Chuyển đổi thành công chất liệu tượng đài Đồng Khởi

21/04/2023 - 09:53

BDK - Đến nay, tượng đài “Mẹ Bến Tre” và cụm tượng “Nhân dân Bến Tre” thuộc quần thể tượng đài Đồng Khởi đã hoàn thành việc chuyển đổi chất liệu từ bê-tông cốt thép sang đá granit, đảm bảo tính thẩm mỹ và hình mẫu gốc trước nay. Tại cuộc họp hội đồng nghệ thuật (HĐNT) cấp tỉnh, các thành viên HĐNT đã có những đánh giá sát sao về quá trình chuyển đổi chất liệu tượng đài.

Tượng đài Đồng Khởi đã được chuyển đổi chất liệu bê-tông cốt thép sang đá granit tự nhiên.

Thi công đúng quy trình

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), công trình tượng đài Đồng Khởi được khởi công xây dựng và hoàn thành (1994 - 1995) nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, với chất liệu thi công bê-tông cốt thép. Sau 27 năm, đến nay, phần tượng Mẹ Bến Tre và nhóm tượng Nhân dân Bến Tre bị xuống cấp, nhiều lần phải đắp vữa, tô xi-măng và sơn lại do lâu ngày thép bên trong bị rỉ sét nổ ra bên ngoài, ảnh hưởng đến mỹ quan của tượng đài.

Dự án Nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài Đồng Khởi Bến Tre đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2425/QĐ-UBND ngày 31-10-2019 với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án theo Quyết định số 2694/QĐ-UBND vào ngày 5-12-2019.

 Sở VHTT&DL đã thực hiện các bước triển khai dự án theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sở phối hợp với Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ VHTT&DL xin ý kiến nhân sự tham mưu UBND tỉnh thành lập HĐNT công trình theo Quyết định số 346/QĐ-UBND ngày 21-2-2022.

Trước khi hoàn thiện, HĐNT của tỉnh đã có đến trực tiếp nơi thi công tượng ở Ninh Bình để nghiệm thu đá và nghiệm thu bước 1 với đơn vị tạo hình trên chất liệu đá. Theo đánh giá của HĐNT, sau khi tiếp thu và hoàn chỉnh theo góp ý của hội đồng, tiến độ vận chuyển tượng về Bến Tre và lắp đặt công trình trùng khớp với kế hoạch chung. Trong quá trình lắp đặt, các tác giả trong nhóm tác giả của tượng đài Đồng Khởi là nhà điêu khắc Trần Thị Chúc, kiến trúc sư Đoàn Thiên Lương đã thường xuyên túc trực tại công trường để theo dõi, góp ý, điều chỉnh kịp thời. Quá trình vận chuyển, lắp đặt diễn ra an toàn.

Thể hiện ý nghĩa nhân vật tượng

Việc chuyển đổi chất liệu chỉ thực hiện với tượng Mẹ Bến Tre và cụm tượng Nhân dân Bến Tre, còn phần biểu tượng lá dừa cách điệu và mảng phù điêu vẫn được giữ nguyên như trước, chỉ vệ sinh, tu bổ nhẹ. Quần thể tượng mới được chuyển sang chất liệu đá granit, giữ nguyên tạo hình và kích thước ban đầu, chỉ có thay đổi màu sắc từ màu sơn trắng (đối với tượng Mẹ Bến Tre) và màu sơn đỏ gạch (đối với cụm tượng Nhân dân Bến Tre) sang màu sắc xám trắng của đá granit tự nhiên.

Hình tượng Mẹ Bến Tre của “Đội quân tóc dài” anh hùng được lấy làm tượng chính trong quần thể tượng đài Đồng Khởi. Tượng bà mẹ cao 7,3m, với tư thế tiến lên, tay cầm ngọn đuốc lá dừa giơ cao soi đường, tay vẫy về phía sau như phát hiệu lệnh tiến lên. Nhóm tượng 5 người cao 4,5m thể hiện nội dung các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến, từ cụ già đến em nhỏ, người sống và người chết cùng nhau ra trận.

Là một trong các thành viên của HĐNT tỉnh thẩm định công trình tượng đài Đồng Khởi, họa sĩ Trường Chăm nhận xét: “Thành công của việc chuyển chất liệu sang đá granit là công trình đạt độ hài hòa, tương phản thuận. Với chất liệu bê-tông cốt thép trước đây, chúng ta áp dụng kỹ thuật đổ đúc nên tượng có độ thô, nhám. Đến khi chuyển sang chất liệu đá thì đạt được sự trơn, bén, tạo được mảng khối rõ ràng, kết hợp với ánh sáng tự nhiên làm nổi bật đường nét, hình khối của tượng. Qua đó, góp phần làm tăng giá trị của quần thể tượng đài. Một số ý kiến công chúng khi đến xem quá trình lắp ráp tượng phản ánh cho thấy chi tiết đôi mắt các nhân vật rất có hồn, như vậy kỹ thuật tạc tượng trên đá granit đã giúp thể hiện thành công tính chất, tình cảm của các nhân vật. Từ ông lão đánh mõ, anh bộ đội, người mẹ ôm xác con hay em bé ôm bó chông và nhất là bà Mẹ Bến Tre đều toát lên tinh thần Đồng khởi”.

Một trong các tác giả của tượng đài Đồng Khởi, họa sĩ Lê Dân cho biết: “Theo tôi nhận xét và dư luận người dân trong những ngày lắp đặt vừa qua thì người dân phản hồi rất tốt, sử dụng chất liệu đá granit thể hiện được tinh thần Đồng khởi vững chãi, mạnh mẽ. Công trình mới hoàn thành có màu đá đẹp, đạt về chất lượng nghệ thuật. Cá nhân là một trong các tác giả của tượng đài Đồng Khởi, tôi rất vui mừng khi công trình mới hoàn thành”.

Cùng với những nhận xét, đánh giá tích cực đối với công trình, ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh (thành viên HĐNT tỉnh) cũng có góp ý, đề nghị bổ sung phần thông tin về nhóm tác giả, cố vấn thiết kế công trình và thông tin cụm tượng đài tại điểm công trình để nhân dân biết rõ về giá trị của tượng đài Đồng Khởi.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất tỉnh xem xét có phương án tiếp tục chuyển chất liệu cho phần phù điêu còn lại trong quần thể tượng hiện đang xuống cấp để có sự đồng bộ về thẩm mỹ và chất lượng cho toàn bộ công trình. Về nội dung này, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười thì HĐNT ghi nhận ý kiến. Hiện sẽ triển khai chỉnh sửa tu bổ phù điêu, về việc chuyển chất liệu tỉnh sẽ xem xét để có kế hoạch trong thời gian tới.

“HĐNT tỉnh vừa tiến hành họp, nghiệm thu hoàn thành tượng “Mẹ Bến Tre” và cụm tượng “Nhân dân Bến Tre” thuộc công trình Nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài Đồng Khởi Bến Tre. Việc chuyển đổi chất liệu của tượng đài Đồng Khởi đã hoàn thành, HĐNT của tỉnh đánh giá cao việc chuyển đổi này đã nâng giá trị cũng như ý nghĩa của tượng đài. Đối với các hạng mục còn lại như bức phù điêu, tàu dừa cách điệu hiện đang xuống cấp, chưa tương đồng chất liệu nên chưa đồng bộ trong bối cảnh chung. Chúng tôi sẽ trình cấp có thẩm quyền, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét có kế hoạch nâng chất cho đồng bộ. Đồng thời, cũng thực hiện các hạng mục thêm như hoa kiểng, chiếu sáng để hoàn thiện không gian, tạo điểm nhấn tương xứng cho công trình tượng đài ý nghĩa của tỉnh”.

(Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Bàn)

Bài, ảnh: T. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN