Quân đội Israel bắn đạn pháo về phía Dải Gaza ngày 2-12-2023. Ảnh: THX/TTXVN
Nhưng hiệu quả của các biện pháp này bị suy giảm do áp lực bên ngoài liên quan đến tình hình nhân đạo ở Dải Gaza và số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng do chiến dịch quân sự. Tình hình leo thang hiện nay có thể dẫn đến việc Israel phải xem xét lại một số mối quan hệ song phương.
Chuyên gia Wojnarowicz cho rằng trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột Israel - Hamas, Tel Aviv đã nhận được sự ủng hộ chính trị rộng rãi từ hầu hết các đối tác EU và NATO. Lãnh đạo Mỹ, Pháp, Romania, Đức, Anh, CH Séc, cũng như đại diện cấp cao của EU đã đến Israel. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này không giúp củng cố vị thế của Israel trong các diễn đàn đa phương, ví dụ như tại Liên hợp quốc.
Cùng với đó, Israel đã phát động một chiến dịch thông tin rộng rãi nhằm vào công chúng, giới truyền thông và các nhà lãnh đạo nước ngoài. Yếu tố chính của Israel là thông điệp liên quan đến các chi tiết về vụ tấn công của Hamas vào ngày 7-10 , chủ yếu là quy mô số người thiệt mạng đã gây ra. Một phần không thể thiếu của chiến dịch là so sánh hoạt động của Hamas với hoạt động của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Khía cạnh quan trọng tiếp theo là vấn đề con tin bị giam giữ ở Dải Gaza, nhiều người trong số họ là người nước ngoài. Yêu cầu trả tự do cho họ là yếu tố chính của các cuộc biểu tình ủng hộ Israel trên khắp thế giới, thường được hỗ trợ bởi chính sách ngoại giao của Israel. Tel Aviv cũng tham gia về mặt ngoại giao vào cuộc chiến chống thông tin sai lệch nhằm vào Israel, chống những tiếng nói ủng hộ Palestine và ứng phó với tam lý và sự kiện bài Do Thái trên khắp thế giới.
Việc bắt đầu cuộc bao vây và tiến hành chiến dịch quân sự trên bộ ở Dải Gaza đã thay đổi các điều kiện cung cấp thông tin của Israel, tập trung đề cập đến các hoạt động quân sự (ví dụ: tổ chức các chuyến đi cho giới báo chí tới Dải Gaza).
Nhưng đối với dư luận thế giới và các đối tác nước ngoài, tình hình thương vong dân sự ở Dải Gaza đã trở thành vấn đề cơ bản: Số lượng nạn nhân ngày càng tăng (cơ quan y tế ở Gaza do Hamas điều hành báo cáo khoảng 15.000 người chết), tình hình nhân đạo nghiêm trọng (bao gồm cả việc cung cấp viện trợ tối thiểu, mùa đông đang đến gần) và việc phá hủy cơ sở hạ tầng đang gây ra sự chỉ trích cũng như cáo buộc quốc tế ngày càng tăng đối với Israel. Do đó, các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine trên toàn cầu vẫn ở mức cao, đông đảo và thường xuyên hơn các cuộc biểu tình ủng hộ Israel.
Trong khi đó, chính sách của Israel bị ảnh hưởng do thiếu tính nhất quán. Israel vẫn chưa đưa ra tầm nhìn rõ ràng về tương lai của Dải Gaza, bao gồm cả việc quản lý dải Gaza sau khi loại bỏ được Hamas. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhiều lần tuyên bố rằng Israel cần duy trì khả năng đáp trả quân sự ở Dải Gaza (điều này sẽ cản trở hoạt động của các lực lượng quốc tế nếu có), đồng thời ông cũng đặt câu hỏi về triển vọng trở lại của Chính quyền Palestine.
Tác động tới các mối quan hệ song phương
Bộ binh Israel di chuyển ở phía Bắc Dải Gaza, ngày 2-12-2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Các diễn biến ở Gaza đã làm thay đổi thái độ của các quốc gia ban đầu có quan điểm ủng hộ Israel, ví dụ như Pháp. Trong khi đó, chính sách của Mỹ đóng vai trò then chốt đối với Israel. Mặc dù duy trì quan điểm rõ ràng ủng hộ Israel và mức hỗ trợ vật chất cao, nhưng có sự khác biệt ngày càng tăng giữa chính phủ của Thủ tướng Netanyahu và chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden về tình hình hiện tại và tầm nhìn về tương lai của Dải Gaza. Ví dụ như Mỹ phản đối kịch bản Israel tái chiếm đóng Gaza.
Ngoài ra, cuộc chiến với Hamas ảnh hưởng đến triển vọng quan hệ của Israel với các nước trong khu vực. Ở các quốc gia Arab, bất chấp thái độ khác nhau đối với Hamas và những khó khăn trong việc hình thành quan điểm chung, vấn đề Palestine đã trở lại là tâm điểm trong nền chính trị hiện nay.
Với quy mô của các hoạt động quân sự ở Dải Gaza, việc duy trì quan hệ chính thức với Israel đang ngày càng trở thành một gánh nặng chính trị. Một biểu hiện phản đối hoạt động của Israel tại vùng lãnh thổ Palestine là việc rút đại sứ Bahrain và Jordan khỏi Israel, đồng thời tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận năng lượng ba bên. Dưới ảnh hưởng của những quan điểm phản đối Israel gay gắt, quá trình xây dựng lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đã bị dừng lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng rút đại sứ về.
Đặc biệt, quan hệ của Israel với Nga và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, trong khi các hành động được thực hiện ở Dải Gaza rõ ràng đã làm suy yếu vị thế của Israel tại các quốc gia ở khu vực Global South. Israel, vốn chỉ trích việc Nam Phi, Chad và một số nước Mỹ Latinh rút đại diện ngoại giao (trong trường hợp của Bolivia là cắt đứt quan hệ ngoại giao), hiện không theo đuổi chính sách tích cực để cải thiện quan hệ với họ. Về lâu dài, điều này có thể có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Israel vốn phụ thuộc vào lao động nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như từ Đông Nam Á.
Tóm lại, chuyên gia Wojnarowicz kết luận, tình trạng xung đột hiện tại giữa Israel và Hamas làm ảnh hưởng tới khả năng ngoại giao của Israel.
Nguồn: TTXVN