Chợ Lách sẵn sàng ứng phó xâm nhập mặn

08/02/2023 - 05:53

BDK - Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ tuần cuối tháng 12-2022, nước mặn bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông. Độ mặn cao nhất và xâm nhập sâu nhất vào tháng 2 và 3-2023. Dự báo độ mặn 4‰ xâm nhập sâu cách cửa sông khoảng 45 - 57km. Độ mặn 1‰ xâm nhập sâu cách cửa sông khoảng 54 - 68km.

Ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành bên bể trữ nước ngọt có thể tích 6.500m3 đã phát huy hiệu quả trong 3 năm qua.

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết: Hiện nay, diện tích đê bao ở huyện Chợ Lách khá an toàn cho 9.248ha đất nông nghiệp. Trong đó, đê bao vững chắc có 105,7km cho diện tích 4.985ha; đê bao cục bộ Nhà nước hỗ trợ cống, dân đắp đê có 60km bờ bao cho diện tích 2.652ha; với hơn 1.048 cống từ phi 60 trở lên. Việc trữ nước ngọt hộ gia đình thông qua các ao lót bạt và túi trữ ứng phó hạn mặn năm 2023 được người dân chủ động, ao trên 200m3 với khoảng 500 ao và trên 1 ngàn túi trữ 5 - 25m3.

Từ năm 2020 đến nay, người dân Chợ Lách sẵn sàng tham gia ứng phó nước mặn xâm nhập sâu bằng cách xây bể, trữ nước ngọt trong mương… để tưới tiêu và sinh hoạt gia đình. Hai xã của Chợ Lách bị nước mặn đầu tiên là Phú Sơn ven sông Hàm Luông, Hưng Khánh Trung B ven sông Cổ Chiên.

Toàn xã Phú Sơn có khoảng 70 hộ xây bể dưới 500m2 để trữ nước ngọt. Hộ ông Huỳnh Văn Vận, ở ấp Mỹ Sơn Tây, xã Phú Sơn đang trữ nước ngọt trong bể dài 35m, rộng 20m, sâu từ mặt đất xuống 4,5m, từ mặt đất lên 1,5m, tổng kinh phí gần 60 triệu đồng. Bể này hoàn thành vào năm 2020, đến nay vẫn còn trữ nước khá tốt để tưới khoảng 60 ngàn cây giống sầu riêng.

Tại xã Hưng Khánh Trung B ở hạ nguồn ven sông Cổ Chiên, có diện tích đất nông nghiệp 847,7ha. Toàn xã có khoảng 100 hộ xây dựng bể trữ nước ngọt. Ông Lê Quốc Nghị, ở ấp Trung Hiệp bỏ ra 27 triệu đồng để đầu tư 1 bể dài 30m, rộng 13m, sâu 4m, chứa khoảng 1.300m3 nước ngọt để tưới cây giống.

Nước mặn từ sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên còn xâm nhập vào xã Vĩnh Thành (thủ phủ của cây giống và hoa kiểng). Toàn xã có gần 1.400ha đất nông nghiệp.  Khi nước mặn xâm nhập sâu, Vĩnh Thành như bị 2 gọng kìm nước mặn. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Trần Văn Đến cho hay: Nước mặn vào đây rất nhanh nhưng rút ra rất chậm, thậm chí ngấm vào đất đến 2 - 3 năm sau. Toàn xã hoàn thành 20km đê bao ngăn mặn, với hơn 200 cống thủy lợi bảo vệ gần 1.300ha đất nông nghiệp.

Năm 2023, với tinh thần chính quyền cùng người dân đồng lòng ra sức ứng phó xâm nhập mặn, hy vọng Chợ Lách giành nhiều thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp của huyện nông thôn mới.

“Huyện tích cực vận động các hộ mua bán thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương trang bị máy đo mặn, hỗ trợ đo mặn trực tiếp cho người dân. Mỗi xã có ít nhất 2 điểm đo độ mặn. Tổ chức nạo vét ao hồ, tận dụng ao lót bạt, túi nylon để trữ nước ngọt sử dụng. Hoàn chỉnh ngay các đập tạm năm 2023, chủ động triển khai nhanh các đập tạm ngăn mặn nhánh sông Hàm Luông ở các xã Phú Phụng, Vĩnh Bình và Sơn Định. Vận hành tốt các cống và hệ thống đê bao hiện có trên địa bàn huyện”.

 (Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh)

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN