Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

09/08/2021 - 06:22

BDK - Thảm họa chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam vào ngày 10-8-1961 đã để lại di chứng thật nặng nề. Chiến tranh đã đi qua hơn 60 năm nhưng nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Bến Tre nói riêng hàng ngày vẫn phải đối mặt với nhiều bệnh tật hiểm nghèo. Di chứng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiều trẻ em bị dị dạng, dị tật. Có gần 20% sống đời sống thực vật. Nhiều người bệnh ung thư và các chứng bệnh hiểm nghèo liên quan đến chất độc da cam. Mỗi gia đình bị nhiễm chất độc da cam có một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều khó khăn về kinh tế, đau đớn, day dứt về tinh thần. Họ chưa có một ngày được hưởng hạnh phúc đúng nghĩa của một con người.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến (thứ sáu từ phải sang) trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Hoàng Vũ

Nhiều gương tỏa sáng

Bến Tre có 1.206 người bị nhiễm chất độc hóa học đã chết, còn sống là 13.370 người. Số người dị dạng, dị tật là con đẻ 5.232 người, trong đó có 72 gia đình có từ 2 - 3 người con bị nhiễm chất độc hóa học. Họ có hoàn cảnh rất thương tâm như: gia đình ông Nguyễn Văn Sáu, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, có đến 5 người con bị nhiễm chất độc hóa học. Ông Nguyễn Văn Hai, xã Định Trung, huyện Bình Đại, có 3/4 người con bị nhiễm chất độc hóa học. Ông Trương Văn Mén, ở xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, có 4 người bị nhiễm chất độc hóa học di truyền ba thế hệ F1, F2, F3 (cha, mẹ, cháu).

Trong gia đình có nhiều người bị nhiễm chất độc hóa học bị bệnh rất nặng, đa số nạn nhân sống đời sống thực vật, một người phải chăm sóc nhiều người, cuộc sống gia đình họ hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, có những gia đình chấp nhận và cam chịu, cũng có hàng trăm gia đình nạn nhân chất độc da cam vượt qua số phận nuôi con học hành thành đạt. Nếu như có sự quan tâm tiếp sức của xã hội thì các cháu có điều kiện học hành. Lớn lên, các cháu vào đời là những công dân có ích cho xã hội.

 Điển hình như em Trần Thanh Phong, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, hai chân khuyết tật, vận động khó khăn. Được sự hỗ trợ học bổng của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - bảo vệ quyền trẻ em tỉnh (hội), Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, Phong đã tốt nghiệp đại học, học tiếp cao học ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Cần Thơ. Hàng tuần, vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật, Phong vượt đoạn đường trên 120km từ Bến Tre đến Cần Thơ để học bằng xe máy của người khuyết tật. Năm 2020, Phong tốt nghiệp ra trường đi làm tại Khu công nghiệp Giao Long. Em tình nguyện làm giáo viên dạy vi tính miễn phí cho 76 em học lớp học tình thương của hội.

Em Lê Đức Lưu, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, hai bàn chân không ngón, hai bàn tay duy nhất chỉ có ngón áp út, đang học năm thứ 4 ngành Thú y Trường Đại học Cần Thơ. 4 năm học, em luôn đạt thành tích khá giỏi, được nhận học bổng của trường và học bổng của hội.

Thực tế có nhiều học sinh, sinh viên là con em của nạn nhân chất độc da cam được hội hỗ trợ học bổng học hành thành đạt. Cũng còn rất nhiều em có cuộc sống gia đình khó khăn, nhưng hội chưa có điều kiện với tới, các em rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng để thực hiện “ước mơ”.

tình cảm và trách nhiệm

Năm 2021 kỷ niệm 60 năm Ngày thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2021) là dịp để mọi người ghi nhớ, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với những người phải gánh chịu nhiều mất mát do chiến tranh để lại. Hội đã tổ chức hội nghị tổng kết phong trào hành động 10 năm thực hiện chính sách với nạn nhân chất độc da cam năm 2011 - 2021 thông qua các hoạt động: chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng. Hỗ trợ vốn sinh kế, hỗ trợ học bổng tiếp sức đến trường, học bổng ngăn dòng bỏ học, xây nhà tình thương, tình nghĩa. Hỗ trợ xe lăn, xe lắc giúp người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam làm phương tiện mưu sinh. Thăm viếng, tặng quà nhân ngày 10-8, Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam, ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam tại cộng đồng, trợ cấp thường xuyên hàng tháng đối tượng nạn nhân nghèo, bệnh tật nặng chưa được nhận trợ cấp của Nhà nước.

Năm 2021, chủ đề hoạt động của hội “Năm hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, kỷ niệm 60 năm Ngày thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2021).

Mười năm không phải là con số cộng lại theo thời gian ngắn hay dài của một tổ chức mà còn là chất lượng của ý chí, nhiệt huyết, nghĩa tình của toàn thể cán bộ, hội viên và tập thể lãnh đạo của hội. Càng hoạt động càng đi vào chiều sâu, lan tỏa đến mọi người, mọi lúc, mọi nơi, nhân văn và tràn đầy ý nghĩa. Hội đã góp phần với Đảng, Nhà nước thực hiện chính sách xã hội đối với những nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học, giúp đỡ họ dần có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng.

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động của hội rất khó khăn nhưng các cấp hội cố gắng khắc phục, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Ngày thảm họa da cam, xây nhà tình thương, tình nghĩa, hỗ trợ vốn sinh kế, trao học bổng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, với tổng số tiền 28,923 tỷ đồng, hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc vận động nguồn lực xã hội chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam, góp phần với Đảng, Nhà nước thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam”.

Lê Thị Thanh Vân

(Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - bảo vệ quyền trẻ em tỉnh)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN