Ông Nguyễn Văn Thành (xã Long Thới) trang bị các thùng phuy chứa nước ngọt để tưới cây giống.
Tìm cách trữ nước ngọt
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ vườn cây giống Sáu Oanh (xã Long Thới) đã trang bị 7 thùng phuy trữ nước ngọt, với tổng dung tích 28m3 (4m3/thùng) nhưng vẫn tính đến việc cho tàu sắt đi lên Vĩnh Long chở nước ngọt về tưới cây giống. “Có người đã cho khoan giếng sâu 500m nhưng khi lấy nước lên kiểm tra độ mặn, độ phèn thì vẫn không đạt yêu cầu nên không thể tưới cho cây giống được. Cây sầu riêng rất nhạy cảm với nước mặn”, ông Hai Thành nói.
Thuê tàu sắt chở nước ngọt chi phí 1,5 triệu đồng/lần, lại phụ thuộc vào chủ tàu nên ông và một người bạn hùn tiền lại đóng hẳn một tàu sắt hơn 300 triệu đồng. Chiếc tàu sắt ngược dòng Hàm Luông, đo kiểm tra thấy nước không nhiễm mặn thì bơm lên tàu, mỗi lần chở được hơn 30m3 nước. Nhờ vậy, cơ sở ông Thành mạnh dạn làm cây giống để đáp ứng các hợp đồng đã ký kết trước đó. Tại vườn, hơn 8.000 cây giống sầu riêng vừa xong công đoạn ghép ổn định, chuẩn bị vô bầu.
Đối với những cơ sở sản xuất nhỏ hơn và cả các vườn cây ăn trái đều đã “thủ” nguồn trữ nước ngọt, sẵn sàng đối mặt với mặn. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Một, ở ấp Tân An, xã Long Thới cho biết, hơn 1 tháng nay, kể từ thời điểm mặn xâm nhập cao điểm áp sát ngay trước khi hoa kiểng Tết ra chợ, nhờ đã trữ nước ngọt từ trước nên chưa bị thiệt hại trên cây trồng, hoa kiểng. Người dân địa phương cũng chủ động tìm nhiều cách để có nước ngọt tưới cho cây trồng. Tùy theo quy mô canh tác và điều kiện gia đình, hộ dân trữ nước trong thùng phuy, xây ống hồ, trữ trong mương vườn hoặc đào ao trải bạt.
Trước Tết Nguyên đán Canh Tý, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với ngành hữu quan triển khai mô hình trữ nước ngọt trong túi nhựa đến nông dân. Thông qua chính quyền địa phương, người dân đã đặt mua gần 300 túi trữ nước, góp thêm một giải pháp thiết thực, giúp vụ hoa kiểng Tết vượt qua giai đoạn gay go nhất.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra độ mặn tại bể trải bạt chứa nước ngọt do người dân đắp tạm tại hộ gia đình ở Long Thới (Chợ Lách).
Hạn chế ảnh hưởng
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, cùng với việc cập nhật bản tin cảnh báo độ mặn của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, huyện cũng chủ động kiểm tra độ mặn cụ thể tại địa phương.
Công chức xã nông thôn mới Long Thới Huỳnh Xuân Thuận cho biết, hàng ngày, anh và một người nữa chia nhau đi đo, kiểm tra độ mặn tại 6 - 7 điểm ở các nhánh sông chính qua địa bàn. Thời điểm mặn cao thì tiến hành đo kiểm tra gần 10 điểm để kịp thời thông tin cho người dân. Ngày 31-1-2020, độ mặn đo được tại điểm bến đò Sáu Nhung, ấp Tân An, xã Long Thới là 2,4%o, điểm tại cầu Cái Gà, ấp An Hòa là 1,18%o.
Nhiều hộ gia đình, chủ vườn cây giống, cây ăn trái cũng đã tự trang bị thiết bị đo độ mặn tại nhà, đảm bảo đo kiểm tra trước khi bơm nước tưới cho cây trồng, cây giống. Nếu không có thiết bị đo, người dân đem mẫu nước đến UBND xã hoặc huyện để kiểm tra. Kỹ thuật viên của ngành nông nghiệp thường xuyên túc trực hỗ trợ bà con. “Huyện bám sát 4 kịch bản ứng phó tùy theo mức độ hạn mặn, không chủ quan. Chính quyền và ngành chức năng tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, kết hợp thông tin, tuyên truyền cho người dân. Nhìn chung, người dân đã ý thức hơn trước rất nhiều trong ứng phó với hạn mặn”, Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm cho biết thêm.
Mùa khô 2020 còn dài, trước nguy cơ thiếu nước ngọt cho sản xuất, ngành chức năng huyện khuyến cáo nông dân áp dụng nhiều giải pháp để bảo vệ cây trồng. Ngoài kiểm soát độ mặn để trữ nước ngọt đúng thời điểm, bà con cần tưới tiết kiệm, kết hợp đậy gốc, phủ màng để cây trồng không bị mất nước.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm thông tin: “Các loại cây trồng có thể chịu đựng nước nhiễm mặn ở mức độ cụ thể như: cây sầu riêng đến 0,5%o; các cây có múi như cây bưởi thì chịu mặn đến 1,5%o. Tuy nhiên, sau đó phải tiến hành rửa mặn lại. Với các cây trồng nhạy cảm, cây giống cần tuyệt đối phải kiểm tra độ mặn trước khi tưới”.
“Giải pháp về dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cây tăng khả năng chống chịu mặn là cần tăng cường bón phân hữu cơ và kali, hạn chế cây bị ngộ độc do Na+ cao. Đồng thời, bón thêm phân lân để hạn chế sự thu hút các ion Cl - quá nhiều trong cây. Phun các chế phẩm như: Vitazyme, Nyro có chứa các hoạt chất Brasinoline giúp cây tạo ra Proline điều hòa thẩm thấu của tế bào hạn chế sự hút Na+ vào cây. Trong giai đoạn này, không nên xử lý cây ra hoa nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái, phát triển trái và nuôi trái”.
(Khuyến cáo trong bài viết “Một số giải pháp ứng phó với hạn mặn trên vườn cây ăn trái và hoa kiểng” trên website của Sở Khoa học và Công nghệ)
|
Bài, ảnh: Thanh Đồng