Chuyện về đồng chí Lê Thị Thanh Liêm: Chiến đấu kiên cường trong hai đoàn quân

16/04/2025 - 05:21

BDK - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, thật vinh dự và tự hào khi được gặp chị, chị Lê Tiến (Lê Thị Thanh Liêm). Chị không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn là người tham gia đấu tranh chính trị trong “Đội quân tóc dài” huyền thoại và cùng với Lực lượng vũ trang huyện Chợ Lách, huyện Mỏ Cày Bắc chiến đấu kiên cường, tiếp quản, san bằng các đồn bót của địch, giải phóng hoàn toàn các địa phương trong tỉnh và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đúng vào ngày 30-4-1975.

 Đồng chí Lê Thị Thanh Liêm (Lê Tiến). Ảnh: K. Loan

Tham gia trong “Đội quân tóc dài”

Ở tuổi 80, sức khỏe tuy đã giảm, không còn nhanh nhẹn như thuở thanh xuân, song trí nhớ của chị rất tuyệt vời, nhất là những dấu mốc quan trọng của đời mình. Dù đã qua nửa thế kỷ, chị đã chuyển ngành công tác ở lĩnh vực dân chính đảng, giữ nhiều trọng trách quan trọng của tỉnh, song chị không thể nào quên những tháng năm hào hùng, anh dũng chiến đấu của mình và đồng đội, những đơn vị nơi mình công tác.

Chị Lê Thị Thanh Liêm (Lê Tiến), nhớ như in trước mấy hôm diễn ra Đồng khởi chị được anh Chiến Thắng - Bí thư Chi đoàn mời đến nhà cậu Năm Diệt Thù học Điều lệ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và giao chị một số nhiệm vụ như tuyên truyền tổ chức, huấn luyện đấu tranh, nguyên tắc bí mật và bảo vệ cán bộ nằm vùng, tham gia in ấn tài liệu, truyền đơn, may cờ Mặt trận và đánh trống, mỏ, rải truyền đơn khi có lệnh... Rồi đến đêm 17-1-1960, bỗng trống, mõ nổi lên vang trời, cùng tiếng la ó dậy cả xóm, nhớ lại lời dặn mấy hôm trước của anh Bảy Tiến, chị mang cái mâm thau, cái thùng thiếc tưới cây và cái chài đâm tiêu đánh liên tục mà trong lòng thấy vui mừng, phấn khởi lạ kỳ (vì nguyên tắc bí mật nên sau đó chị mới biết là cuộc Đồng khởi của nhân dân 3 xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp - Mỏ Cày nổi dậy diệt ác phá kềm). Sau Đồng khởi, ngày 26-3-1960, chị vinh dự được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, khi ấy chị vừa bước sang tuổi 15, được giao nhiệm vụ giao liên vừa là Tiểu đội trưởng nữ tự vệ ấp, với nhiệm vụ bảo vệ cán bộ và các cuộc họp của chi bộ, in ấn tài liệu, truyền đơn đồng thời phụ trách 7 thanh niên trong xóm (đều lớn tuổi hơn chị) và phụ trách cả Đội Thiếu niên Tiền phong và Đội Nhi đồng của ấp.

Sau 3 tháng Đồng khởi, để đối phó với phong trào cách mạng, địch tăng cường huy động lực lượng đưa trên 10 ngàn quân gồm thủy quân lục chiến, bảo an, xe quân sự, tàu chiến, pháo binh về càn quét 3 xã Đồng khởi, chúng dã man bắn giết, hãm hiếp, bắt giam tra tấn đồng bào, người già, phụ nữ và trẻ em vô tội… Để ngăn chặn tội ác của kẻ thù, Tỉnh ủy đã có chủ trương lãnh đạo quần chúng đứng lên biểu tình, đấu tranh trực diện với Mỹ - ngụy, đó cũng là hình thức đấu tranh chính trị, phương châm “Hai chân, ba mũi” trong phong trào Đồng khởi. Bà con dùng xuồng ghe chở trẻ em, người già và cả heo, gà, vịt… tản cư ngược lên thị trấn Mỏ Cày để trực tiếp gặp tên quận trưởng đưa đơn tố cáo hành động dã man của bọn Mỹ - ngụy. Lúc này, chị được đồng chí Ba Chấn (phụ trách các xã Hưng Khánh Trung, Phước Mỹ Trung, Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn) vận động lực lượng để hưởng ứng cuộc đấu tranh quy mô chưa từng có từ trước đến giờ và phân công chị làm Tổ trưởng Tổ xung kích đi đầu trong các cuộc đấu tranh trực diện với chính quyền địch và trong những ngày tản cư ngược. Chị cùng dì Tư Tới cầm băng-rôn dẫn đầu đoàn biểu tình hơn 300 lực lượng kéo lên xã Hưng Khánh Trung và tiến về quận Mỏ Cày hòa vào lực lượng các xã trương băng-rôn, khẩu hiệu, trống, mõ đòi địch bồi thường, rút quân, chống khủng bố, bắn giết người vô tội, không được cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ… Cuộc đấu tranh của hơn 10 ngàn lực lượng đa phần là phụ nữ kéo dài suốt 12 ngày đêm, buộc địch phải rút quân và giải quyết một số yêu cầu của đồng bào.

Hòa trong đội quân vũ trang chiến đấu

Thấy sự nhanh nhẹn, gan dạ, dũng cảm trong những năm tháng đấu tranh chính trị cùng “Đội quân tóc dài”, tổ chức cử chị đi học lớp Thanh vận của huyện. Khi về địa phương, chị tích cực tham gia các hoạt động phong trào, cùng với lực lượng thanh niên và đội nữ vũ trang phá đường, cắt giao thông địch, làm hầm chông, gài lựu đạn, nuôi ong vò vẽ để chiến đấu bảo vệ làng xóm. Chị nhớ như in trận gài mìn đánh địch đầu tiên vào tháng 7-1960, khi biết tin địch sẽ đi càn từ hướng sân banh Ba Vát lên ấp Gia Phước, chị chọn ổ chiến đấu cách nhà mình khoảng 30m, gài lựu đạn cá mòi, chông bàn, rút chốt lựu đạn sẵn quấn dây gắn vào bảng “tử địa”, nếu địch thấy bảng này sẽ gỡ và lựu đạn nổ ngay, đồng thời chị rút chốt nắp hầm chông tự động và ngụy trang tổ ong vò vẽ xong chạy một mạch về nhà thay quần áo ngồi sàn gạo, theo dõi địch, một tốp lính khoảng chục tên tiến về ổ chiến đấu, tiếng lựu đạn nổ vang, tiếng la hét thất thanh cùng tiếng súng tiểu liên của địch, chị quấn vội chiếc khăn bàn lông trắng đi sang vườn cậu Tám thấy 2 tên địch chết tại chỗ, 4 tên sập hầm chông, một số tên bị thương. Đây là lần đầu tiên chị lập được chiến công.

Sau chiến công ấy, ngày 9-8-1962, chị vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam khi mới 16 tuổi. Chị được tổ chức phân công làm Phó bí thư Chi đoàn, Thư ký Chi hội Thanh niên giải phóng kiêm Xã đội phó trực tiếp phụ trách Tiểu đội nữ kích xã Hưng Khánh Trung. Nhiệm vụ nào chị cũng hoàn thành tốt, được cấp trên tin tưởng và đánh giá cao, tổ chức đưa chị đi học Trường Đoàn Bùi Ngọc Nghi và dự kiến điều chị về Huyện đoàn, nhưng Huyện đội không đồng ý vì chị rất có kinh nghiệm trong đấu tranh chính trị cũng như trong vũ trang chiến đấu nên tháng 9-1963 quyết định điều chị về công tác tại Huyện đội Mỏ Cày, làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ vũ trang huyện. Đây là Tiểu đội nữ vũ trang đầu tiên của tỉnh gồm 11 đồng chí được thành lập tại xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày và cũng trong ngày nhận nhiệm vụ mới chị được đặt bí danh là Lê Tiến, được tham gia chiến đấu nhiều trận đánh lớn nhỏ như trận đánh đồn Cây Gõ, An Thới, An Định…

Tháng 10-1964, chị được phân công về Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Chợ Lách, giữ chức vụ Tổ phó Tổ Dân quân huyện, phối hợp với các địa phương xây dựng lực lượng tại chỗ, tạo địa bàn đứng chân cho lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang.

Năm 1967, Huyện ủy động viên một cán bộ bám trụ vùng yếu, xây dựng cơ sở chuẩn cho Tổng tấn công Xuân Mậu Thân, chị và một số đồng chí được phân công về thị trấn Chợ Lách, chị được phân công làm Phó bí thư chi bộ, Đội trưởng Đội Biệt động thị trấn. Chị nhớ nhất là ngày 1-2-1968, lực lượng đặc công và du kích xã Sơn Định phối hợp với cơ sở nội tuyến đánh đồn Cái Mít, chớp thời cơ, đội biệt động hình thành ba mũi giáp công bao vây tiến công đồn Bò Cạp (ấp Phụng Châu), lực lượng ta nổ súng đe dọa, sau đó vận động quần chúng quanh đồn cùng với gia đình binh sĩ phát loa đấu tranh buộc tên trưởng đồn ác ôn Hai Ngàn phải đầu hàng.

Sau đó tiếp tục bao vây chi khu Chợ Lách và các đồn xung quanh thị trấn, góp phần giành thắng lợi to lớn trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại địa bàn huyện Chợ Lách.

  Tháng 3-1969, chị được bổ nhiệm làm Chỉ huy phó Ban CHQS huyện phụ trách Dân quân và tiếp tục cùng các đồng chí trong Ban CHQS huyện sát cánh cùng nhân dân chiến đấu chống kẻ thù trong lúc tình hình vô cùng khó khăn, ác liệt, địch bình định cấp tốc và sử dụng chiêu bài Việt Nam hóa chiến tranh, tăng cường đưa quân càn quét, bắn phá địa bàn.

Đến tháng 8-1970, chị được trên điều động trở lại Ban CHQS Mỏ Cày Bắc (đã tách huyện Mỏ Cày thành Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc). Với trách nhiệm là Huyện đội phó phụ trách Quân sự, chị luôn cùng trinh sát theo dõi tình hình kịp thời báo cáo với Ban Chỉ huy triển khai phương án tác chiến; phối hợp với các đơn vị vũ trang của tỉnh đánh địch hành quân càn quét vào căn cứ của Huyện ủy, Quân y tỉnh, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 560, Đặc công E…

Chị bồi hồi nhớ lại: Những ngày Huyện đội đóng quân ở Thành An rất khó khăn, địch ruồng bố, ta không ra ngoài mua lương thực, thực phẩm, thuốc men được, không còn đường tiếp tế, bộ đội phải ăn khoai, ăn chuối, rau rừng thay cơm, hôm nào đi bắt được con cá, con tôm đều nhường cho Quân y nấu cháo cho thương binh. Nhưng nhờ làm tốt công tác phối hợp, Huyện đội đã liên lạc được với Ban Chỉ huy Y4 (Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) được các anh chia sẻ giúp đỡ lương thực, thuốc men, đạn dược…). Mặt khác, chị nhờ giao liên liên hệ với người dì ruột ở Tân Phú (Châu Thành Tây) hỗ trợ được một số tiền mặt và vàng về bán mua lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị cho thương binh, nhờ vậy mà các đơn vị đóng quân ở Thành An vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.

Từ những khó khăn, vất vả trong đơn vị và tội ác dã man của kẻ thù gây ra đối với cha mẹ, dì và bà con nhân dân đã hun đúc tinh thần, ý chí chiến đấu, lòng căm thù giặc sâu sắc trong chị, chị càng quyết tâm tiêu diệt bọn Mỹ - ngụy càng sớm, càng tốt, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Thời cơ đã đến, theo kế hoạch của trên, các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, đảm bảo mọi điều kiện để phối hợp đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ban CHQS huyện Mỏ Cày Bắc được giao nhiệm vụ chỉ huy cắt giao thông tuyến lộ 57 và chuẩn bị tấn công các đồn cánh B gồm Khánh Thạnh Tân, Hưng Khánh Trung, Tân Thanh Tây, Nhuận Phú Tân, Tân Bình, Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa. Chị được Ban Chỉ huy giao nhiệm vụ đánh đồn Cây Còng, Cây Da, cắt giao thông cầu Hòa Khánh, cầu Cây Da, cầu Cống Ông Bùi. Trong lúc này, các đơn vị chủ lực đã rút về tỉnh để chuẩn bị đánh vào các trung tâm, chi khu lớn và sân bay Tân Thành, tại Mỏ Cày Bắc chỉ còn lại 2 tổ Đặc công, 1 Trung đội du kích liên quân và du kích ở các xã nhưng các đơn vị phối hợp rất nhịp nhàng, phân công lực lượng cắt giao thông từng khu vực, các cầu kịp thời.

Ngày 28-4-1975, mọi công tác chuẩn bị đã xong, chỉ chờ giờ G là đồng loạt nổ súng tiến công san bằng đồn bót địch, đánh chặn địch đưa quân tiếp viện. Ngày N (30-4), các đơn vị đã đồng loạt nổi dậy nổ súng bức rút đồn Cây Còng, đồn Cây Trâm; một mặt kết hợp tuyên truyền, vận động gia đình binh lính kêu gọi chồng con buông súng đầu hàng, giao nộp vũ khí. Khi chị mở chiếc radio mang bên mình (của dì Năm Hạnh tặng) để theo dõi tin tức thời sự thì được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chị vận động hơn 200 quần chúng cùng thân nhân gia đình binh lính kéo vào Phân chi khu Sở Tề ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung kêu gọi buộc 50 tên địch đầu hàng, nhưng chúng kiên quyết chống cự. Nhờ có kinh nghiệm khi tham gia đấu tranh chính trị trong “Đội quân tóc dài”, chị đã vận động thuyết phục và thông báo “Chính quyền tay sai Mỹ - ngụy đã đầu hàng quân giải phóng, một số đồn bót trong tỉnh đã buông súng đầu hàng, anh em hãy buông súng quay về với chính nghĩa, cách mạng sẽ khoan hồng”, cuối cùng tên cảnh sát Hưởng khét tiếng ác ôn và bọn lính đã buông súng đầu hàng vô điều kiện, ta thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng và bảo toàn được lực lượng. Hạ được Phân chi khu Phú Long, lực lượng kéo lên đánh vào Yếu khu Vĩnh Thành, đồn Cây Còng, đồn Cây Da… mà không tốn 1 viên đạn.

Thật vinh dự và tự hào, thật hạnh phúc khi chị được có mặt trong hai đội quân góp phần làm nên những thời khắc lịch sử hào hùng của quê hương và dân tộc, đó là tham gia đấu tranh chính trị trong “Đội quân tóc dài” huyền thoại và cùng với Lực lượng vũ trang huyện Chợ Lách, huyện Mỏ Cày Bắc chiến đấu kiên cường, tiếp quản, san bằng các đồn bót của địch, giải phóng hoàn toàn các địa phương trong tỉnh và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đúng vào ngày 30-4-1975.

Kim Loan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN