Chỉnh trang các di tích phục vụ khách tham quan dịp Tết
03/01/2025 - 05:26
BDK - Chăm sóc di tích, mái đình làng không chỉ là việc riêng của một ban, ngành nào, mà là việc chung của mọi người. Với mỗi người chúng ta, ngôi nhà của cha mẹ, một di tích, một mái đình ở chốn quê hương là nơi lưu giữ “hồn quê”. Sự hiện hữu của di tích, mái đình nhắc nhớ mỗi người về cội nguồn, về ý thức bổn phận mình đang sống cho gia đình, dòng họ, xóm làng và quê hương.
Tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng DONA COOP đang thi công dự án Khu tưởng niệm Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định và Anh hùng liệt sĩ Đội quân tóc dài. Đây là công trình được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa và đã được Tỉnh ủy và UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện. Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định có diện tích 1,5ha, đền thờ xuống cấp, gạch lát, cột bị bong, tróc, trần, tường, ngoài hành lang bị thấm. Sân đường bị thấp ngập nước, thành bó nền, bồn cây hư hỏng. Sân lễ nứt, bể, hư hỏng nhiều, thành xung quanh sân lễ bể các gờ trang trí. Hệ thống điện chiếu sáng hư hỏng. Hệ thống cấp thoát nước chưa có, thường ngập úng vào mùa mưa.
Trước hiện trạng này, nhà tài trợ là đơn vị Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai, với tư cách chủ đầu tư đã trực tiếp thực hiện dự án, tổ chức thi công, giám sát chất lượng công trình. Sau khi dự án hoàn thành, bàn giao cho đơn vị trực tiếp quản lý đưa vào sử dụng nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 -17-1-2025). Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 13,8 tỷ đồng, để thực hiện 18 hạng mục. Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Quản lý công trình dự án Khu tưởng niệm Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định và Anh hùng liệt sĩ Đội quân tóc dài cho biết: “Công trình có 18 hạng mục. Ở khu vực đền chính, chúng tôi đã lột bỏ ngói cũ, đục lớp vữa chống thấm cán hồ thay ngói 3 tầng mái diện tích mái ngói 689m2; đang đóng lại trần, sơn lại toàn bộ tượng trong và ngoài. Lát đá nền granit đỏ, làm mới bục tượng Bác Hồ, cô Ba Định, Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ. Nhà đón tiếp đã tháo dỡ xà gồ, thay và bổ sung xà gồ mới (có tận dụng xà gồ cũ); làm mới cải tạo nhà vệ sinh và thay mới thiết bị... Chúng tôi đang phấn đấu hoàn thành các hạng mục vào ngày 15-1-2025”.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, việc chỉnh trang, nâng cấp Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định nhằm mục tiêu bảo tồn, gìn giữ lâu dài Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với cuộc đời của Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Phục vụ thăm viếng, thờ tự, tín ngưỡng, giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Nữ tướng Nguyễn Thị Định; giới thiệu khách tham quan về truyền thống lịch sử của địa phương, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Mái đình quê hương
Giữa trung tâm TP. Bến Tre nhộn nhịp, di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình An Hội cổ kính, góp phần tô thắm nét văn hóa lâu đời của thành phố. Đây là ngôi đình 200 năm tuổi của những người dân chủ yếu với nghề buôn bán lập nên. Đến nay, vẫn giữ được nét trang nghiêm, uy nghi, nhưng ngôi đình bị xuống cấp khá nhiều.
Năm 2024, trong sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, của Ban Quản lý, Ban Khánh tiết đình An Hội, đình đã được trùng tu, với nguồn kinh phí xã hội hóa khoảng 650 triệu đồng. Việc chỉnh trang đình An Hội có ý nghĩa quan trọng nhân dịp lễ Lạp miếu (11-1-2025), lễ lớn nhất của đình hàng năm để cúng tôn Thần. Ông Bùi Hữu Phúc - Trưởng ban Quản lý đình An Hội cho biết: “Nhờ sự quan tâm, ủng hộ của UBND tỉnh về tinh thần, tỉnh đã kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp giúp đỡ đình kinh phí trùng tu. Trong 650 triệu đồng kinh phí để trùng tu, có khoảng 350 triệu đồng là của mạnh thường quân đóng góp, còn lại là tiền của đình”.
Cố vấn đình An Hội Trương Chi Khiêm, 81 tuổi nói: “Chúng tôi cố gắng hết sức để sửa sang được chút nào hay chút đó. Như chống dột được một phần võ ca, sơn toàn bộ mặt đình và võ ca, chánh điện; sửa tất cả các khánh thờ, nghi thờ... Công việc này đòi hỏi tỉ mỉ, kéo dài trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12-2024) và người thợ phải làm việc, phục dựng tại đình, dưới sự nhắc nhở, giám sát của người ở đình, nhằm đảm bảo giữ nguyên trạng từng món đồ vật tổ tiên để lại”.
Nằm bên bờ nhánh nhỏ của sông Hàm Luông, Di tích kiến trúc lịch sử cấp Quốc gia đình Tiên Thủy, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành tĩnh mịch và uy nghiêm. Ông Huỳnh Bạch Long - người giữ đình Tiên Thủy cho biết: Từ khi đình Tiên Thủy được công nhận Di tích kiến trúc lịch sử cấp quốc gia, hiện mỗi tháng tôi được trả công 3,9 triệu đồng để giữ đình, chăm sóc đình. Theo thông lệ hàng năm, chúng tôi dọn dẹp, vệ sinh đình và mở cửa đón người dân, khách tham quan đến viếng ngày mùng 1 Tết. Ngoài ngày này, tôi có để số điện thoại trên cổng đình, hễ ai tới muốn viếng cứ gọi tôi mở cửa”.
Tồn tại hàng trăm năm tuổi, những di tích, ngôi đình là nơi lưu giữ tinh thần của cha ông. Nơi đây lưu giữ nhiều câu chuyện có thật về lập ấp, giữ làng, phòng chống thiên tai, thú dữ, giặc ngoại xâm... và là nơi của những món vật do cha ông dày công làm lụng tích góp, dâng cúng, được truyền lại từ đời này sang đời khác. Tình cảm của gia đình, xóm làng, quê hương luôn là điểm nương tựa cho mỗi người khi phải lập nghiệp phương xa. Những tình cảm đó là nguồn động lực lớn để ta cố gắng hoàn thiện bản thân cho xứng đáng.