Hạn mặn kéo dài thời gian qua đã tác động tiêu cực đến chất lượng đất trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Hiện độ mặn 4%o trên sông Hàm Luông và Cửa Đại vẫn còn duy trì cách cửa sông chính gần 80km. Cây trồng bị nhiễm mặn dẫn đến suy kiệt, giảm năng suất hoặc nặng hơn là ngừng sinh trưởng và có thể chết.
Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Chánh Bình khuyến cáo, trong thời điểm nắng nóng, mặn kéo dài lúc này, người dân cần chú ý tưới nước tiết kiệm, hạn chế sử dụng nước giếng khoan để tưới cho cây trồng. Đồng thời, khi bắt đầu vào giai đoạn chuyển mùa, nông dân cần chuẩn bị các điều kiện khi mưa xuống, xử lý vôi, kiểm tra nồng độ mặn, kiểm tra độ pH đất. Các vùng sản xuất lớn nên có chuẩn bị dụng cụ đo độ pH đất để theo dõi và chăm sóc, bảo vệ cây trồng.
Chuẩn bị vào mùa mưa, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần khai thông kênh mương, tháo rửa phèn mặn tích tụ trong đất, kết hợp xới đất, góp phần thúc đẩy nhanh việc rửa phèn - mặn đầu vụ, làm cho rễ thông thoáng; rửa phèn, mặn cho vườn. Lưu ý, bón lượng vôi khoảng 300 - 500kg/ha. Sau khi đã rửa phèn, mặn kết hợp bón vôi xong thì tiến hành bón phân DAP với lượng từ 50 - 100gr/cây (đối với cây 1 - 2 năm tuổi), lượng 150 - 200gr/cây đối với vườn cây đã trên 3 năm tuổi, kết hợp với các loại phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh. Khi lá cơi tược đầu tiên đã trưởng thành, có thể áp dụng chế độ bón phân thông thường.
Thanh Đồng (tổng hợp)