Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát mô hình xử lý sâu đầu đen hại dừa và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

08/04/2021 - 06:45

BDK.VN - Ngày 7-4-2021, đoàn công tác của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam làm trưởng đoàn có chuyến khảo sát thực tế mô hình xử lý sâu đầu đen hại dừa và mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao gắn với điện năng lượng mặt trời.

Cùng đi có Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Quang Triệu, đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo UBND huyện Châu Thành và Thạnh Phú.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam (bìa phải) khảo sát vườn dừa sau khi phun thuốc sinh học diệt sâu đầu đen. 

Đoàn đến thăm vườn dừa của nông dân Trần Văn Cẩn, ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định, huyện Châu Thành. Ông Cẩn cho biết: Vườn dừa của ông đã phun đến lần thứ ba thuốc sinh học diệt sâu đầu đen, mỗi lần phun thuốc hiệu quả diệt được khoảng 20 đến 30% số sâu. Nếu không phun thuốc diệt sâu thì nay 1.700m2 đất (khoảng 60 cây dừa) trồng dừa của ông có khả năng bị sâu ăn cháy rụi. Nông dân Trần Văn Cẩn mong chính quyền tăng cường trang bị máy phun thuốc diệt sâu đầu đen và có biện pháp thuyết phục nhân công phun thuốc, vì hiện nay nhiều người ngán ngại do lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho rằng: Chỉ trong thời gian ngắn, sâu đầu đen đã gây tác hại khá lớn đối với vườn dừa của Bến Tre. Tỉnh có nhiều giải pháp để tiêu diệt sâu đầu đen trong vườn dừa, trong đó, xác định dùng giải pháp sinh học để trừ sâu đầu đen. Các thuốc dùng để phòng ngừa và diệt sâu đều có nguồn gốc sinh học, vừa có tác dụng tiêu diệt sâu, vừa không ảnh hưởng đến môi trường. Theo cập nhật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến nay, toàn tỉnh có gần 200ha vườn dừa bị sâu đầu đen phá hại.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam (thứ hai từ phải sang) khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cùng đoàn đã đến xã An Điền, huyện Thạnh Phú tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao gắn với điện năng lượng mặt trời của nông dân Bảy An (Đặng Văn Bảy). Nông dân Bảy An là người đang giữ kỷ lục cao nhất (trong tỉnh) về nuôi tôm size lớn với kích cỡ thu hoạch 14,6 con/kg. Hiện, ông Bảy An có 6 trang trại nuôi công nghệ cao, với diện tích khoảng 21ha, lợi nhuận năm 2020 dao động từ 30 đến 40 tỷ đồng.

Trang trại Bảy An có trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời, cung cấp điện cho trang trại nuôi tôm, dự kiến thời gian tới tiếp tục phát triển thêm 3.000m2 điện năng lượng mặt trời. Theo ông Đặng Văn Bảy, số lượng nông dân chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú ngày càng tăng.

“Với tiềm năng phát triển và sức lan tỏa của mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh phú, tỉnh kỳ vọng huyện sẽ đạt diện tích từ 1,5 đến 2 ngàn ha chỉ tiêu nuôi tôm công nghệ cao trong giai đoạn 2021 - 2025” - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nói.

Tin, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN