Chợ Lách chủ động nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất

15/03/2023 - 05:39

BDK - Người dân tại huyện Chợ Lách đã chủ động trong việc đắp đập tạm ngăn mặn, cùng với hơn 1.200 hồ chứa nước trải bạt. Mô hình tiếp tục được nhân rộng trong nhân dân để ứng phó trước tình hình mặn xâm nhập mùa khô 2022-2023.

Mô hình ao trải bạt trữ nước của hộ dân sản xuất cây giống tại xã Hưng Khánh Trung B. 

Đắp nhiều đập tạm

Trên địa bàn huyện Chợ Lách có 10 nhà máy nước (NMN). Tỷ lệ sử dụng nước máy toàn huyện đạt 80,3%. Hiện nay, các NMN đang gặp khó khăn trong việc trữ nước trong mùa mặn. Một số NMN cánh Đông của huyện Chợ Lách bị nhiễm mặn, cụ thể NMN Tân Thiềng có lúc 2,5.

Hiện người dân Chợ Lách đã ghép và cấy gốc ghép cây giống với trên 20 triệu cây, tập trung là sầu riêng, mít, chôm chôm… 80% số lượng cây giống của huyện Chợ Lách tập trung ở 6 xã cánh Đông. Diện tích cây ăn trái chủ lực như sầu riêng, chôm chôm nằm tập trung 5 xã cánh Tây huyện Chợ Lách, trong đó cây sầu riêng và chôm chôm với diện tích trên 3.500ha.

Bên cạnh các giải pháp công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư, các ngành, các cấp địa phương đã tích cực vận động nhân dân thực hiện nhiều biện pháp trữ nước cục bộ, góp phần rất lớn trong phòng chống, ứng phó hạn mặn những năm qua. Huyện đã đắp 22 công trình đập tạm ngăn mặn, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 13 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm 16 công trình, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 3,8 tỷ đồng.

Đồng thời, huyện vận động, hỗ trợ người dân thực hiện và nhân rộng các mô hình trữ nước ngọt, với quy mô hộ gia đình. Trên địa bàn huyện đã thực hiện trên 1.200 hồ chứa nước trải bạt, với dung tích từ 100m3 trở lên tập trung tại các xã như: Phú Sơn, Vĩnh Thành, Tân Thiềng, hiện mô hình tiếp tục được nhân rộng trong nhân dân.

Giải pháp trữ ngọt

Trên địa bàn huyện Chợ Lách, diện tích đê bao chiếm trên 92% đất sản suất nông nghiệp. Trong đó, bao vững chắc có 105,7km, phục vụ diện tích 4.985ha; đê bao an toàn 76,77km, phục vụ diện tích 1.611ha; có 60km bờ bao, phục vụ diện tích 2.652ha là đê bao cục bộ do Nhà nước hỗ trợ cống, dân đắp đê, với hơn 1.048 cống từ phi 60 trở lên.

Hiện nay, đê bao của huyện Chợ Lách đảm bảo chống lũ cơ bản an toàn. Tuy nhiên, công tác trữ nước còn nhiều hạn chế, do hệ thống kênh mương bị mọi đáy, việc trữ nước bị thấm và rò rỉ. Thể tích chứa các khu vực nội đồng không thể đáp ứng khi mặn kéo dài trên 3 tháng.

 Người dân đã chủ động trữ nước thông qua các ao lót bạt và túi trữ ứng phó hạn mặn năm 2023. Hiện có trên 1.200 ao trữ từ 100 - 2.000m3. Người dân huyện Chợ Lách còn áp dụng các giải pháp khác để ứng phó hạn mặn như trữ ngọt trong mương vườn bằng mũ lót, túi chứa, bồn, thực hiện vận chuyển nước ngọt bằng xe.

Để bảo đảm cung cấp đủ nước sạch không nhiễm mặn trong mùa khô năm 2022-2023, huyện Chợ Lách đã triển khai thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, trong tình huống mặn diễn biến gay gắt, khan hiếm nguồn nước ngọt trên các sông, kênh rạch trong tỉnh thì dùng sà lan, ghe để vận chuyển nước ngọt từ thượng nguồn về xử lý tại các NMN để cung cấp ra mạng lưới; mua vận chuyển nước ngọt cung cấp cho các bệnh viện; vận hành các hệ thống, máy lọc mặn được trang bị các năm qua để cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt; tổ chức các điểm cấp nước tập trung...

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN