Chuẩn bị ứng phó hạn mặn, thiếu nước trên địa bàn tỉnh

19/10/2020 - 20:01

BDK.VN - Ngày 19-10-2020, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số ban ngành tỉnh và lãnh đạo Huyện ủy, UBND 9 huyện, thành phố để nghe báo cáo công tác chuẩn bị ứng phó hạn mặn, thiếu nước trên địa bàn tỉnh.

Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cùng tham dự.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi cho biết, đây là buổi làm việc đầu tiên của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh sau Đại hội Đảng bộ tỉnh. Vấn đề thủy lợi, cấp nước rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn cho sự phát triển của tỉnh. Điều này khẳng định Tỉnh ủy xác định tư thế bắt tay ngay sau đại hội, đồng thời mong muốn lan tỏa đến các cấp ủy, các ngành phải bắt tay ngay công việc với tinh thần khẩn trương và có trọng tâm.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp, Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thông tin tình hình chuẩn bị của đơn vị cũng như những giải pháp phòng chống hạn mặn trong thời gian tới.

Lãnh đạo các huyện: Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, TP. Bến Tre, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp góp phần ứng phó hạn mặn có hiệu quả. Theo các đại biểu, cần chủ động phương án ứng phó hạn mặn. Nếu sử dụng sà lan chở nước ngọt và đầu tư công nghệ RO phải làm sớm…

Bí Thư tỉnh ủy Phan Văn Mãi yêu cầu: UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động các kế hoạch, sẵn sàng các phương án để bảo vệ sản xuất, kiểm soát được thủy lợi và đặc biệt kiểm soát được cấp nước; quyết tâm không để tình trạng thiếu nước xảy ra như năm 2019-2020.

Các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát lại công việc đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; thực hiện trên tinh thần “việc trên địa bàn của mình do mình chủ trì, những việc phối hợp với ban, ngành tỉnh thì phải chủ động”.

Hết sức quan tâm diễn biến mưa bão và có những giải pháp sẵn sàng ứng phó. Có cơ chế huy động sự tham gia của người dân trong xây dựng các công trình thủy lợi để ứng phó với điều kiện tỉnh dễ bị xâm nhập mặn như hiện nay.

Các sở, ngành, đơn vị có liên quan làm tốt công tác dự báo, triển khai các kế hoạch mùa vụ, bảo vệ cho hoạt động sản xuất; khẩn trương tổng hợp các nhu cầu để triển khai các công trình khẩn cấp, phối hợp đảm bảo nguồn nước cấp cho nhà máy nước của tỉnh; đảm bảo nguồn cấp nước ngọt ở các nhà máy nước nông thôn.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình, đảm bảo hoàn thành sớm và cơ bản hoàn thành để phục vụ nhu cầu ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho các nhà máy nước. Sẵn sàng chuẩn bị các hồ sơ, phối hợp đơn vị thi công để khi cần thiết triển khai các phương án công trình.

Trong thời gian phải tổ chức các đập tạm, phải quan tâm xử lý các vấn đề môi trường; không để nhà máy nước của tỉnh, nhà máy nước lớn bị nhiễm mặn; quan tâm vận hành hệ thống thủy lợi phục vụ tốt trong mùa mặn.

Ngành nông nghiệp nghiên cứu, khảo sát, xúc tiến các công trình có tính phuc vụ lớn, đề xuất UBND tỉnh xem xét mạnh dạn đầu tư.

Ban Tuyên giáo, Mặt trận, đoàn thể tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phải đến từng địa bàn và đo lường được sư chuyển biến trong phòng chống xâm nhập mặn. Cán bộ tỉnh, huyện theo dõi hỗ trợ xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố phát huy vai trò trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đốn đốc hỗ trợ địa phương.

Dịp này, Bí thư Tỉnh ủy nhắc nhở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khẩn trương rà soát lại các nguồn quỹ mà Mặt trận đang quản lý tham mưu tỉnh đóng góp hỗ trợ cho đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng bão lụt.

Tin, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN