Kiểm tra độ mặn trên tuyến sông Tiền. Ảnh: Phan Hân
Dự báo mặn xâm nhập sâu
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh nhận định, tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô năm 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15 - 25% so với trung bình nhiều năm. Dự báo mùa khô năm 2021-2022, mặn bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chính trong tỉnh từ nửa cuối tháng 12-2021, đến giữa tháng 2-2022. Mặn ở tỉnh sẽ xâm nhập sâu tương đương mùa khô năm 2015-2016.
Trước những dự báo đó, tỉnh đã xây dựng 2 kịch bản xâm nhập mặn. Kịch bản 1, mức độ xâm nhập mặn ít sâu hơn so với mùa khô năm 2015-2016. Tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn diễn biến theo dự báo của các cơ quan chuyên môn. Độ mặn 4%o trên các sông chính xâm nhập ít sâu hơn so với mùa khô năm 2015-2016. Trên sông Cổ Chiên giảm 5km, sông Hàm Luông giảm 16km, sông Cửa Đại giảm 2km. Dự báo mặn bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chính trong tỉnh từ nửa cuối tháng 12-2021, đến giữa tháng 2-2022, mặn có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 50km. Độ mặn cao nhất tại các trạm có thể xuất hiện trong tháng 3 đến nửa đầu tháng 4-2022 (độ mặn xâm nhập sâu, ở mức cao và duy trì trong khoảng thời gian gần 3 tháng).
Độ mặn 4%o có thể xâm nhập sâu nhất trên sông Hàm Luông, cách cửa sông khoảng 56 - 58km đến xã An Hiệp, huyện Châu Thành; xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc. Trên sông Cổ Chiên, mặn xâm nhập cách cửa sông khoảng 52 - 54km đến xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc. Trên sông Cửa Đại, mặn xâm nhập cách cửa sông khoảng 50 - 52km đến xã Tân Thạch, huyện Châu Thành. Độ mặn 1%o có thể xâm nhập sâu nhất cách các cửa sông khoảng 60 - 70km. Khu vực có khả năng bị ảnh hưởng, gồm: huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm và một số xã thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và TP. Bến Tre. Dự báo mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 2.
Kịch bản 2, mức độ xâm nhập mặn gay gắt như mùa khô năm 2015-2016. Trường hợp tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn diễn biến cực đoan do việc sử dụng, khai thác tài nguyên nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập vùng thượng nguồn gia tăng, mặn ở tỉnh sẽ xâm nhập sâu tương đương mùa khô năm 2015-2016. Độ mặn 4%o có khả năng xâm nhập sâu, ở mức cao và gây ảnh hưởng đến hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (năm 2016 có 162/164 xã, phường, thị trấn bị ảnh hưởng). Độ mặn 1%o bao phủ trên phạm vi toàn tỉnh. Dự báo thời gian xuất hiện xâm nhập mặn gay gắt theo kịch bản nêu trên vào khoảng đầu tháng 3-2022. Dự báo mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 3.
Giải pháp ứng phó
UBND tỉnh yêu cầu căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện những giải pháp trọng tâm, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022.
Công trình cống Cầu Kênh (xã Phước Long, Giồng Trôm). Ảnh: Ánh Nguyệt
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn… để bảo vệ tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình: cống Sa Kê, cống Giồng Võ (Mỏ Cày Nam); cửa cống Thành Triệu (Châu Thành); dự án xây dựng tuyến ống cấp nước khu vực cù lao Long Thành, xã Sơn Phú và xã Hưng Phong (Giồng Trôm); dự án Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre (11 công trình cống thuộc 2 huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú); đê bao ngăn mặn đoạn từ cống Cái Mít, xã Thạnh Phú Đông đến cống Cầu Kênh, xã Phước Long và cống Thủ Cửu; đê bao ngăn mặn từ cống Sơn Đốc 2, xã Hưng Lễ đến cống Cái Mít, xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm).
Ngoài ra, chuẩn bị phương án ngăn mặn tạm thời trong trường hợp các cống không kịp hoàn thành trước mùa khô năm 2021-2022; phối hợp với Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 thuộc Bộ NN&PTNT để xây dựng phương án ngăn mặn tạm thời đối với các công trình cống Tân Phú, Bến Rớ thuộc dự án Quản lý nước Bến Tre đang triển khai do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa 25 hạng mục công trình cống ngăn mặn, nạo vét kênh nội đồng để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô năm 2021-2022. Phối hợp với các địa phương để thống nhất phương án vận hành các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô, gồm: các công trình đập tạm ngăn mặn, các thuyền bơm… đã được đầu tư mùa khô năm 2019-2020 giao công ty quản lý. Tổ chức đo, kiểm tra độ mặn tại các công trình đầu mối, cửa lấy nước để kịp thời vận hành công trình đảm bảo ngăn mặn xâm nhập và tích trữ tối đa nguồn nước ngọt trong nội đồng.
Đối với các hệ thống công trình đã được đầu tư khép kín, chú trọng việc vận hành các cửa cống theo hướng tăng cường trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt; tăng cường trữ nước vào công trình thủy lợi ngay trong mùa mưa năm 2021. Đối với các hệ thống công trình chưa được đầu tư khép kín, tổ chức vận động người dân đắp kín bờ bao từng tiểu vùng, đắp đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt. Có kế hoạch điều hòa, phân phối nước hợp lý để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm…) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2021-2022.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác vận hành, trữ nước ngay trong mùa mưa năm 2021, đảm bảo tích trữ nguồn nước công trình hồ chứa nước Kênh Lấp (Ba Tri) theo thiết kế và chất lượng nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong mùa hạn mặn 2021-2022. Theo dõi chặt chẽ độ mặn tại trạm Giao Hòa để vận hành cống Ba Lai phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, tích trữ tối đa nguồn nước ngọt và không để xảy ra ô nhiễm nguồn nước trên sông Ba Lai.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát nắm chắc các công trình đập tạm cần đắp theo phương án ứng phó hạn mặn đến năm 2025 để kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh. UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi tình hình hạn mặn để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân và tổ chức gia cố bờ bao, đắp các đập tạm thuộc địa bàn quản lý để chủ động nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. |
Phan Hân