Cho ý kiến về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

16/05/2020 - 20:54

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, chiều 16-5-2020, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trình bày báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả để tổ chức biên soạn sách giáo khoa theo quy định, nhưng không đủ ứng viên tham gia.

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xây dựng kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2018-2022, trong đó có kế hoạch xuất bản sách giáo khoa mới cho đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục đáp ứng lộ trình triển khai chương trình mới. Kết quả chuẩn bị sách giáo khoa đến nay đã triển khai tốt việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa được 9 đầu sách giáo khoa lớp 1, kịp thời triển khai chương trình mới từ năm học 2020-2021.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới. Cụ thể, năm học 2020-2021 áp dụng đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Để triển khai năm học 2020-2021 với lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 1 từ năm học 2020-2021; hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu tối thiểu, từng bước nâng cao chất lượng, hiện đại hóa đối với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục tại địa phương thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng và thực hiện các kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới đối với lớp 1; ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1; hướng dẫn việc tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; dự thảo văn bản hướng dẫn cho cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu, báo cáo của Chính phủ không nêu vấn đề giá sách giáo khoa nhưng đây là vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm. Hiện nay, các sách giáo khoa lớp 1 đã phát hành là sách giáo khoa xã hội hóa do các nhà xuất bản công lập tự chủ tài chính phát hành. Vì vậy, vấn đề giá bán sách giáo khoa cần được Chính phủ quan tâm thích đáng.

Theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhìn chung các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm túc việc kê giá với Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Tài chính cơ bản chấp thuận bản kê giá của các nhà xuất bản.

Kết quả khảo sát cho thấy, tuy đơn giá tính trên mỗi trang in biến động không nhiều nhưng giá của cả bộ sách giáo khoa mới có cao hơn giá của cả bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện hành từ 3,3-3,7 lần (sách giáo khoa mới có giá từ 179.000 đồng/bộ đến 199.000 đồng/bộ bao gồm cả sách giáo khoa điện tử, trong khi sách giáo khoa hiện hành có giá là 54.000 đồng/bộ). Nguyên nhân sự chênh lệch giá là do bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có số lượng quyển nhiều hơn, kỹ thuật trình bày, in ấn có thay đổi so với bộ sách giáo khoa hiện hành.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sớm xác định nguồn kinh phí hỗ trợ và đối tượng cần hỗ trợ sách giáo khoa (học sinh thuộc diện chính sách và nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt), cung cấp sách giáo khoa cho các thư viện trường phổ thông,...

Một số ý kiến nhấn mạnh đến sự quan tâm của cử tri và nhân dân về vấn đề giá sách giáo khoa, nêu quan điểm cần kiểm soát được giá sách giáo khoa trên cơ sở tính đến mặt bằng thu nhập của nhân dân; đề nghị cần có sự kiểm soát về giá hoặc có hình thức hỗ trợ thích hợp cho học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, con em người có công; đề nghị Chính phủ quan tâm tới lộ trình bình ổn giá sách giáo khoa…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, sách giáo khoa mới được in đẹp, có thể sử dụng lại nhiều lần; đề nghị quan tâm, có chính sách trợ giá để hỗ trợ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN