Chủ động ứng phó với hạn, mặn

26/03/2019 - 19:08

BDK.VN - Theo dự báo, tình hình nước mặn xâm nhập vào đất liền năm nay sẽ diễn ra gay gắt hơn so với cùng kỳ năm 2018. Ngay từ đầu năm 2019, chính quyền địa phương và bà con nông dân đã thực hiện tốt các giải pháp, nhằm chủ động ứng phó với xâm nhập mặn. Hiện tại, các cống trong nội đồng đã được đóng lại để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Cống đập Ba Lai đóng, mở hợp lý để đảm bảo trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ảnh: Cẩm Trúc

Người dân ý thức cập nhật thông tin hạn mặn

Hơn một tháng nay, cống Sơn Đốc 1 và Sơn Đốc 2 (xã Hưng Lễ, huyện Gồng Trôm) được đóng lại để trữ nước, bảo vệ cho hơn 10 nghìn héc-ta lúa, dừa, cây ăn trái và phục vụ sinh hoạt của người dân tại hai huyện Giồng Trôm và Ba Tri.

Hàng ngày, nhân viên tại Công trình thủy lợi Cầu Sập đều đo độ mặn 2 lần để kịp thời báo cáo về trên và có giải pháp ứng phó kịp thời. Hiện tại, độ mặn phía ngoài cống trên 2 phần nghìn còn phía trong dưới 1 phần nghìn nên đảm bảo nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Khi nắng nóng gay gắt, ông Nguyễn Văn Liềm (ngụ Ấp 1, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm) tất bật lo chăm sóc thửa vườn trồng dừa xen bưởi, rau màu của gia đình. Ông Liềm cho biết: “Khi nghe thông tin nước mặn xâm nhập vào nội đồng, ngày nào tôi cũng nghe đài truyền thanh ở xã để cập nhật thông tin nhằm trữ nước, tưới vườn kịp thời”.

Ngay từ đầu năm 2019, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND huyện Giồng Trôm có giải pháp ứng phó với hạn, mặn. Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm Nguyễn Vũ Phong cho biết: “Nhờ có sự chủ động trong việc đóng cống, điều tiết nước ngọt nên đến thời điểm này vẫn đảm bảo cho việc sản xuất, sinh hoạt của bà con. Tất cả diện tích dừa, cây ăn trái, hoa màu, lúa... đều được an toàn. Ngoài việc thông tin thường xuyên đến các địa phương, ngành nông nghiệp còn hướng dẫn kỹ thuật canh tác như: ủ gốc, bón phân thích hợp, trữ nước trong mương vườn để bảo đảm cây trồng phát triển tốt...”.

Tại huyện Ba Tri, có hơn 11 nghìn héc-ta lúa đang trong giai đoạn làm đồng được bà con nông dân tích cực chăm sóc, cung ứng nước nhằm tránh thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Gia đình ông Cao Tấn Du, ngụ Ấp 3, xã An Bình Tây cũng tất bật bơm nước từ kênh lên đồng, nhằm cung ứng nước cho gần 1 héc-ta đất trồng lúa của gia đình. Ông Du cho biết: “Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị trổ bông cần nhiều nước nên ai cũng tranh thủ bơm vào ruộng. Nhờ hệ thống cống đã được đóng lại nên nước bên ngoài độ mặn rất cao nhưng phía nội đồng vẫn dưới 1‰, đảm bảo cho cây lúa phát triển”.

Triển khai nhiều giải pháp ngăn mặn

Trong năm qua, ngành nông nghiệp huyện Ba Tri đã phối hợp với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre tiến hành nạo vét 155 tuyến kênh với chiều dài 138km, tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng để phục vụ sản xuất của bà con nông dân. Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri cho biết: “Vụ Đông Xuân năm nay, mặc dù ngành nông nghiệp khuyến cáo không nên xuống giống lúa nhưng bà con vẫn sản xuất với tâm lý không để đất trống.  Ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện nhiều giải pháp ứng phó hạn, mặn bảo vệ diện tích lúa đã xuống giống của bà con. Hiện nay, mỗi tuần cơ quan chức năng đều đo độ mặn 2 lần, phối hợp với trạm khuyến nông, đài truyền thanh thường xuyên thông tin về độ mặn cho bà con biết. Đồng thời, đóng các cống trong nội đồng để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, chăn nuôi của nông dân. Đến thời điểm hiện tại vẫn đảm bảo sản xuất, sinh hoạt cho bà con và chưa ghi nhận thiệt hại do hạn, mặn gây ra”.

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, nước mặn đã lấn sâu từ các cửa sông chính vào đất liền. Cụ thể, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất đến xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam) trên sông Cổ Chiên, cách cửa sông khoảng 40km; độ mặn 1‰ đã xâm nhập sâu nhất đến xã Mỹ Thành (TP. Bến Tre) trên sông Hàm Luông, cách cửa sông khoảng 56km.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 như: đắp đập ngăn mặn cục bộ, kiên quyết không để người dân sản xuất ở những vùng thiếu nước, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến xâm nhập mặn để có giải pháp xử lý kịp thời...

Ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Ngay từ đầu năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch phòng, chống hạn mặn và triển khai đến các sở, ngành, địa phương biết về công tác phòng chống. Sau khi có kế hoạch, từng địa phương triển khai xuống các xã và bà con nông dân biết ảnh hưởng của mặn đối với cây trồng. Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh không xuống giống vụ Đông Xuân nhưng bà con nông dân do điều kiện nước thuận lợi xuống giống trên 13 nghìn ha. Ngành chức năng xây dựng kế hoạch từng đơn vị, ngành đã triển khai xuống bà con nông dân để tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng, chống hạn mặn trên cây trồng khi có mặn xâm nhập để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho bà con nông dân”.

Hoàng Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN