10/12/2021 - 15:09
 

Đối với chính quyền số, ứng dụng công nghệ số và dữ liệu gắn liền với việc nâng cao được hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Thời gian qua, kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 rất khả quan. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành giai đoạn 1, cung cấp các thủ tục hành chính (TTHC) thành DVCTT mức độ 3, 4 trên Cổng DVCTT của tỉnh (https://dichvucong.bentre.gov.vn) và tiếp tục thực hiện giai đoạn 2,  đề nghị tích hợp công khai các DVCTT cung cấp trên Cổng DVCTT của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công (DVC) Quốc gia.

Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Theo số liệu thống kê từ ngày 1-1 đến 15-11-2021, tổng số TTHC của tỉnh là 1.758 thủ tục, DVCTT của tỉnh đang cung cấp 1.403 DVCTT mức độ 3, 4 đạt 100% (đối với các TTHC đủ điều kiện), đạt 80% so với tổng số TTHC của tỉnh. Trong đó, DVCTT mức độ 4 là 1.180 dịch vụ. Số DVCTT mức độ 3, 4 tích hợp Cổng DVC Quốc gia là 949 DVCTT, đạt 68% so với các DVCTT mức độ 3, 4 đang cung cấp trên Cổng DVCTT của tỉnh. Số lượng DVCTT mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 591 dịch vụ, đạt 42%. Số hồ sơ được thực hiện qua DVCTT mức độ 3, 4 là 103.396 hồ sơ (trong đó mức độ 3 là 33.959 hồ sơ; mức độ 4 là 69.437 hồ sơ). Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 19-10-2021, Bến Tre là một trong 23 tỉnh của cả nước cung cấp 100% DVC đủ điều kiện mức độ 4.

Sử dụng chữ ký số tại cơ quan đoàn thể cấp tỉnh và tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đối với việc sử dụng chữ ký số, chứng thư số, hiện đã có 381 tổ chức, 710 cá nhân được cấp chứng thư số chuyên dùng; 138 cá nhân được cấp phôi SIM PKI có tích hợp chữ ký số để thực hiện ký số trên thiết bị di động. Hiện tại, các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được cấp chữ ký số và được hướng dẫn ký số vào văn bản điện tử. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của đơn vị hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 97% (cấp tỉnh 94,1%, cấp huyện 98,8%, cấp xã 98,9%).

Phòng điều khiển và giám sát hạ tầng đô thị thông minh tại trụ sở UBND TP. Bến Tre.

Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số 1.000 doanh nghiệp giai đoạn 2021  - 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - thay đổi nhỏ, lợi ích lớn” chính là cơ sở để tỉnh hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho 1.600 học viên của doanh nghiệp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, làm cơ sở hướng tới hỗ trợ chuyển đổi số 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ký kết các gói hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp.

 

Đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, mua hàng online.

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, một số ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch và sớm bắt tay vào triển khai tổ chức thực hiện, tiêu biểu như:

- Ngành y tế, phát triển nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử và đơn thuốc điện tử cho người dân, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp xúc bác sĩ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, các ứng dụng công nghệ số đã hỗ trợ toàn diện các khía cạnh phòng chống dịch từ khai báo y tế, truy vết, quản lý điểm đến, điểm đi, quản lý thông tin tiêm chủng vắc-xin…

Lực lượng chốt cầu Rạch Miễu kiểm tra tờ khai báo y tế qua mã QR Code và thanh niên huyện Châu Thành hỗ trợ cập nhật dữ liệu tiêm chủng.

- Ngành giáo dục - đào tạo, huy động nguồn lực trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu cuối đồng bộ đảm bảo việc quản lý, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ dạy và học trực tuyến; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển mạnh mẽ hệ thống thư viện điện tử, trung tâm học liệu, cơ sở lưu trữ... hướng đến hình thành thư viện số, trung tâm lưu trữ tài nguyên số kết nối hiệu quả trên nền tảng Internet. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; nhất là kỹ năng khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên mạng và các ứng dụng hỗ trợ việc dạy và học.

Học sinh học trực tuyến.

- Đối với du lịch, ngành chức năng cũng đang phối hợp với doanh nghiệp công nghệ xây dựng bản đồ du lịch số, thúc đẩy phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng các hệ thống giám sát an ninh, an toàn thông minh từ xa, trung tâm thông tin và điều hành du lịch tại tất cả các điểm đến du lịch; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch.

- Ngành nông nghiệp cũng triển khai chuyển đổi, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng hệ thống bản đồ số hóa vùng nuôi, vùng trồng gắn với tích hợp hệ thống cảm biến quan sát, giám sát, cảnh báo hiệu quả tình hình khí tượng thủy văn, mực nước, độ mặn... phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ số vào việc truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, truy vết sản phẩm trong nền kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển hệ thống thương mại điện tử; khuyến khích nông dân chuyển sang phương thức giao dịch điện tử không sử dụng tiền mặt.

 

Quét mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Giới thiệu mô hình Đô thị thông minh.

Để chuyển đổi số thành công, cần xác định rõ vai trò trung tâm của người dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hành động đồng bộ ở các cấp, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong bối cảnh chuyển đổi số cũng luôn được chú trọng và thực hiện đồng thời. Hướng đến hình thành văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa, giá trị đạo đức căn bản của con người và chủ quyền số quốc gia.