Đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên bị phạt đến 60 triệu đồng
Nghị định 119/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ 1-12-2020 quy định tăng mức phạt tiền trong hoạt động báo chí. Theo đó, với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên, người vi phạm bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, gấp đôi so với quy định hiện hành.
Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. Mức phạt các hành vi này theo quy định hiện hành là từ 20-30 triệu đồng.
Đặc biệt, hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tăng từ 20 triệu đồng hiện hành lên tối đa 60 triệu đồng.
Che giấu tài sản, thu nhập có thể bị cách chức
Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có hiệu lực từ ngày 20-12-2020, nêu rõ người được yêu cầu kê khai tài sản phải cung cấp thông tin trong 5 ngày; nếu thông tin được yêu cầu phức tạp, không có sẵn thì thời hạn 15 ngày.
Chính phủ quy định, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm gồm: chấp hành viên; điều tra viên; kế toán viên; kiểm lâm viên; kiểm sát viên; kiểm sát viên ngân hàng; kiểm sát viên thị trường; kiểm toán viên; kiểm tra viên của Đảng; kiểm tra viên hải quan; kiểm tra viên thuế; thanh tra viên; thẩm phán.
Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó phòng trở lên công tác trong một số lĩnh vực; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập hoặc cản trở hoạt động kiểm soát tài sản có thể bị cảnh cáo, cách chức. Ngoài ra, người kê khai không trung thực cũng có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.
Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế
Đây là thông tin đáng chú ý tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5-12-2020.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 30 của Nghị định nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.
Cũng theo Nghị định 126, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên.
Làm mất hóa đơn bị phạt đến 10 triệu đồng
Ngày 19-10-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 125 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Nghị định sẽ có hiệu lực từ 5-12-2020, trong đó có quy định mức phạt đối với hành vi làm mất hóa đơn.
Theo đó, phạt cảnh cáo nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng có tình tiết giảm nhẹ; Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế.
Phạt 3-5 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng); Phạt 4-8 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập…
Mức phạt 8-10 triệu đồng được áp dụng trong trường hợp làm mất, cháy, hỏng hóa đơn không thuộc các trường hợp trên.
Khai sai số tiền mang khi xuất cảnh bị phạt đến 50 triệu đồng
Nghị định 128 của Chính phủ có hiệu lực từ 10-12-2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định các mức phạt đối với người xuất cảnh không khai, khai sai số tiền, vàng mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định.
Cụ thể, người xuất cảnh bị phạt 1-3 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị 5-10 triệu đồng; Phạt 5-15 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 30 đến dưới 70 triệu đồng; Phạt 15-25 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 70 đến dưới 100 triệu đồng; Phạt 30-50 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lương giảng viên đại học công lập đến 11,92 triệu đồng/tháng
Thông tư 40 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ có hiệu lực từ 12-12-2020.
Thông tư đề cập đến chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy tại các trường đại học công lập bao gồm: Giảng viên cao cấp, giảng viên chính, giảng viên, trợ giảng.
Theo đó, giảng viên cao cấp áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00. Tính theo mức lương cơ sở năm 2021 (1,49 triệu/tháng), mức lương cụ thể với giảng viên này sẽ từ 9,238 triệu đồng/tháng đến 11,92 triệu đồng/tháng.
Phạm nhân được tăng tiêu chuẩn đồ ăn
Nghị định 133/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực từ 25-12-2020 quy định rõ việc thay đổi tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng đồ ăn như: 7 kg gạo tẻ; 15kg rau xanh; 1kg thịt lợn; 1kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; gia vị khác; chất đốt tương đương 17kg củi hoặc 15kg than.
So với quy định hiện hành, chế độ ăn đã tăng thêm 0,2kg cá; 0,3kg thịt lợn; bổ sung dầu ăn và gia vị khác.
Phạm nhân lao động nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mức ăn sẽ được tăng thêm không quá 2 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường (quy định hiện hành tăng 1,5 lần).
Ngoài tiêu chuẩn ăn trên, phạm nhân được còn sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá 3 lần định lượng ăn trong mỗi tháng cho mỗi phạm nhân. Đồ ăn này của phạm nhân buộc phải thông qua hệ thống lưu ký và căn-tin phục vụ sinh hoạt của cơ sở giam giữ.
P. Nghi