Chủ động ứng phó triều cường gây sạt lở

28/10/2012 - 17:09
Đoàn cán bộ Sở NN&PTNT khảo sát tình hình sạt lở ven sông Giao Hòa (Châu Thành). Ảnh: H.Hiệp

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh, kết quả khảo sát tình hình sạt lở bờ sông, triều cường gây ngập úng tại các huyện, thành phố cho thấy, tình trạng sạt lở bờ sông, ngập úng ngày càng nghiêm trọng hơn nếu không có giải pháp khắc phục.

Tại huyện Châu Thành, tuyến đê bao cồn Tiên Lợi, xã Tiên Long, có chiều dài 5.400m để bảo vệ 110ha đất vườn cây ăn trái nhưng hiện tại đã sạt lở nhiều đoạn dài 700m, rộng 1m. Phạm vi bảo vệ lộ Bờ Quít, xã Tiên Thủy bị sạt lở 1 đoạn dài 200m chỉ còn cách đường giao thông 1,5m; Đê bao cồn Khánh Hội, xã Tiên Thủy, tổng chiều dài toàn tuyến 15.000m, ngăn lũ cho 510ha vườn cây trái, hiện đã sạt lở 3.000m. Đê bao vùng bưng liên xã An Hiệp, Thành Triệu, Tiên Thủy, Tường Đa, dài 2.000m, ngăn lũ cho 70ha vườn cây trái, đã sạt lở 100m. Bờ sông xã Mỹ Thành bị sạt lở 1 đoạn dài 100m. Tại huyện Ba Tri, sạt lở ven sông Hàm Luông, xã An Hiệp, dài 4.000m, mỗi năm lấn vào khoảng 15m. Sạt lở ven sông Hương Điểm, xã Tân Hào (Giồng Trôm), dài 500m; sạt lở khu vực cầu Bà Hạt, xã Long Mỹ sau 3 năm làm mất hoàn toàn một trạm y tế, một phòng học, có nguy cơ sạt lở hai phòng học còn lại, chợ Linh Phụng. Tại huyện Chợ Lách, sạt lở đê Mỹ Sơn, xã Phú Sơn có tuyến đê dài 2.800m, ngăn lũ cho 120 đất vườn cây trái, đã sạt lở 500m; sạt lở đê Cầu Sụp, xã Sơn Định, dài 15m bởi tuyến đê dài đến 3.400m, bảo vệ 110ha vườn cây trái; sạt lở 50m tập trung hai điểm đầu cồn thuộc tuyến đê cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, dài 7.5000m, ngăn lũ cho 600ha đất vườn, 700 hộ dân sinh sống. Sạt lở 6 đập và cống trên tuyến đê bao sông Cái Cấm. Đê bao cồn Cát ấp Thành Long, xã Thành Thới A (Mỏ Cày Nam) bị sạt lở 70m, đoạn còn lại dài 2.250m đang bị nước tràn do triều cường. Tại Thạnh Phú, sạt lở từ cửa sông Hàm Luông đến vàm Cồn Bửng tiếp giáp xã Thạnh Hải. Tuyến này bị sạt lở nhiều đoạn, dài 7.500m, làm ảnh hưởng đến 100ha đất giồng, có 200ha bị nhiễm mặn, bỏ hoang 150ha đất trồng giồng. Tất cả nguyên nhân gây sạt lở nghiêm trọng đều do sóng, nước xói, triều cao. Theo đề xuất của ông Trần Khánh Hoan - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh, các địa phương cần khẩn trương rà soát các vị trí sạt lở để xứ lý khẩn cấp những đoạn sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến mùa mưa bão năm 2012 và đề xuất hướng xử lý các vị trí có thể ảnh hưởng đến các năm sau. Chi cục cũng đã đề nghị nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ khoảng 1,45 tỷ đồng để xử lý nhanh, tránh sạt lở nghiêm trọng hơn; cho lập hồ sơ và tìm nguồn đầu tư lâu dài các công trình nâng cấp đê bao cồn Khánh Hội, cồn Tiên Lợi, đê bao vùng liên xã An Hiệp, Thành Triệu, Tiên Thủy, Tường đa. Các kè chống sạt lở bờ sông Mỹ Thành, Trường Tiểu học Linh Phụng, ven sông Hàm Luông. Đề nghị cho chủ trương khảo sát và đề xuất các biện pháp xử lý sạt lở ven biển Thạnh Hải (Thạnh Phú).

Riêng trong 2 tuần qua, triều cường dâng cao đã làm ngập úng nhiều diện tích đất trồng cây trái, hoa màu và gây thiệt hại cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh có 1.930m đê bao đang bị sạt lở, sạt lở một số vị trí cống ở Chợ Lách, Thạnh Phú, đường giao thông bị ngập 77km, đất sản xuất nông nghiệp bị ngập 3.200ha, thiệt hại 30ha vườn nhãn, 20ha lúa và một số diện tích cây trái hoa màu khác, ngập nhiều ao nuôi thủy sản. Một số vùng bị thiệt hại nặng như Chợ Lách, Thành phố Bến Tre, Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri, Châu Thành. Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết thêm, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên dần và sẽ đạt mức cao nhất năm vào khoảng giữa đầu tháng 10, trùng với triều cường đầu tháng 9 âm lịch. Cho nên, vùng hạ lưu các sông Nam Bộ sẽ chịu ảnh hưởng các đợt triều cường mạnh vào giữa tháng 10, 11, 12, mực nước cao vượt báo động III và có khả năng gây ngập ở nhiều nơi, cần đề phòng trường hợp triều cường kết hợp gió mùa Đông Bắc nước dâng cao, nhất là vùng ven biển. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra, rà soát những đoạn đê bao xung yếu để có kế hoạch gia cố, tôn tạo chống tràn và sạt lở; thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chủ động trong công tác chỉ đạo xử lý, giảm thiệt hại; thống kê thiệt hại để có hướng hỗ trợ kịp thời.

Hữu Hiệp - Khánh Hoan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN