Chuẩn bị ứng phó nguy cơ dịch tả heo châu Phi

28/05/2019 - 19:32

Đoàn công tác của HĐND tỉnh giám sát dịch bệnh trên đàn heo tại xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: T.Thảo

Dịch tả lợn (heo) châu Phi hiện đã xảy ra ở 7 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trước đó, dịch bệnh này xảy ra ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông. Đây là những tỉnh cung cấp cho Bến Tre lượng heo rất lớn về phục vụ chăn nuôi cũng như vận chuyển ngang qua tỉnh, dẫn đến nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh là rất cao. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:

- Đến thời điểm này, Bến Tre chưa có dịch tả heo châu Phi xảy ra nhưng nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh là khá cao. Các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và Giồng Trôm được coi là khu vực có nguy cơ cao; trong đó Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc là đáng lưu ý nhất, bởi có mật độ chăn nuôi cao, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều, điều kiện thời tiết đầu mùa mưa thuận lợi cho dịch bệnh, lại giáp gần tỉnh Vĩnh Long (là nơi đã xảy ra dịch).

* Tỉnh đã chuẩn bị ứng phó với dịch tả heo châu Phi như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, phương án phòng bệnh là chính, do đó tỉnh đã kiểm soát chặt các phương tiện vận chuyển heo đi qua địa bàn tỉnh. Tạm ngưng không cho nhập heo từ vùng dịch về nuôi, giết mổ. Trường hợp được nhập về tỉnh để giết mổ theo quy định thì nguồn heo phải từ cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh (có giấy chứng nhận) và được xét nghiệm âm tính với dịch tả heo châu Phi. Trường hợp xe vận chuyển ngang qua vùng dịch khi về tỉnh phải được tiêu độc khử trùng theo quy định và phải cách ly 7 ngày, đồng thời được cơ quan thú y tỉnh kiểm tra an toàn mới được hòa vào trại, đàn heo chăn nuôi của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên thú y vệ sinh tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển heo qua chốt Cổ Chiên, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: CTV

Các chốt kiểm soát đường bộ đã được kiểm soát chặt, chúng tôi chỉ lo đường thủy. Với đường bộ đã có chốt kiểm soát xe vận chuyển đặt tại xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách. Về đường thủy, toàn huyện Chợ Lách có 12 bến đò. Trạm Thú y huyện Chợ Lách đã làm việc với 12 chủ đò nhằm phối hợp với ngành chức năng trong công tác phát hiện phương tiện vận chuyển heo, người dân hay chủ đò cần lập tức báo cho ngành thú y đến kiểm tra số heo đã kiểm dịch chưa. Phía chốt cầu Rạch Miễu, tỉnh đã chốt chặn giám sát chặt chẽ. Tỉnh đã sẵn sàng tinh thần ứng phó với dịch tả heo châu Phi.

* Người dân cần làm gì để phòng ngừa dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào gia trại, trang trại?

- Dịch tả heo châu Phi tuy lây lan nhanh nhưng không lây qua người. Đối với Bến Tre, đặc thù là chăn nuôi nhỏ lẻ nên đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phải tăng số lần vệ sinh chuồng trại hơn trước, không cho người lạ vào cơ sở chăn nuôi. Giữ cơ sở chăn nuôi độc lập thì càng tốt, vì vận chuyển là con đường lây lan phổ biến nhất hiện nay.

Bên cạnh đó, không đem thức ăn dư thừa từ các nhà hàng, quán ăn về cho heo ăn phòng ngừa mầm bệnh còn lưu. Khi mua thức ăn cho heo, bà con cũng chú ý nguồn gốc thức ăn, vì một số trang trại lớn ở vùng đã xảy ra dịch, họ sẽ bán đi số thức ăn đã dự trữ, các bao thức ăn đó có nguy cơ nhiễm mầm bệnh.

Đối với những bà con nhập heo về nuôi cần đảm bảo nguồn gốc heo con từ vùng không dịch, đồng thời xét nghiệm âm tính dịch tả heo châu Phi, phải cách ly 7 ngày trước khi đưa vào nuôi cùng đàn heo của mình.

* Có hay không thông tin một số người chăn nuôi do sợ dịch bệnh tới nên bán tháo đàn heo với giá thấp, thưa ông?

- Theo thông tin chúng tôi vừa nắm, giá heo đang giảm, dao động còn 2,8 - 3,2 triệu đồng/tạ. Tình hình giá heo thấp là tình trạng chung của cả nước. Người dân nên hiểu biết về dịch tả heo châu Phi để giữ bình tĩnh, không nên bán tháo chạy đàn gia súc của mình. Vì có một số thương lái tung tin heo Bến Tre bị dịch, nhằm gây hoang mang cho người dân với mục đích để người dân bán tháo chạy, thương lái dễ kiếm lời. Người dân không nên sợ, nếu nghe thông tin gì thì báo ngay chính quyền xã để chính quyền xử lý những người tung tin thất thiệt.

Ngày 28-5-2019, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến trên địa bàn toàn tỉnh triển khai Chỉ thị số 34 của Ban Bí thư và nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập chỉ đạo, phải xem công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn dân; các sở, ngành, Mặt trận, các đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp, kể cả những xã không nuôi heo cũng phải vào cuộc đồng bộ quyết liệt, mới đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch.

Đặc biệt, cần có sự tham gia vào cuộc của báo chí để phản ánh những vấn đề cho người dân kịp thời nắm bắt nhằm ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh; đưa ra những vấn đề mặt trái, yếu kém, chưa kịp thời trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Các địa phương xây dựng kịch bản ứng phó, ngoài heo thương phẩm còn cẩn trọng với heo rừng, heo kiểng. Quản lý chặt chẽ cơ sở giết mổ. Người dân, MTTQ, các đoàn thể giám sát việc vận chuyển heo vào địa bàn ở các chốt kiểm soát, không được qua loa. Tỉnh cũng sẽ tăng cường thêm lực lượng cho các chốt kiểm soát.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN