dừa dứa, dừa xiêm xanh, dừa xiêm đỏ để chế biến sản phẩm dừa nướng Ba Đốt. Ngoài ra, công ty còn ký kết với người nông dân trồng mới hơn 40ha.
Ông Trần Văn Phong cũng cho biết, khi ký kết trực tiếp với người nông dân, công ty sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm ổn định, an toàn cho người sử dụng. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục liên kết với người dân nhất là các vùng đất vừa chuyển đổi canh tác chuyển sang trồng dừa.
Bên cạnh cây dừa, cây bưởi da xanh cũng được người nông dân lựa chọn chuyển đổi vì cho năng suất cao, thu nhập khá. Anh Trần Văn Tâm, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre cho biết, qua 5 năm chuyển đổi 1ha đất vườn tạp sang trồng bưởi da xanh, đem lại nguồn thu mỗi năm khoảng 300 triệu đồng - mức thu nhập định cao và ổn định hơn trước.
Theo anh Tâm, sau khi chuyển sang trồng bưởi da xanh, anh tham gia tổ hợp tác của xã và được Công ty TNHH sản xuất thương mại Hương Miền Tây bao tiêu thu mua sản phẩm. Do đó, anh Tâm không bị thương lái thu mua ép giá. Bên cạnh đó, công ty này cũng tổ chức thu mua ổn định, giá trung bình cao hơn thương lái.
Anh Tâm chia sẻ, nếu khâu tiêu thụ sản phẩm ổn định, người nông dân sẽ tập trung vào chăm sóc cây để cho trái ngon, chất lượng đồng đều, nhất là trồng theo các quy trình sản xuất sạch, an toàn cho người sử dụng.
Tỉnh có trên 72.000ha dừa; trong đó, có hơn 20.000ha là trồng dừa xiêm xanh và hơn 8.000ha bưởi da xanh. Dừa xiêm xanh và bưởi da xanh đã có chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Do đó, đây là lợi thế sẵn có của tỉnh giúp đưa sản phẩm hai loại cây này đến với thị trường trong và ngoài nước.
Gắn với thị trường tiêu thụ
Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh dựa vào nền tảng cây trồng, vật nuôi hiện có ở tỉnh. Có những loại cây trồng, vật nuôi phải thay đổi để thích ứng với BĐKH nhưng cũng có những giải pháp để các loại cây trồng, vật nuôi ứng phó BĐKH.
Tỉnh xác định, không phải sản xuất chỉ "chạy" theo BĐKH mà bỏ qua yếu tố thị trường. Ngoài ra, Bến Tre không chuyển đổi mô hình đem lại hiệu riêng lẻ mà phải là những mô hình gắn với sản xuất có tổ chức, liên kết theo chuỗi đầu vào - đầu ra ổn định.
Ông Huỳnh Quang Đức cho rằng, ở tỉnh, mô hình sản xuất thích ứng BĐKH có hiệu quả là mô hình gắn với yếu tố thị trường và có tổ chức sản xuất liên kết. Mô hình phải chứng minh được khả năng nhân rộng.
Trong những thay đổi để phù hợp với điều kiện BĐKH thì tỉnh khuyến cáo người dân không sản xuất lúa vụ ba (làm hai vụ nhưng tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo thu nhập của người nông dân); làm lúa kết hợp với nuôi bò, nuôi dê...; đối với những vùng mặn trồng lúa kết hợp nuôi tôm, nuôi cá...
Đối với vùng ảnh hưởng mặn thất thường khiến cho trồng lúa kém hiệu quả thì chuyển từ cây lúa sang trồng các loại cây có hiệu quả hơn: cây dừa, cây ăn trái (bưởi da xanh có sức chống chịu với mặn và là cây đặc sản của tỉnh). Đó là cách mà tỉnh lựa chọn để ứng xử với cây lúa trước BĐKH.
Riêng vùng trồng và sản xuất cây giống, hoa kiểng (tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc) vẫn duy trì sản xuất nhưng cải tiến, nâng cao các hệ thống ngăn mặn, các giải pháp tích trữ nước ngọt, kiểm soát mặn.
Tỉnh cũng triển khai đa dạng hóa vật nuôi để phù hợp với điều kiện hiện nay. Thay vì chỉ tập trung vào đàn heo như trước thì vài năm gần đây, tỉnh tập trung phát triển thêm đàn bò, đàn dê kết hợp trồng cỏ chăn nuôi.
Đối với nuôi trồng thủy sản, cải tiến các mô hình nuôi để kiểm soát dịch bệnh trong BĐKH: nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm xen trong vườn dừa, ruộng lúa để tăng thu nhập cho người dân và giảm thiểu rủi ro do tác động của BĐKH.
Để tăng cường ứng phó BĐKH, tỉnh có chủ trương tập trung liên kết giữa người nông dân để có sự hợp tác trong tổ chức sản xuất, có thị trường tiêu thụ ổn định, giúp giảm thiểu những thiệt hại trong cộng đồng.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức đánh giá, việc tổ chức sản xuất liên kết hiện nay sức lan tỏa chưa nhiều nên ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu. Do nền tảng sản xuất ở Bến Tre quy mô nhỏ, sản xuất riêng lẻ nên tổ chức sản xuất theo chuỗi chưa đạt hiệu quả.
Theo ông Huỳnh Quang Đức để sản xuất phù hợp với điều kiện BĐKH nhưng vẫn đáp ứng được yếu tố thị trường thì quan trọng nhất là khâu tổ chức sản xuất và chuyển giao kỹ thuật.
Thời gian tới, ngoài tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cả cộng đồng, đặc biệt là nông dân và doanh nghiệp cùng chung tay hợp tác, chia sẻ để sản xuất liên kết, quy hoạch vùng, tiêu thụ hàng hóa. Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật, làm tư vấn kỹ thuật sát với người dân để họ nhanh chóng chuyển đổi và ứng dụng có hiệu quả.
“Hiện nay, người dân trong tỉnh đã nhận thức được hiệu quả của sự liên kết trong sản xuất, nên từng bước chuyển đổi cây trồng phù hợp theo yêu cầu của thị trường. Người dân cũng chủ động liên kết trong sản xuất bằng cách tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra sản phẩm. Điều đó đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong sản xuất và thích ứng với BĐKH trong thời điểm hiện nay”.
(Ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh)
|
Thu Hiền - Phúc Hậu