Chính trường Malaysia lại nguy cơ bất ổn sau khi UMNO rút khỏi liên minh cầm quyền

30/07/2020 - 20:17

Ngày 30-7-2020, chính trường Malaysia một lần nữa có thể đối mặt với nguy cơ bất ổn sau khi đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO), đảng lớn nhất trong Liên minh Dân tộc (Perikatan Nasional - PN) cầm quyền tại quốc gia Đông Nam Á này, tuyên bố rút khỏi PN.


Chú Thủ tướng Muhyiddin Yassin (ngoài bên trái), cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad (giữa) và ông Mukhriz Mahathir hồi năm 2018. Ảnh: nikkei.com 

Phát biểu với báo giới ngày 30-7-2020, Chủ tịch UMNO, ông Ahmad Zahid Hamidi cho hay đảng UMNO của ông đã quyết định rút khỏi PN và sẽ tập trung vào việc củng cố quan hệ đối tác với đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS) trong khuôn khổ Hiệp ước Quốc gia. Tuy nhiên, ông Ahmad Zahid Hamidi khẳng định đảng UMNO sẽ tiếp tục ủng hộ chính phủ hiện nay.

Quyết định rút lui của UMNO đặt liên minh cầm quyền của Thủ tướng Muhyiddin Yassin vào thế mong manh vì trong số các đảng liên minh cầm quyền hiện nay thì UMNO có nhiều ghế nghị sĩ nhất tại Quốc hội nước này. Do đó, sự ủng hộ của đảng UMNO được đánh giá là có ý nghĩa sống còn đối với chính phủ của ông Yassin.

Tuyên bố của lãnh đạo UMNO được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Tòa thượng thẩm Kuala Lumpur ra phán quyết kết án cựu Thủ tướng Najib Razak (cựu Chủ tịch UMNO và hiện đang là nghị sĩ của đảng này) 12 năm tù giam vì tội tham nhũng liên quan đến Quỹ đầu tư Nhà nước 1Malaysia (1MDB). Sau phiên tòa, cựu Thủ tướng Razak tuyên bố ông vô tội và sẽ kháng cáo.

Chuyên gia phân tích độc lập Ibrahim Suffian thuộc Trung tâm Merdeka nhận định quyết định rút lui của UMNO có thể là đòn phản ứng lại phán quyết đối với ông Najib Razak, một người có uy tín và sức ảnh hưởng lớn trong đảng này dù không còn giữ cương vị lãnh đạo. Theo chuyên gia Ibrahim, các nghị sĩ UMNO giờ đây không có nghĩa vụ phải ủng hộ Thủ tướng Muhyiddin và chính phủ có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào nếu phái nghị sĩ này rút lại sự ủng hộ”.

Cùng ngày, Mukhriz Mahathir, con trai của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, nói với tờ Nikkei Asian Review rằng chính trị gia kỳ cựu này để ngỏ mọi lựa chọn về tương lai chính trị của bản thân, trong đó bao gồm cả việc thành lập một chính đảng mới hoặc gia nhập một đảng đối lập hiện nay.

Trong vòng 1 tuần, chính trường Malaysia dậy sóng với hai sự kiến gây chấn động. Đó là việc ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ ngày 24-7-2020 đã đạt được thỏa thuận bồi thường 3,9 tỷ USD cho Chính phủ Malaysia để giải quyết vụ bê bối tham nhũng của Quỹ Đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB) và sự kiến tòa án Malaysia tuyên cựu Thủ tướng Najib Razak 12 năm tù vì những bê bế tham nhũng liên quan tới ngân hàng nói trên. Những diễn biến này có thể sẽ tác động tới Thủ tướng Muhyiddin, người từng hạ bệ ông Mahathir  hồi đầu năm nay trong một cuộc tranh giành quyền lực.  

Mukhriz, 55 tuổi, cho hay sáu chính khách “đào ngũ” khỏi đảng Bersatu biết rằng họ không thể có cơ hội thành công nếu không có một chính đảng hậu thuẫn, nhất là trong một cuộc bầu cử sớm dự kiến diễn ra trong khoảng 9 tháng tới.

Đảng Di sản Sabah, một đảng khu vực, đã công khai gửi lời mời tới 6 chính khách nói trên. Một lựa chọn khác đó là các đảng đối lập sẽ đặt niềm tin vào Liên minh Hy vọng của ông Anwar Ibrahim, người có mối quan hệ cũng rất phức tạp với ông Mahathir. Tuy nhiên, ông Mukhriz hoài nghi liệu Anwar Ibrahim có phải là người phù hợp để lãnh đạo phe đối lập giành chiến thắng trước liên minh cầm quyền.

Trên thực tế, ông Anwar Ibrahim, một chính khách cũng rất nổi tiếng ở Malaysia, không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người sắc tộc Mãlai, nhất là ở các khu vực nông thôn. Nhiều người coi ông Anwar Ibrahim có quan điểm “quá tự do” và điều đó có thể làm giảm đi cơ hội của phe đối lập tại một quốc gia có đa số là người Hồi giáo như Malaysia.

Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc 32 triệu dân với hơn 50% là người Mã Lai bản địa, cũng đồng thời là các tín đồ Hồi giáo, phần còn lại là người gốc Hoa, gốc Ấn và các sắc tộc khác. Cộng đồng người gốc Hoa có nhiều đóng góp cho nền kinh tế Malaysia, có thời điểm đóng góp đến hơn 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dù chỉ chiếm chưa đầy 30% dân số. Song họ lại bị coi là “công dân hạng hai”, con em người gốc Hoa không được bình đẳng cạnh tranh các suất vào đại học.

Về chính trị, Hiến pháp Malaysia quy định, chức thủ tướng chỉ dành cho người bản địa. Đây là một nguyên nhân khiến xã hội Malaysia chia rẽ và luôn bị các chính trị gia lợi dụng. Điều đó cũng dẫn tới tình trạng, như chính lời ông Mahathir, rằng “người dân bản địa ít chịu phấn đấu mà chỉ trông chờ vào các chính sách ưu tiên của chính phủ”.

Bởi vậy, người bản địa sẽ chỉ bỏ phiếu cho những đảng phái mang lại quyền lợi cho họ, và thiếu sự ủng hộ của họ thì khó có thể thắng cử. Vì vậy, các chính đảng đã không ngừng tìm cách lợi dụng và "chiều theo" xu hướng này. Đặc điểm này, cùng với sự bất mãn của người gốc Hoa và các cộng đồng nhập cư khác, chính là nguyên nhân sâu xa cho những biến động chính trị tại Malaysia.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN