Nâng cao ý thức học sinh trong tham gia giao thông, bài 2

Chung tay xây dựng văn hóa giao thông

12/04/2024 - 05:24

BDK - Nâng cao ý thức cho mọi người về tuân thủ pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cần được tiếp tục thực hiện với nhiều giải pháp. Đặc biệt, đối với học sinh (HS), việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức ATGT, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông lại càng rất quan trọng, không chỉ là trách nhiệm của riêng một cá nhân hay một cơ quan, tổ chức nào, mà cần sự chung tay trách nhiệm của cả hệ thống chính trị - xã hội.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Bến Tre) chấp hành quy định đội nón bảo hiểm khi đi xe đạp điện. Ảnh: P. Hân

Nhiều giải pháp tuyên truyền, ngăn chặn

Trước tình trạng HS vi phạm TTATGT, các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực, nhằm kéo giảm tai nạn như: Tổ chức các tổ tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các em sử dụng phương tiện không đúng quy định. Triển khai mô hình “Cổng trường ATGT”, tại các trường học, nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của HS. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, bảo đảm ATGT cho HS ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cụ thể, tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Châu Thành), Hiệu trưởng Phan Thị Thúy Hằng cho biết, sau vụ việc vi phạm về TTATGT của các em HS, nhà trường đã tiến hành gắn camera giám sát ở cổng trường, phối hợp với chính quyền địa phương cho các hộ giữ xe gần trường thực hiện cam kết không cho HS gửi xe trên 50 phân khối.

Tại các trường THPT khác, nhà trường cũng thông qua các công văn hướng dẫn, chỉ đạo của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật để hình thành văn hóa giao thông cho HS. Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Văn Cấn (Mỏ Cày Bắc) Phạm Thành Nhân cho biết: Nhà trường thường xuyên nhắc nhở, tập trung rà soát tình trạng HS sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi bằng cách cho HS khai báo phương tiện. Trường hợp đi học bằng xe gắn máy phải liệt kê bao nhiêu phân khối, địa chỉ gửi xe để trường nắm. Nhà trường sẽ liên hệ với phụ huynh đối với những trường hợp HS đi xe gắn máy không đúng quy định để nhắc nhở.

Để đảm bảo ATGT cho HS đến trường, các cơ sở giáo dục đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; hướng dẫn các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, HS và học viên. Đồng thời, quán triệt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, HS, học viên nghiêm túc thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, không điều khiển xe khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật và chưa có giấy phép lái xe... Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành hữu quan để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực hiện quy định về ATGT của cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS, sinh viên.

Từ góc độ tổ chức Đoàn thanh niên, thời gian qua cũng có các hoạt động liên quan dành cho đoàn viên, thanh niên, HS. Hàng năm, Đoàn các cấp tổ chức Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông. Qua đó, cung cấp kiến thức cho đoàn viên, HS và tạo điều kiện để HS trải nghiệm lái xe an toàn. Tại các trường học cũng tổ chức nhiều hoạt động cho HS như: diễn đàn, kịch tương tác, hội thi về ATGT, tuyên truyền trên trang Fanpage của các trường... Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với VNPT Bến Tre lắp các pa-nô “Cổng trường ATGT” tại các trường trên địa bàn tỉnh, trong đó trang bị các kiến thức pháp luật về ATGT qua mã QR code, tạo điều kiện thuận lợi cho HS, phụ huynh truy cập và cập nhật kiến thức thông tin.

Đối với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh đã triển khai tuyên truyền nhắm đến đối tượng trẻ vị thành niên tại các trường học; cho phụ huynh các em viết cam kết đảm bảo TTATGT. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền ATGT đến các em tuổi vị thành niên tham gia sinh hoạt hè tại các địa phương. Xử lý các trường hợp người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, người chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của phương tiện cũng sẽ bị xử phạt về hành vi giao hoặc để xe cho các em HS là người không đủ điều kiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông.

Phối hợp quản lý, giáo dục

Để ngăn ngừa tình trạng HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì cần có sự kết hợp cả giáo dục, quản lý với xử lý hành vi giữa nhà trường, lực lượng chức năng và gia đình HS. Phó bí thư Tỉnh đoàn Võ Thị Phương Diệu cho hay: Đoàn các cấp sẽ tiếp tục tạo môi trường cho HS tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT. Khuyến khích HS sáng tạo nội dung tuyên truyền ATGT. Tăng cường ứng dụng công nghệ để tuyên truyền về ATGT, phát động các sân chơi, sáng tạo phần mềm học tập về ATGT. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho các em.

Thượng tá Võ Văn Nghĩa - Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục đề xuất các kế hoạch tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật về giao thông và tăng cường xử lý vi phạm đối với người chưa thành niên tham gia giao thông. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là ngành giáo dục để có phương thức quản lý các em HS phù hợp hơn trong việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thượng tá Võ Văn Nghĩa khuyến cáo, HS cần trui rèn ý thức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không vì bốc đồng, bất cẩn mà thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT, có thể gây tai nạn giao thông dẫn đến hậu quả, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hay bị tù tội. Khi tham gia giao thông, các em phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và người xung quanh.

Các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm. Thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Uốn nắn, ngăn chặn ngay từ ban đầu các hành vi vi phạm. Đừng buông lỏng quản lý hoặc phó mặc cho nhà trường, cho cơ quan chức năng. Bởi trước hết, sự quan tâm, giáo dục của phụ huynh sẽ đảm bảo được sức khỏe và tính mạng của chính con em mình và cả những người cùng tham gia giao thông”, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Bé Hai lưu ý.

“Sở GD&ĐT sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nếu để tình hình vi phạm ATGT liên quan đến lứa tuổi HS xảy ra, liên quan đến con người tại đơn vị do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý”.

 (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Bé Hai)

Thanh Đồng - Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN