Chủ động trữ nước mưa, nước ngọt

17/08/2016 - 07:05
Cuối tháng 6-2016, hộ ông Mười Hoàng xây mới 3 ống hồ trữ nước mưa đang đưa vào sử dụng.

Hiện nay, theo thống kê, huyện Mỏ Cày Bắc đã có hơn 10 ngàn hộ tự xây ống hồ để trữ nước mưa. Hiện tại, có hơn 1 ngàn hộ hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy về trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất.

Xã Tân Bình có hơn 700 hộ đã tự xây ống hồ chứa nước mưa, nước ngọt. Xã này trước đây được biết đến với mô hình ống hồ nước tình thương dành cho hội viên phụ nữ nghèo. Ông Lê Tấn Thành - Chủ tịch UBND xã phấn khởi: Từ đầu năm đến nay, xã có gần 60 hộ nghèo, cận nghèo vay nhiều nhất 12 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để xây hố xí tự hoại và xây ống hồ trữ nước mưa.

Còn hộ anh Huỳnh Văn Bỉ ở ấp Thanh Bắc, xã Tân Thanh Tây, năm 2008, đã xây xong 12 ống hồ, 1 hầm (tổng kinh phí khoảng 30 triệu đồng) với tổng thể tích gần 80m3 nước mưa. “Mới đây, được nghe cán bộ xã tuyên truyền phát động của Tỉnh ủy về trữ nước mưa, nước ngọt, tôi rất đồng tình. Dự định từ nay đến cuối năm, tôi xây thêm 6 ống hồ có sức chứa khoảng 20m3” - anh Bỉ cho biết.

Xã Thành An hiện có hơn 600 hộ xây hệ thống trữ nước mưa, nước ngọt. Người xây dựng hệ thống trữ nước mưa, nước ngọt được xem khá an toàn là ông Nguyễn Văn Chí ở ấp Đông Thuận. Tổng thể tích trữ nước mưa mà ông Chí đang sử dụng khoảng 35m3 cho gia đình 3 người (còn 2 đứa con của ông ở riêng). Ông Chí cho biết: Cũng do biến đổi khí hậu và nguồn nước mặt ở Thành An không bảo đảm vệ sinh do nhiều hộ nuôi heo nên tôi xây nhiều ống hồ để chứa nước mưa hoặc nước ngọt (nước giếng) để sử dụng hằng ngày. Trước đây, tôi xây 2 ống hồ (gần 4m3/ống hồ), 2 ống hồ (9m3/ống hồ), 7 bồn nhựa (từ 0,5 - 2m3), xây dựng hệ thống thủy đài cao khoảng 7m để xử lý nước, tổng kinh phí khoảng 40 triệu đồng. Mới đây, tôi xây thêm 1 ống hồ 6m3 để trữ nước mưa.

Hệ thống trữ nước mưa, nước ngọt của ông Chí xây dựng được chia làm 2 phần. Trong mùa mưa, gia đình ông sử dụng hoàn toàn nước mưa. Khi chuẩn bị hết mùa mưa thì ông khóa lại để 1 phần còn khoảng 20m3 nước mưa dành cho nấu ăn, uống; còn lại 1 phần khoảng 13m3 được bơm lên từ giếng. Nước giếng bơm lên chảy xuống qua 4 hệ thống lắng lọc bên trong có: hạt Aluwat, sỏi, cát thạch anh, than hoạt tính, vật liệu lọc filox, vật liệu lọc bỏ (sắt, phèn...); phần nước giếng sau khi lắng lọc, ông Chí cũng chỉ để tắm rửa, giặt giũ…

Ở ấp Đông Lợi, hộ ông Mười Hoàng đã xây hầm chứa khoảng 15m3. Mới đây, ông xây dựng thêm 3 ống hồ hết 15 triệu đồng để trữ nước mưa có sức chứa khoảng 10m3. “Nước mưa thì tôi an tâm, chỉ cần nấu chín là sử dụng. Còn nước giếng (hiện có 2 giếng), tôi thấy hệ thống xử lý nước giếng của ông Chí ở ấp Đông Thuận là rất an toàn”.

Tại ấp Đông An, ông Lữ Văn Chuông cho biết: “Năm 2010, tôi xây 7 ống hồ chứa khoảng 10m3 nước; tiền vật liệu, tiền thợ, xây ống hồ hết 7 triệu đồng. Với 7 ống hồ nước mưa cả năm gia đình sử dụng không hết. Vào mùa nắng, tôi sử dụng thêm nước giếng (nên dư nước mưa). Hạn, mặn vừa qua làm tôi hoài nghi những năm tiếp theo sẽ bị mặn do biến đổi khí hậu. Hiện tại, tôi vẫn chọn hình thức trữ nước mưa bằng ống hồ bê-tông vì nó bền lâu. Tôi đã vận chuyển cát, đá, xi-măng về chuẩn bị xây 10 ống hồ trong tháng này; 10 ống hồ chứa khoảng 20m3 nước, kinh phí khoảng 18 triệu đồng. Còn nước giếng, tôi sẽ làm theo mô hình xử lý như của ông Chí ở ấp Đông Thuận để nuôi heo, rửa chén, tắm, giặt…”.

Nói về việc xây ống hồ, hầm trữ nước mưa, ông Nguyễn Văn Bàn - Chủ tịch UBND huyện cho hay: Huyện phấn đấu từ nay đến hết năm 2017, dự kiến có khoảng 6 ngàn hộ nghèo, cận nghèo trong toàn huyện đều có ống hồ, hầm, bồn chứa nước mưa ít nhất 2m3/hộ. Theo đó, huyện đã đề nghị và được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ 2,5 tỷ đồng giúp hộ nghèo, cận nghèo trong toàn huyện có vốn để xây ống hồ trữ nước mưa hoặc nước ngọt. Huyện đã phát động phong trào trữ nước mưa hoặc nước ngọt đến từng hộ dân trong toàn huyện. Từ nay đến cuối năm 2020, huyện Mỏ Cày Bắc dự kiến có hơn 34 ngàn hộ xây ống hồ, hầm chứa nước.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN