Chủ động phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết.
Không được chủ quan
Mấy tuần qua, khi nghe thông tin về tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng tại nhiều địa phương, các gia đình có con nhỏ trên địa bàn tỉnh đặt biệt quan tâm công tác phòng bệnh cho bé. Chị Minh Hiền - công chức nhà nước cho hay, khu vực nhà chị rất ít muỗi nhưng nghe có bệnh cũng không dám chủ quan. Chị tăng cường quét dọn nhà cửa, nhất những góc tối, sào quần áo để không cho muỗi trú đậu và sinh sản.
Theo chị Trần Thị Thu Hiền ở Phường 1, TP. Bến Tre, để phòng bệnh sốt xuất huyết thì phải ngừa muỗi chích. Chị Hiền cho biết, trước khi ngủ, chị thường cầm vợt điện kiểm tra trong phòng ngủ và xung quanh mùng. Chị cho con ngủ mùng kể cả buổi trưa và dùng tinh dầu có nguồn gốc thiên nhiên như: chanh, bưởi, sả… xịt lên quần áo bé để xua và chống muỗi đốt. Chị Võ Thị Bé Hồng ở Ấp 2, xã Định Trung, Bình Đại cũng cho hay: “Được cán bộ Trạm Y tế tuyên truyền, tui úp các vỏ dừa quanh nhà xuống, cọ rửa lu mái chứa nước sạch sẽ, đậy kín nắp để ngừa lăng quăng sinh sản; phát quang bụi rậm không cho muỗi trú ngụ”.
Y sĩ định hướng chuyên khoa y học dự phòng, Trạm Y tế xã Định Trung Võ Thị Hoàng Oanh cho biết, năm nào cũng vậy, bắt đầu vào mùa mưa, lực lượng của trạm và cán bộ y tế ấp đã đến từng hộ dân để tuyên truyền mối nguy hại của bệnh sốt xuất huyết và hướng dẫn người dân cách xử lý các dụng cụ chứa nước; vận động người dân chủ động diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh. Qua các đợt truyền thông trực tiếp và lồng ghép trong buổi sinh hoạt tổ nhân dân tự quản, nhận thấy người dân có sự thay đổi trong sinh hoạt, quan tâm hơn việc vệ sinh môi trường sống để phòng bệnh.
Bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Hữu Định cho biết, tình hình thời tiết nắng nóng, mưa bất thường như hiện nay khiến dịch bệnh có xu hướng gia tăng, đáng lưu ý bệnh sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm đến đầu tháng 7-2019, tỉnh ghi nhận trên 600 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngành đang nỗ lực khống chế không cho bệnh bùng phát.
Thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã triển khai đến y tế cơ sở đẩy mạnh truyền thông về việc chủ động phòng, chống bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện những biện pháp chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, tổ chức những lớp tập huấn cho các cán bộ y tế tuyến cơ sở để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cũng như cập nhật những kiến thức mới về giám sát dịch tễ và xử lý dịch. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với địa phương tăng cường công tác giám sát ca bệnh nhằm phát hiện sớm những ca đầu tiên để có kế hoạch xử lý kịp thời, ngăn chặn không để lây lan thành dịch lớn trong cộng đồng. Những nơi có ghi nhận 2 ca sốt xuất huyết, lực lượng của ngành y tế đã tiến hành phun hóa chất dập các ổ dịch không để bùng phát.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Hữu Định, việc tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng là biện pháp mà ngành y tế thực hiện để diệt muỗi nhằm khống chế nguồn lây. Qua đó mong muốn đánh động trong cộng đồng để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết, bởi muỗi và lăng quăng là véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết. “Theo ghi nhận tại các đợt giám sát phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, nhiều địa phương chưa thật sự vào cuộc, xem công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ của ngành y tế. Việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng chưa thực hiện triệt để và chưa đồng bộ tại các địa phương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh”, bác sĩ Nguyễn Hữu Định đánh giá.
“Để khống chế bệnh sốt xuất huyết bùng phát, người dân cần nghiêm túc thực hiện theo các khuyến cáo của ngành y tế. Cụ thể, người dân nên tích cực chủ động diệt muỗi, lăng quăng; không để các vật dụng chứa nước có thể sinh muỗi trong nhà, loại bỏ những ly, lọ chứa nước lâu ngày trong nhà; dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng, không ẩm thấp, phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng trong vật phế liệu quanh nhà. Chú ý giăng mùng khi ngủ, kể cả ngủ vào ban ngày. Lực lượng y tế huyện và cơ sở cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng”, bác sĩ Nguyễn Hữu Định lưu ý.
Bài, ảnh: Phan Hân