Chợ Lách tìm giải pháp tiêu thụ chôm chôm “đạt chuẩn” GAP

14/12/2012 - 08:13

Ngày 7-12-2012, Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Lách đã tổ chức hội thảo về phát triển mô hình sản xuất chôm chôm theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm sau khi được chứng nhận GAP.

Tháng 6-2011, Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng (có 22,24ha trồng chôm chôm), được chia ra làm 5 tổ sản xuất đã được chứng nhận GlobalGAP. Phía doanh nghiệp thu mua hứa sẽ hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Quy trình vận hành khép kín từ sản xuất, thu hoạch của nông hộ vận chuyển, tiêu thụ đến nhà đóng gói xuất khẩu của Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu, thị trấn Chợ Lách (nhà đóng gói cũng được chứng nhận GlobalGAP).

Tuy nhiên, nông dân và doanh nghiệp chưa thống nhất về việc bao tiêu sản phẩm. Trái chôm chôm của Tổ hợp tác chưa được doanh nghiệp tiêu thụ hết, có lúc ế hàng (giữa năm 2011), mặc dù các biện pháp canh tác của nông hộ vẫn tuân thủ theo quy trình GlobalGAP.

Phía doanh nghiệp cho rằng có lúc xuất hàng không được, do đụng hàng cùng lúc với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… phía đối tác không ký hợp đồng; khi có hợp đồng thì chôm chôm tại vườn không còn để cung cấp hoặc cung cấp không đủ số lượng; trái chôm chôm sản xuất ra không đồng nhất kích cỡ, không đạt yêu cầu chất lượng xuất khẩu; doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn; khi mua về phải phân lựa tỉ mỉ từng trái một để đóng gói, xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm; nhưng đôi khi vẫn bị trả trở lại. Tuy nhiên, công việc nói trên vẫn chưa áp dụng thực tế vào việc truy xuất nguồn gốc, cảnh báo các mối nguy cơ để nông dân thực hiện tốt theo quy trình GlobalGAP đã hướng dẫn. Doanh nghiệp cũng cần mở rộng nhiều thị trường khác hay thị trường trong nước để tiêu thụ sản phẩm nội địa.

Mặt khác, thời gian qua, Ban Điều hành của Tổ hợp tác hoạt động theo phương thức tự nguyện, chưa đặt ra lợi ích cá nhân của lãnh đạo Ban Điều hành Tổ...

Trong kế hoạch sắp đến, Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Lách dự kiến sẽ triển khai nhân rộng 300ha chôm chôm tại các xã Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung B được đa số đại diện chính quyền, đoàn thể, bà con nông dân nhận thức tốt về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Nông dân được tập huấn, chứng nhận theo quy trình sản xuất VietGAP, bắt đầu khởi động từ 2013-2015 với sự hỗ trợ kinh phí thực hiện của Dự án QSEAP thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nơi nào có điều kiện nên tiến hành (trước hoặc sau) để thành lập Hợp tác xã.

Các xã sẽ tập trung vận động bà con nông dân tự nguyện tham gia, bầu ra Ban Điều hành Tổ hợp tác. Tổ trưởng Tổ hợp tác hay chủ nhiệm Hợp tác xã là người rất quan trọng, là cầu nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp với nông dân trong việc điều hành hoạt động của Tổ, tổ chức từng đội sản xuất, liên hệ các tổ chức bên ngoài của Tổ để tập huấn, đánh giá nội bộ, được chứng nhận VietGAP, duy trì nề nếp thực hiện tốt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tìm đầu ra cho sản phẩm. Nắm giữ điều tiết lực lượng lao động để có kế hoạch xử lý rải vụ theo yêu cầu. Hình thành mối liên kết dịch vụ về vật tư sản xuất nông nghiệp trong nội bộ. Xây dựng quỹ phát triển cho Tổ hợp tác và công khai tài chính theo định kỳ hàng quý, hàng vụ, hàng năm. Ban Điều hành tập dần sử dụng một vài thiết, công cụ hiện đại trong quản lý để được nhanh chóng, tiết kiệm và minh bạch.

Các Tổ hợp tác nên thống nhất trong các tổ viên là số tiền chênh lệch 10-15% (theo đầu tấn) mà sản phẩm được sản xuất theo quy trình GAP được các doanh nghiệp thu mua, nên trích chi trả về cho Ban Điều hành, sau đó công khai điều tiết các hoạt động để Tổ luôn được phát triển như tích lũy, tái sản xuất, tái chứng nhận, dịch vụ công ích khác ở trong tổ. Tổ hợp tác luôn phát triển các tổ viên ngày càng nhiều hộ tham gia, không phân biệt địa chỉ của hộ theo ranh giới hành chính, nhằm để các chi phí giảm, thu nhập cho Tổ ngày càng cao hơn.

Buổi hội thảo đi đến thống nhất muốn có được sự bền vững trong việc thành lập Tổ hợp tác sản xuất VietGAP và hướng đến cao hơn là Hợp tác xã, sắp đến nhất thiết phải có một cơ chế hoạt động rõ ràng, gắn chặt các mối lợi ích: cá nhân, tập thể, doanh nghiệp mà người Tổ trưởng, Chủ nhiệm, kế đến là tập thể Ban điều hành của Tổ đóng vai trò tiên quyết; Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, dẫn dắt, giúp Tổ hợp tác, Hợp tác xã tự bản thân mình đi lên.

Đỗ văn Công

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN