Chợ Lách tập trung thực hiện chuyển đổi số

19/12/2022 - 05:29

BDK - Thời gian qua, chuyển đổi số (CĐS) đã góp phần tích cực giúp huyện Chợ Lách thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2020 - 2025. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số trong hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn huyện góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC). Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước tại địa phương.

Ứng dụng camera thông minh giám sát góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn xã Long Thới, huyện Chợ Lách.

Bước đầu đổi mới

100% CB, CC cấp huyện, 92,62% CB, CC cấp xã được trang bị máy tính. Các phòng, ban của UBND huyện được trang bị thiết bị CNTT. UBND cấp xã được trang bị hệ thống thiết bị hỗ trợ họp trực tuyến, hệ thống truyền thanh thông minh.

Hiện nay, 58% văn bản đi của các phòng, ban cấp huyện và UBND các xã thực hiện chữ ký số. 94% văn bản đi trên địa bàn huyện được liên thông trên môi trường mạng. 100% CB, CC được cấp và sử dụng thư điện tử công vụ. Cấp huyện đã cung cấp 161 dịch vụ công - DVC (21 DVC mức độ 3, 140 DVC mức độ 4); cấp xã 87 DVC (48 DVC mức độ 3, 39 DVC mức độ 4) lên cổng DVC của tỉnh. Tổng số hồ sơ DVC trực tuyến giải quyết trên hệ thống mức độ 3 đạt 56%, mức độ 4 đạt 83%.

Huyện Chợ Lách đã hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã trên địa bàn huyện được tập huấn về thương mại điện tử gắn với sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương, được hỗ trợ xây dựng kênh bán hàng online, cũng như bước đầu tiếp cận kỹ năng số trong kinh doanh. Nhiều nhà vườn làm hoa kiểng, cây giống ở Chợ Lách đã thành thục việc kinh doanh trực tuyến, giới thiệu, mua bán sản phẩm cây cảnh, cây giống trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế cũng thực hiện các đầu việc về CĐS theo nhiệm vụ triển khai chung của toàn ngành. Các trường trên địa bàn huyện đều được kết nối băng thông rộng. Học sinh các cấp được tiếp cận Internet; ứng dụng CNTT trong dạy và học. Ngành giáo dục huyện tham gia các nhiệm vụ CĐS theo hệ thống chung của tỉnh về: xây dựng học bạ điện tử, hình thành hệ thống quản lý kho tài nguyên dạy học chung, sử dụng phần mềm quản lý nhà trường vnEdu… Phối hợp tổ chức tập huấn hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19, CĐS ngành y tế. Hoàn thành chuẩn hóa dữ liệu dân cư 2 xã Phú Phụng và Tân Thiềng; khởi tạo sổ sức khỏe điện tử đạt 100%; đang tiến hành chuẩn hóa dữ liệu dân cư 4 xã: Vĩnh Bình, Hòa Nghĩa, Hưng Khánh Trung, Vĩnh Hòa.

Đồng bộ các giải pháp

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Nguyễn Minh Đức, với mục tiêu đẩy mạnh CĐS trong xây dựng nông thôn mới, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện các nhóm nhiệm vụ: truyền thông nâng cao nhận thức, tạo kỹ năng số, hướng đến xây dựng công dân số, xây dựng chính quyền số, triển khai các dịch vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số, hình thành và phát triển xã hội số, cá thể hóa người dùng gắn với định hướng các nền tảng đến từng đối tượng người dùng, các chức năng phù hợp, khách du lịch, doanh nghiệp, cũng như có giải pháp phát triển hạ tầng số, thúc đẩy CĐS.

Các giải pháp trong thời gian tới để thúc đẩy CĐS, góp phần xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao được đề ra toàn diện. Huyện tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT tại các phòng, ban huyện, UBND các xã, thị trấn. Triển khai hệ thống Wifi miễn phí cho người dân và khách du lịch truy cập tại các nơi công cộng. Rà soát phương án đảm bảo 60% hệ thống cáp quang được phủ đến hộ gia đình. Đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh thay thế hệ thống truyền thanh cũ.

Huyện chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về CĐS cho CB, CC cấp xã, huyện, tổ CĐS cộng đồng từ huyện đến ấp và doanh nghiệp, nhân dân. Đồng thời, phát huy vai trò của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ CĐS gắn với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành, quản lý. Đưa kết quả triển khai CĐS thành chỉ tiêu đánh giá của các ngành các cấp và của CB, CC.

Triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, với mục tiêu nâng tỷ lệ DVC trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%, tỷ lệ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%. Tập trung thực hiện tốt hệ thống quản lý văn bản và điều hành cấp huyện, xã, đảm bảo 80% hồ sơ công việc cấp huyện, 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Tỷ lệ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%.

            Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN