Chủ tịch Quốc hội tiếp Cố vấn đặc biệt của Nội các Chính phủ Nhật Bản

27/07/2023 - 16:35

Sáng 27-7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Maeda Tadashi, Cố vấn đặc biệt của Nội các Chính phủ Nhật Bản kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh chuyến thăm, làm việc của ông Meadea Tadashi tại Việt Nam kể từ sau chuyến thăm vào tháng 7-2022; vui mừng được biết ông Meadea Tadashi và Đoàn công tác đã có các cuộc làm việc, trao đổi hiệu quả với lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo Chính phủ, một số bộ, ngành của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là chuyến thăm quan trọng trong khuôn khổ hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023); đồng thời cũng là dịp để hai bên thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á nói riêng, cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN và Nhật Bản nói chung.

Cảm ơn những chia sẻ của ông Meadea Tadashi về các vấn đề quan trọng hiện nay, đặc biệt là chuyển đổi năng lượng, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh đến các điểm cơ bản liên quan đến lĩnh vực này. Theo Chủ tịch Quốc hội, chuyển đổi năng lượng là quá trình tất yếu, khách quan, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và mang tính chất toàn cầu mà không quốc gia nào đứng ngoài cuộc. Xuất phát từ quan điểm đó, tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Nhấn mạnh mục đích chuyển đổi năng lượng ở bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải đảm bảo an ninh năng lượng lên hàng đầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhiều diễn đàn quốc tế chủ yếu đề cập đến chuyển đổi năng lượng mà ít đề cập tới an ninh năng lượng, cân đối năng lượng, trong khi đây là cân đối vĩ mô có thể xếp lên hàng đầu. Chuyển đổi năng lượng là quá trình chuyển đổi công bằng, đảm bảo hài hòa lợi ích chi phí, không chỉ phải đối với Nhà nước mà còn với người tiêu dùng và cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chuyển đổi năng lượng phải đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn của mỗi quốc gia. Nó không chỉ được quan tâm với các dự án về nguồn điện mà còn phải chú trọng đến các dự án liên quan đến truyền tải điện.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chuyển đổi năng lượng là vấn đề toàn cầu, nên các nước phát triển chậm hơn, nghèo hơn như Việt Nam cần phải có những hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế về 3 nội dung quan trọng đó là: Xây dựng hệ thống thế chế, pháp luật và chính sách; hỗ trợ về công nghệ và kỹ thuật; hỗ trợ về tài chính. Nếu không có những hỗ trợ này các nước như Việt Nam rất khó khăn trong việc chuyển đổi năng lượng.

Việt Nam đánh giá cao “Sáng kiến Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á” (AZEC) của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, sáng kiến này có những điểm tương đồng với Việt Nam và Việt Nam cũng đang nỗ lực triển khai các hợp tác cụ thể với Nhật Bản.

Đồng ý với Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản việc cần thành lập nhóm công tác là cần thiết, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Quốc hội Việt Nam sẵn sàng cử các đại biểu Quốc hội của các Ủy ban để tham gia nhóm; đồng thời lưu ý hai bên cần làm rõ nội hàm của sáng kiến, cơ chế vận hành, quan hệ đối tác Việt Nam - Nhật Bản trong triển khai cơ chế này...

Hiện nay thế giới có những diễn biến và thay đổi nhanh chóng, vì thế mỗi nước đều tìm cách tái cơ cấu chuỗi cung ứng để thích ứng với biến động thương mại, đầu tư. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hai nước nên có những hợp tác thực chất để duy trì, gây dựng phát triển những chuỗi cung ứng mang tính chiến lược, trong đó, chuỗi cung ứng về năng lượng rất quan trọng.

Hai nước có nhiều tiềm năng trong phát triển điện sinh khối; hợp tác chuyển đổi nhà máy sản xuất năng lượng từ than sang nhiên liệu sinh khối theo lộ trình nhất định; hợp tác trong chuỗi cung ứng dự án liên quan đến năng lượng khí; hợp tác phối hợp phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời thích hợp với biến đổi khí hậu của Việt Nam và châu Á.    

Ông Maeda Tadashi, Cố vấn đặc biệt của Nội các Chính phủ Nhật Bản kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng JBIC bày tỏ vui mừng gặp lại Chủ tịch Quốc hội và cho biết, sau chuyến thăm Việt Nam năm 2022, ông đã nhận nhiệm vụ làm Cố vấn triển khai các sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản liên quan đến việc thúc đẩy trung hòa carbon. Chuyến thăm Việt Nam lần này, ngoài lãnh đạo JBIC còn có đại diện các cơ quan quản lý của Nhật Bản.

Tại các cuộc họp của G20 trong năm 2022, Nhật Bản đã đề xuất sáng kiến Cộng đồng phát thải bằng 0 (AZEC). Khối G7 cũng đang tập trung triển khai sáng kiến về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Chia sẻ một số thông tin về hai sáng kiến này cũng như các hoạt động triển khai cụ thể của Nhật Bản, Chủ tịch Maeda Tadashi cho biết, để triển khai JETP, Ngân hàng JBIC cam kết khoản hỗ trợ 300 triệu USD thông qua Ngân hàng Vietcombank để thực hiện các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo. Trong JETP, Nhật Bản cũng cam kết cho vay với mức lãi suất bằng 0 hoặc lãi suất rất thấp với điều kiện cho vay tốt hơn.

Đối với AZEC, cơ chế này đang được phía Nhật Bản triển khai rất cụ thể. Nhật Bản dành nguồn kinh phí lớn cho Quỹ nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng mới. Doanh nghiệp Việt Nam có thể cùng doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng mới từ nguồn quỹ này. Trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam lần này, phía Nhật Bản đã đề xuất và mong muốn phía Việt Nam sớm thành lập nhóm công tác chung triển khai AZEC để có các kế hoạch, hành động cụ thể, hiệu quả. Chủ tịch JBIC cũng cho biết, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia cũng sẽ có sự phối hợp, hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu. Nhật Bản đã thành lập khuôn khổ để hỗ trợ Việt Nam về vấn đề này.

Chia sẻ các phân tích, đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch JBIC Maeda Tadashi cho biết khi thành lập nhóm công tác chung sẽ cụ thể hóa các đề xuất này.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN