Chuẩn bị đợt tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên

19/04/2021 - 07:04

BDK - Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiến hành tiêm chủng 7.300 liều vắc-xin ngừa Covid-19 ngay sau khi tiếp nhận từ Bộ Y tế. Đây là đợt tiêm ngừa Covid-19 đầu tiên tại tỉnh. Để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm, ngành y tế tập trung triển khai nghiêm túc, đúng quy trình mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiêm chủng.

Hoạt động tiêm chủng tại Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm.

Tập trung công tác chuẩn bị

Nhằm bảo đảm an toàn tiêm chủng và sẵn sàng tiêm khi có vắc-xin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã tổ chức tập huấn triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Theo Giám đốc CDC tỉnh Nguyễn Hữu Định, nội dung tập huấn đi sâu vào chuyên môn như: vấn đề tiếp nhận, bảo quản, sử dụng, xử lý tai biến (nếu có) sau tiêm… cho cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh. Việc tiêm chủng yêu cầu phải vừa đảm bảo an toàn, vừa đúng đối tượng theo thứ tự ưu tiên đã quy định. Trong đợt 1, tỉnh ưu tiên phần lớn liều vắc-xin phân bổ cho đối tượng có nguy cơ trong ngành y tế.

Bên cạnh sự chủ động của CDC tỉnh, các cơ sở tiêm chủng thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, bảo đảm sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử lý kịp thời trong quá trình tiêm chủng. Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Đa khoa Minh Đức thành lập 2 đội cấp cứu lưu động, chuẩn bị cơ số thuốc và trang thiết bị cấp cứu, sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng; bố trí thêm giường bệnh để tiếp nhận các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Ngoài ra, trung tâm y tế các huyện, thành phố cũng bố trí 2 kíp thường trực để hỗ trợ các đơn vị khi có yêu cầu.

Theo kế hoạch của tỉnh và hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của Bộ Y tế, CDC tỉnh tiếp nhận và cấp phát vắc-xin cho trung tâm y tế huyện ít nhất 3 ngày trước khi tổ chức tiêm; cấp phát cho bệnh viện thuộc địa bàn tỉnh 1 ngày trước khi tiêm. Đối với các bệnh viện chưa có đủ hệ thống dây chuyền lạnh thì việc cung cấp vắc-xin cho mỗi đợt tiêm hoặc cấp bổ sung tạm thời hòm lạnh, phích vắc-xin cho các bệnh viện triển khai chiến dịch. Vắc-xin còn tồn cuối đợt tiêm tại các bệnh viện được trả lại CDC tỉnh.

Quá trình tổ chức tiêm trong thời gian ngắn nhất theo đúng hướng dẫn để triển khai một cách đồng bộ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tiêm chủng và đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; an toàn tiêm chủng và an toàn cho cán bộ thực hiện tiêm chủng.

Theo hướng dẫn tiêm vắc-xin của Bộ Y tế, khi triển khai tiêm chủng vắc-xin  ngừa Covid-19, cán bộ y tế phải đảm bảo an toàn, hiệu quả cao nhất. Trong đó, sàng lọc kỹ từng đối tượng trước khi tiêm. Trước khi tiêm phải trao đổi với người được tiêm, hỏi rõ về tiền sử bệnh tật, có đang mắc các bệnh cấp tính, mạn tính phải điều trị hay không; có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ hay không…

Theo yêu cầu, khi tiêm chủng cần thực hành đúng theo hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng. Mũi tiêm là mũi tiêm bắp, không được lắc lọ vắc-xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng vắc-xin tốt nhất cho mũi tiêm. Tại các điểm tiêm chủng phải bố trí bảo đảm giãn cách, bố trí hộp chống sốc, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi, giám sát sức khỏe của các đối tượng được tiêm.

Chỉ 1% phản ứng quá mức sau tiêm

Vắc-xin ngừa Covid-19 được phân bổ về tỉnh là vắc-xin của Tập đoàn AstraZeneca nghiên cứu và phát triển. Đây là 1 trong 3 vắc-xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua, chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Vắc-xin hiện đã được sử dụng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, đại diện WHO thông tin về vắc-xin. Theo đó, vắc-xin AstraZeneca ngừa Covid-19 cũng như tất cả các vắc-xin khác đã sử dụng, khi được tiêm vào cơ thể có thể xảy ra những phản ứng không mong muốn. Các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm, gồm: phản ứng phổ biến đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt... và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng.

Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Cả nước đã tiêm được gần 75 ngàn người, chỉ có 33% có phản ứng thông thường sau tiêm. Hầu hết là đau, nóng đỏ, ngứa tại vị trí tiêm. Một số trường hợp sốt nhẹ và khỏi sau 1 - 2 ngày. Đến nay, cả nước chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào có huyết khối sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca. Tỷ lệ phản ứng quá mức sau tiêm chỉ ở mức 1%.

“Việt Nam đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng ở mức độ rất cao và cao hơn yêu cầu. Có nhiều trường hợp phản ứng sau tiêm chưa đến mức nặng nhưng vẫn xử lý như trường hợp nặng. Các quy định khám sàng lọc, đối tượng trì hoãn tiêm, chống chỉ định tiêm mở rộng hơn các nước, đây là lý do khiến tỷ lệ phản ứng sau tiêm tại Việt Nam thấp. Chúng ta phải luôn quán triệt tiêm đến đâu an toàn đến đó”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu.

Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán cho biết: Thời điểm này, một số quốc gia như Thái Lan đang xuất hiện đợt bùng phát dịch mới, từ các ổ dịch ở Bangkok lan ra nhiều tỉnh. Campuchia dịch hết sức phức tạp. Tại tỉnh đã ghi nhận 18 ca dương tính từ người nhập cảnh. Vấn đề lưu tâm hiện nay là tâm lý lơ là, chủ quan trong cộng đồng, tình trạng nhập cảnh trái phép… Bên cạnh thực hiện thông điệp “5K” thì tiêm vắc-xin là cần thiết. Đây là 2 biện pháp bảo vệ thành trì phòng chống dịch Covid-19 của cả nước nói chung và tỉnh nói riêng.

Trong 2 ngày (15 và 17-4-2021), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trên 40 cán bộ y tế các điểm tiêm chủng tại bệnh viện, bệnh xá công an, trung tâm y tế, cán bộ một số trạm y tế. Từ nay đến tháng 5-2021, trung tâm sẽ tiếp tục tập huấn 5 lớp, với trên 500 học viên là các cán bộ y tế sẽ tham gia trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại tỉnh.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN