Chủ động các giải pháp phòng, chống thiên tai

08/09/2023 - 05:36

BDK - Thời gian qua, Chợ Lách tăng cường xây dựng hệ thống đê bao thủy lợi, phòng, chống thiên tai (PCTT) gắn với phát triển giao thông, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Trước tình hình sạt lở bờ sông và dự báo thiên tai khó lường như: triều cường, xâm nhập mặn và thiếu nước mùa khô… các cấp, ngành và địa phương huyện Chợ Lách thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT, bảo vệ an toàn sản xuất và đời sống nhân dân.

Tuyến đường đê bao từ phà Phú Hiệp đến điểm du lịch Ba Ngói, ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình khang trang, sạch đẹp.

Hiện trạng đê bao thủy lợi

Theo thống kê của huyện, đến nay, huyện đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp khoảng 364,1km đê bao; nạo vét kênh, mương nội đồng với hơn 80,4km. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động 10.890ha, đạt 92,39%. Tuy nhiên, diện tích đê bao chưa đảm bảo an toàn chống lũ, xâm nhập mặn, cần nâng cấp và làm mới 4.263ha (46%).

Hệ thống đê bao của huyện chủ yếu là đê tạm. Quy mô cục bộ khu vực nhỏ tầm 50 - 200ha. Kết cấu thân đê đắp đất. Các cống đa số là cống tạm. Công tác ứng phó lũ là cơ bản. Công trình đê, bờ bao khả năng chống được bão cấp 8 và đỉnh triều +2,2m huyện đạt 105,729km đê; diện tích có khả năng đảm bảo an toàn 4.985ha. Công trình đê, bờ bao khả năng chống được bão cấp 6 và đỉnh triều đạt từ +2m huyện đạt 76,77km đê; diện tích có khả năng đảm bảo an toàn 1.661ha. Công trình đê, bờ bao không khả năng chống được bão (bờ bao vườn hộ dân) có đỉnh triều thấp dưới +2m, huyện có 60km bờ bao, diện tích 2.652ha. Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện còn nhiều bờ bao cục bộ cao trình thấp dẫn đến hàng năm huyện thường xuyên chịu tác động của xâm nhập mặn, triều cường, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Bên cạnh đó, địa bàn huyện Chợ Lách nằm giáp ven 2 con sông lớn Cổ Chiên và sông Tiền. Thời gian qua, tình hình sạt lở bờ sông diễn ra nghiêm trọng, với 12 điểm cần gia cố (chỉ tính trong 8 tháng năm 2023). Tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện vẫn đang tiếp tục diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn, đe dọa đến sự an toàn của các khu dân cư, cũng như các công trình đã được đầu tư xây dựng. Để xử lý khắc phục sạt lở phải mất nhiều kinh phí và cần được nghiên cứu tính toán để có giải pháp căn cơ, phù hợp. Nguồn lực của huyện chỉ đáp ứng giải quyết phần rất nhỏ sự cố sạt lở bờ sông, chủ yếu thực hiện các biện pháp gia cố, xử lý tạm thời nhằm hạn chế thiệt hại. Cuối tháng 6-2023, huyện đã hỗ trợ 7 điểm sạt lở gia cố với quy mô nhỏ để đảm bảo an toàn sản xuất trong khi chờ ngành tỉnh, huyện xem xét hỗ trợ xã thực hiện các giải pháp kiên cố hơn.

Phương châm “4 tại chỗ”

Trước những diễn biến khó lường của tình hình sạt lở bờ sông như vừa qua, cùng với dự báo đỉnh lũ trên các sông có thể xảy ra vào những tháng cuối năm 2023, các cấp ngành huyện Chợ Lách đã chủ động triển khai kế hoạch PCTT và tìm kiếm cứu nạn, đi đôi với việc huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, kinh tế - xã hội và toàn thể cộng đồng tham gia. Chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, lấy phòng là chính, huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác PCTT.

Đối với công tác phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới và triều cường, các ngành triển khai phương án cụ thể ứng phó với đỉnh triều dự báo đạt mốc 2,09m để chủ động ứng phó. Kiểm tra hoạt động của các bến đò ngang, đò dọc, nhất là việc trang bị các phương tiện cứu sinh, thiết bị an toàn. Đối với các công trình đang xây dựng dở dang, cần chú ý đẩy nhanh tiến độ, chủ động có biện pháp đảm bảo an toàn cho mọi người, phương tiện, thiết bị và công trình trước và trong mùa mưa bão. UBND các xã, thị trấn vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo gỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, kênh mương làm ách tắc dòng chảy, hạn chế việc tiêu thoát nước. Chặt tỉa, đốn hạ cây xanh không an toàn, cắm biển cảnh báo tại những khu vực xung yếu, khu vực nguy cơ cao để cảnh báo cho người dân.

Bên cạnh đó, dự báo mùa khô 2023-2024 có khả năng diễn ra gay gắt. Huyện rà soát các nguồn lực của địa phương, xây dựng 4 kịch bản ứng phó với các mức độ xâm nhập mặn, giải pháp cụ thể. Tập trung hướng dẫn người dân trữ nước, đắp đập tạm cũng như vận hành các công trình thủy lợi cho tốt. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên theo dõi tình hình dự báo mặn và triều cường để thông báo kịp thời trong toàn huyện. Thường xuyên thông tin tuyên truyền, thông báo diễn biến mặn và kế hoạch phòng, chống hạn mặn cho nhân dân được biết.

Các tổ chức đoàn thể phối hợp với ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các giải pháp phòng, chống mặn, xây hồ dự trữ nước ngọt. Đối với các khu vực chưa có đê bao khép kín, cần đắp đập tạm, đắp đê riêng để ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ nước tưới cho cây trồng, nước sinh hoạt. Đối với các khu vực có đê bao, kiểm tra lại các tuyến đê, cống, đảm bảo phục vụ tốt cho việc ngăn mặn và triều cường. Khai thông kênh rạch để có chỗ dự trữ nước ngọt, đảm bảo môi trường, tránh phát sinh dịch bệnh. Tăng cường dự trữ nước ngọt bằng túi nylon, lu, ống, bể chứa, ao dự trữ, mương dự trữ… để phục vụ cho tưới tiêu, chăn nuôi, sinh hoạt.

“Công tác PCTT được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của huyện, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình, cân đối đầu tư giữa các công trình hạ tầng kỹ thuật của các ngành khác và thủy lợi để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Đồng thời, huyện đã chủ động tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo kịp thời bằng các hình thức thích hợp để nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong cộng đồng để chủ động, tránh chủ quan, lơ là trong PCTT”.

(Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị)

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN