Chủ động phòng tránh biến chứng nguy hiểm của đột quỵ

29/10/2024 - 20:10

BDK - Đột quỵ là căn bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, số người trẻ bị đột quỵ có xu hướng tăng do lối sống không lành mạnh như: nghiện thuốc lá, rượu, bia, chế độ ăn uống thiếu khoa học, cuộc sống hiện đại với nhiều căng thẳng, kèm theo lối sống ít vận động khiến người trẻ tuổi dễ mắc các bệnh về chuyển hóa như béo phì, tiểu đường, cholesterol trong máu tăng…

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xuất huyết não, xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một phần của não bộ đột nhiên bị chặn lại hoặc khi có một mạch máu trong não bộ bị vỡ khiến máu tràn vào những khoảng không xung quanh các tế bào não.

Triệu chứng cảnh báo đột quỵ não gồm 3 dấu hiệu quan trọng. Thứ nhất là liệt mặt: Là dấu hiệu mặt không cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống, đặc biệt khi bệnh nhân nói cười. Thứ 2 là yếu tay chân: Không nhấc được tay, chân hoặc nhấc lên khó khăn; một bên cánh tay hoặc chân (hoặc cả hai) đột ngột yếu đi, tê bì. Thứ 3 là nói khó: Người bệnh nói ngọng bất thường; môi lưỡi bị tê cứng; miệng mở khó hoặc không nói được câu đơn giản.

Đột quỵ là nguyên nhân tử vong và tàn phế hàng đầu tại Việt Nam trong 10 năm qua. Không chỉ gia tăng tỷ lệ tử vong, đột quỵ còn để lại những di chứng nặng nề và ảnh hưởng lớn đến gia đình, cộng đồng và xã hội. Bất cứ ai cũng đều có thể trở thành nạn nhân của đột quỵ. Bởi vậy, mỗi cá nhân cần chủ động thay đổi lối sống theo chiều hướng tích cực để giúp phòng ngừa đột quỵ, hạn chế những biến chứng nguy hại có thể xảy ra.

Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, từ 80 - 90% đột quỵ có thể phòng tránh được chỉ với các phương cách đơn giản. Chủ động phòng tránh biến chứng nguy hiểm của đột quỵ bằng cách tập thể dục đều đặn. Chỉ cần 30 phút tập thể dục, với tần suất 5 lần một tuần có thể giảm 25% nguy cơ đột quỵ.

Chế độ ăn hợp lý: Chế độ ăn tốt sẽ giúp duy trì cân nặng hợp lý, giảm huyết áp, giảm cholesterol, phòng ngừa đột quỵ như: Ăn nhiều loại thức ăn mỗi ngày. Ăn ít nhất 5 loại rau củ quả mỗi ngày và sản phẩm từ đậu nành hay các loại sữa hạt, thịt trắng. Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ; sử dụng các loại rau quả nhiều màu sắc như rau xanh đậm, quả đỏ (cà chua, ớt chuông), các loại cá (cá trích, cá thu, cá hồi...), hạn chế ăn mặn, bổ sung kali... Hạn chế ăn mỡ xấu, thức ăn khó tiêu như: thịt đỏ, kem, bơ, sữa, bánh ngọt, phô mai, gan, các loại nội tạng động vật, đồ chiên, rán, xào, đồ ăn đóng hộp có chất bảo quản...

Giảm cân: Thừa cân là một trong mười yếu tố nguy cơ hàng đầu và có liên quan đến gần 1/5 số ca đột quỵ. Duy trì cân nặng hợp lý sẽ làm giảm nguy cơ đột quỵ. Điều trị rung nhĩ và các bệnh tim mạch: Rung nhĩ là tình trạng nhịp tim không đều và thường nhanh. Đây là yếu tố nguy cơ chính, tăng gấp 5 lần nguy cơ bị đột quỵ. Đột quỵ do rung nhĩ và các bệnh tim mạch có nhiều nguy cơ gây tử vong hoặc gây ra các di chứng nghiêm trọng.

Không hút thuốc lá: Một người hút 20 điếu thuốc mỗi ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 6 lần so với người không hút thuốc. Uống rượu thường xuyên hoặc uống quá mức cho phép có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Kiểm soát Cholesterol máu, kiểm soát huyết áp, kiểm soát bệnh đái tháo đường. Tránh trầm cảm và căng thẳng. Đây là 2 tác nhân khiến nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2 lần bình thường.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN