Chủ tịch Quốc hội tiếp đại sứ, trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài

23/10/2020 - 07:17

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chú trọng nâng cao chất lượng ngoại giao phục vụ kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các Đại sứ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiều 22-10-2020, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn báo cáo Chủ tịch Quốc hội các hoạt động chuẩn bị của Đoàn các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước khi lên đường công tác nhiệm kỳ 2020-2023.

Một số đại sứ đánh giá tầm quan trọng và hiệu quả của hoạt động ngoại giao nghị viện thời gian qua. Bằng kinh nghiệm công tác, các đại sứ cho rằng công tác ngoại giao nghị viện không chỉ thúc đẩy đất nước hội nhập và phát triển, tăng cường quan hệ giữa Cơ quan đại diện với sở tại mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam hội nhập và phát triển.

Các Đại sứ tại Liên minh châu Âu cho rằng vừa qua, Việt Nam đã ký hai hiệp định với Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA). Điều này đã khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam. Do đó, các đại sứ cũng xác định trách nhiệm của mình cần đẩy mạnh và tận dụng có hiệu quả hai hiệp định này.

Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã vinh dự được Đảng, Nhà nước bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội cho biết kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn 90 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở nước ngoài (trên tổng số 154 Đại sứ đã được phê chuẩn kể từ khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực).

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện đều là những cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, đã trải qua nhiều cương vị công tác và được trang bị kỹ càng để sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ với việc thực hiện chức năng lập pháp, Quốc hội đã tạo hành lang pháp lý thiết thực cho việc thúc đẩy các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; đồng thời, với việc giám sát và quyết định các vấn đề đối ngoại quan trọng của đất nước, giám sát việc thực hiện chính sách đối ngoại, các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà chúng ta tham gia.

Việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện ngoại giao, sự đóng góp của Đại sứ, Trưởng phái đoàn tại Liên minh châu Âu (EU), các Đại sứ Việt Nam tại các nước thành viên châu Âu.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tình hình thế giới và khu vực đang đứng trước những biến chuyển sâu sắc, mau lẹ và khó lường hơn nhiều so với trước.

Đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ tác động toàn diện và sâu sắc đến mọi mặt của đời sống quốc tế và sự phát triển của mỗi quốc gia. Kinh tế thế giới suy thoái trên diện rộng, với mức độ nghiêm trọng nhất kể từ Đại suy thoái 1929-1933, cộng thêm những thách thức và những vấn đề tồn tại của kinh tế thế giới sẵn có trước dịch. Căng thẳng, cạnh tranh chiến lược trong quan hệ nước lớn. Những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống diễn biến gay gắt...

Đất nước cũng có những khó khăn nội tại, vừa chống dịch COVID-19, vừa phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, gần đây là bão lũ ở miền Trung…

Chia sẻ nội dung Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương mặc dù kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nặng nề và hầu hết các nền kinh tế lớn tăng trưởng âm. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội.

Trên bình diện đa phương, các đối tác và bạn bè quốc tế đều đánh giá cao và coi trọng vai trò, vị thế ngày càng tăng của Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu của một số Đại sứ về việc đẩy mạnh công tác ngoại giao nghị viện, hoạt động của các nhóm nghị sỹ hữu nghị với các nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ngành đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng thời gian qua đã phát huy vai trò tiên phong, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần củng cố môi trường hòa bình, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Trong những thành tựu đó, có đóng góp rất quan trọng của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn, nhịp nhàng hơn giữa Bộ Ngoại giao với các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần phát huy vai trò điều hành, dẫn dắt tại nhiều sự kiện lớn của ngoại giao nghị viện đa phương. Tiêu biểu nhất là thành công của Quốc hội ta trên vai trò Chủ tịch AIPA 41 trong năm nay, được nhiều nghị viện, đối tác đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đều quan tâm và ủng hộ công tác đối ngoại nói chung và các hoạt động đối ngoại của Bộ Ngoại giao nói riêng cũng như các hoạt động của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các Đại sứ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trước những yêu cầu ngày càng cao để đáp ứng với tình hình mới, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy trách nhiệm, bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là hướng tới Đại hội XIII của Đảng sắp tới, theo dõi những định hướng lớn cho phát triển kinh tế-xã hội để làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại.

Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn đặt lợi ích của quốc gia-dân tộc lên trên hết, tận dụng được những thời cơ, hóa giải được những thách thức để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Cùng với đó, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, đánh giá, dự báo; nghiên cứu để kịp thời thông tin, tham mưu, đề xuất cho trong nước không chỉ về các vấn đề đối ngoại, chiến lược mà còn cả các vấn đề liên quan đến đường lối phát triển đất nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh cả nước đang tiến hành hội nhập quốc tế sâu rộng, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực, cụ thể vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trước mắt là góp phần giúp phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước hậu dịch COVID-19; chú trọng nâng cao chất lượng ngoại giao phục vụ kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển, tìm kiếm, kết nối, giới thiệu cơ hội phát triển, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài cho trong nước, nhất là cho các địa phương còn khó khăn.

Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan phụ trách đối ngoại của Quốc hội để đẩy mạnh hơn nữa đối ngoại Quốc hội, khai thác ngày một tốt hơn và phát huy vai trò của kênh hợp tác nghị viện đặc biệt quan trọng này trong thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa, tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ở sở tại, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện phải làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc xây dựng cộng đồng người Việt vững mạnh ở nước ngoài, đẩy mạnh hòa hợp dân tộc cũng chính là góp phần để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đất nước ta càng hội nhập sâu rộng thì công dân, kiều bào và doanh nghiệp của ta ở nước ngoài càng cần đến sự hỗ trợ của các Cơ quan đại diện.

Thời gian qua, chúng ta đã làm rất tốt công tác này nhằm hỗ trợ kiều bào giữ vững tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19...

Nhấn mạnh là người đại diện cho Tổ quốc, cho Nhà nước Việt Nam và là người đứng đầu Cơ quan đại diện ở nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phấn đấu làm hết sức mình, nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, xây dựng Cơ quan đại diện đoàn kết, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Cá nhân các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện phải thực sự trở thành những cầu nối trong quan hệ với giữa trong nước với sở tại, góp phần thúc đẩy quan hệ với từng nước/đối tác, nâng cao uy tín vị thế đất nước trong mắt của bạn bè quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cho biết các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ghi nhận và sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó quan trọng nhất là thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là đường lối đối ngoại mới sẽ được Đại hội XIII của Đảng thông qua; thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có dạy tiếng Việt và bảo hộ công dân...

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN