|
Phía trước cổng chính chùa Vạn Linh. |
Chùa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, là một trong những biểu tượng đặc trưng của văn hóa tín ngưỡng phương Đông; miếu tuy không thuộc một trường phái nhất định nào nhưng chức năng trọng tâm của miếu cũng không ngoài mục đích thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng – tâm linh cho một bộ phận dân cư. Thông qua các ngày lễ hội của chùa và miếu đã làm cho mọi người gần nhau hơn, như sợi dây vô hình ràng buộc giữa cá nhân với cộng đồng, tạo nên sự đoàn kết gắn bó lẫn nhau. Vậy nhưng, có điều đáng tiếc xảy ra là giữa miếu Bà và chùa Vạn Linh (ở ấp Bờ Bàu, xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri) phát sinh mâu thuẫn từ năm 2008 đến nay, đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương và nét đẹp văn hóa nơi thờ tự.
Đôi nét về Chùa Vạn Linh
Chùa Vạn Linh được hình thành từ miếu Bà Vạn Linh. Miếu Bà Vạn Linh do người dân địa phương (trên 100 người) xây dựng, lập nên vào năm 1940, trong đó có 5 ông: Trần Hữu Chữ, Trần Văn Theo, Ngô Văn Thúng, Nguyễn Văn Bé và Lê Văn Cối (hiện đã mất) biết chữ nho, đại diện người dân liên hệ, lo các thủ tục pháp lý với chính quyền lúc bấy giờ nên được bà con tôn trọng, lập linh vị để thờ khi đã mất.
Năm 1973, do nhu cầu muốn có chùa để cho một số thanh niên địa phương vào tu, trốn lính chế độ cũ, Ban Hội miếu và bà con xung quanh đã hiến miếu cho Giáo hội Phật giáo thống nhất (trước giải phóng) và chuyển từ miếu Bà thành chùa, đặt tên là Vạn Linh tự. Từ đó, chùa Vạn Linh tồn tại với hai hình thức sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo: đến ngày cúng miếu thì tổ chức cúng mặn theo tín ngưỡng dân gian, có rượu thịt, trống nhạc và múa mâm vàng; đến ngày sóc, ngày vọng thì tổ chức cúng chay theo nghi thức của đạo Phật. Ban Hộ tự chùa đứng ra tổ chức và quản lý thùng tam bảo cả chùa và miếu.
Năm 2003, được sự chấp thuận của UBND xã Mỹ Chánh, chùa Vạn Linh bầu lại Ban Hộ tự gồm 6 người, do ông Lê Quang Các (đảng viên, nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh) làm Trưởng ban. Đến năm 2007, nhận thấy chùa cần có người hướng dẫn tín đồ, phật tử trong hoạt động phật sự nên ông Các đại diện Ban Hộ tự làm đơn gửi chính quyền các cấp xin bổ nhiệm sư cô Thích nữ Xương Thành làm trụ trì chùa Vạn Linh (trước đó ông Các có hội ý với phật tử địa phương xin rước sư cô Xương Thành và sư cô Huệ Hòa về lo việc hương đăng).
Được sự chấp thuận của UBND huyện Ba Tri, ngày 10-3-2008, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh có Quyết định số 06/QĐ-BTS bổ nhiệm sư cô Thích nữ Xương Thành làm trụ trì và tuyên bố giải nhiệm Ban Hộ tự. Từ đây phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp về quyền tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian giữa một bên là tín ngưỡng thờ Bà, một bên là tín ngưỡng theo đạo Phật.
Phía sau chùa Vạn Linh là miếu Bà Vạn Linh.
Qua 70 năm hình thành và phát triển, miếu Vạn Linh và chùa Vạn Linh không những là nơi có truyền thống cách mạng, từng che giấu cán bộ, mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Việc hình thành miếu rồi thành lập chùa đã được chính quyền địa phương quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân có nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Song, việc phát sinh mâu thuẫn giữa miếu và chùa về quyền tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động tín ngưỡng làm mất đoàn kết nội bộ là đi ngược lại với bản chất tốt đẹp vốn có của nơi thờ tự và sinh hoạt tâm linh của một bộ phận dân cư…
Mâu thuẫn âm ỉ và gay gắt, ngay khi có sự can thiệp của chính quyền
Khi chùa Vạn Linh được bổ nhiệm trụ trì, theo nội quy tăng sự thì mọi việc ở đây đều do trụ trì chùa quyết định, đặc biệt là việc quản lý, thu – chi tiền bạc do người dân cúng chùa và cúng miếu hàng năm đều do trụ trì chùa đảm trách.
Do mất đi quyền quản lý, tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng, ngày 9-4-2008, ông Lê Quang Các đã làm đơn gửi chính quyền các cấp xin thành lập Ban Hội miếu do ông Các làm Trưởng ban; tuy nhiên, UBND, UBMTTQ Việt Nam xã Mỹ Chánh không công nhận Ban Hội miếu này. Song song đó, sư cô Xương Thành đã tổ chức cuộc họp với một số thành viên trong Ban Hội miếu (dự kiến sẽ thành lập) cùng phật tử chùa, nội dung là không chấp nhận Ban Hội miếu và yêu cầu thực hiện theo nề nếp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng phía Ban Hội miếu phản ứng, cuối cùng hai bên đi đến thống nhất chùa – miếu cúng chung, không có thư ký ghi tiền, chỉ để thùng tam bảo, ngày lễ cúng vía Bà vào 23 và 24-4 (âl).
Vào tháng 8-2008, sư cô Xương Thành đã dời Tờ Cử ghi công 5 vị tiền bối từ miếu sang chùa để cúng giỗ và cầu siêu hàng năm. Sau đó, chùa đã cho đập bỏ bệ thờ các vị tiền bối; mặt khác, cho việc thờ các tượng ông Tiêu, Hộ Pháp, Phật Tổ phía miếu là không đúng theo hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên sư cô Xương Thành có liên hệ với những cơ sở thờ tự ngoài địa phương để hiến tặng. Ngoài ra, sư cô Xương Thành đã san lấp ao sen (di tích của miếu) và đập sửa lại cổng chùa nên mâu thuẫn ngày càng thêm trầm trọng.
Theo ý kiến của một số thành viên trong Ban Hội miếu cũ thì việc trùng tu như thế sẽ làm thay đổi kiến trúc, di tích của miếu nên một số người tín ngưỡng dân gian có đơn nhờ chính quyền can thiệp, yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu cho miếu Bà, không được xóa di tích của miếu…
Tháng 12-2009, Ban Hội miếu và 70 người dân ấp Bờ Bàu đồng đứng đơn khiếu nại về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa Vạn Linh (trước đó khoảng 2 tháng, sư cô Xương Thành, sư cô Huệ Hòa và tín đồ phật tử làm đơn đề nghị và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 3.000m2, trong đó có phần đất đã xây dựng miếu Bà). Việc khiếu nại tuy đã được UBND, MTTQ xã Mỹ Chánh tổ chức giáo dục, vận động, đối thoại nhiều lần đối với các đối tượng trên nhưng không đạt kết quả, thậm chí một số người đứng đơn khiếu kiện còn đến chiếm giữ phần miếu, tát, nạo vét lại ao sen, dời Tờ Cử của 5 vị tiền bối từ chùa xuống miếu, xây lại các bệ thờ.
Trong thời gian này, sư cô Xương Thành và phật tử có làm đơn gửi đến các cấp chính quyền yêu cầu giải quyết việc gây mất an ninh trật tự tại khu vực chùa. Việc tranh chấp giữa miếu và chùa chưa được giải quyết ráo rẻ, và những người thờ cúng miếu tập trung chiếm giữ chùa, tấn cửa sau phòng nghỉ của hai sư cô, làm hạn chế việc đi lại, cúng kính. Không dừng lại ở đó, một số đối tượng quá khích có những hành động gây mất an ninh trật tự tại khu vực chùa.
Theo báo cáo của Công an huyện Ba Tri, vụ việc này được các tổ công tác của huyện, tỉnh tổ chức tiếp xúc, vận động một số đối tượng quá khích; vận động đại diện phía chùa và miếu cùng ngồi lại đối thoại, tìm giải pháp hữu hiệu giải quyết mâu thuẫn. Ngày 15-5-2010, đoàn công tác huyện, do Chủ tịch UBND huyện Ba Tri – Nguyễn Thanh Hồng làm trưởng đoàn, cùng Tổ công tác tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể xã Mỹ Chánh tổ chức đối thoại giữa miếu và chùa. Song, cuộc đối thoại này không mang lại kết quả khả quan; đại diện phía miếu không đồng ý ký tên vào biên bản, mặt khác còn huy động đông người tiến hành chiếm giữ toàn bộ khu vực chùa, đóng cửa chính không cho hai sư cô vào.
Trước tình hình đó, lực lượng chức năng của huyện, xã thực hiện công tác vận động, giải tán số người cản trở, chiếm giữ chùa để hai sư cô trở về chùa. Tuy nhiên, số người này cản trở quyết liệt. Công an huyện đã bắt hai đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ và lập biên bản một số đối tượng khác có hành vi gây mất an ninh trật tự.
Trao đổi về việc mâu thuẫn giữa chùa và miếu, ông Nguyễn Ngọc Sia – Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Mỹ Chánh, cho biết: Từ năm 2008 đến nay, MTTQ Việt Nam xã đã phối hợp cùng với chính quyền, đoàn thể tổ chức họp bà con lại để giải thích sự việc, tổng cộng 24 cuộc, nhưng tình hình tranh chấp vẫn còn âm ỉ, có lúc gay gắt. Thậm chí, một số người có hành động quá khích, làm mất trật tự nơi thờ tự.
Đi tìm một tiếng nói chung
Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh – Lê Văn Tư cho biết: Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh đang phối hợp cùng UBND huyện Ba Tri tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết ráo rẻ mâu thuẫn giữa miếu và chùa. Việc này đòi hỏi có sự tham gia nhiệt tình của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ban Hộ tự cũ và một số vị có công lập miếu, để đi đến thống nhất mọi việc, chỉ ra phương án giải quyết tốt nhất những mâu thuẫn đáng tiếc trong thời gian qua.
Dân gian có câu: “Dĩ hòa vi quý”, thiết tưởng, bên miếu Bà và chùa Vạn Linh hãy cùng ngồi lại để giải quyết mâu thuẫn cho thấu tình đạt lý và tìm ra tiếng nói chung, cùng chăm lo cơ sở thờ tự để mọi người xem đây là nơi nương tựa, xây dựng niềm tin vào một cuộc sống an lành, hạnh phúc.